Tỉnh táo trong cơn sốt Pokemon Go

Là chủ để “hot” được giới trẻ sôi sục tìm hiểu và quan tâm đặc biệt mấy ngày qua, những cụm từ “bắt pokemon”, “săn pokemon” đang rộ lên sau khi game Pokemon Go chính thức cập bến Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, người sử dụng nên đón nhận nó một cách thông minh để không bị “say” trong thế giới ảo.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Đến văn phòng làm việc từ sớm, bạn Nguyễn Lan Hương (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ vì thấy không khí tại nơi làm việc trước giờ làm ngày đầu tuần bỗng sôi nổi lạ thường khi mọi người ai cũng hào hứng với chiếc điện thoại và kể với nhau về một trò chơi mới có tên Pokemon Go. Tò mò hỏi về trò chơi mới lạ này Hương đã bị chê là “lạc hậu”, không chịu cập nhật và cô phải lập tức tải ngay ứng dụng này về để thử.

Cơn sốt Pokemon Go đang có những dấu hiệu trở thành cơn... nghiện nếu người chơi không tỉnh táo.

Lan Hương chia sẻ: “Trò chơi Pokemon Go đã hấp dẫn tôi ngay từ lần chơi thử đầu tiên. Không chỉ dễ dàng tải ứng dụng về máy mà những nội dung của trò chơi tuy ảo nhưng lại dựa trên địa hình thực tế sinh động khiến nó có sức hút đặc biệt. Có khi con thú xuất hiện ở những vị trí vô cùng oái oăm, thậm chí trên bồn cầu trong nhà vệ sinh, ở giữa hồ nước… khiến người chơi có thể trải nghiệm ở tất cả mọi nơi. Hầu hết các bạn trẻ ở công ty tôi đều đã biết và thử sức với trò chơi mới này”.

Ở các văn phòng hay các quán nước, đám đông, Pokemon Go cũng là chủ đề đang được giới trẻ bàn tán rất sôi nổi. Buổi trưa, quán trà đá gần cổng trường Đại học Hà Nội như rộn ràng thêm. Các bạn sinh viên tay cầm điện thoại hào hứng chia sẻ cách tải ứng dụng, cách chơi, thành tích của mình đã đạt được với Pokemon Go.

Vừa chơi, Nguyễn Xuân Việt vừa thành thạo hướng dẫn cho một người bạn: “Trong trò chơi, mỗi con Pokemon có một chỉ số sức mạnh, sở trường riêng. Sau khi “bắt” được những con Pokemon này, chủ nhân có thể nuôi dưỡng, luyện tập rồi cho chúng thi đấu với nhau, chinh chiến cùng các thú cưng của người khác. Ai sở hữu được càng nhiều loại Pokemon, nhiều thuộc tính thì cơ hội chiến thắng trong các cuộc đấu càng cao”.

Là một game thực tại ảo, yêu cầu người chơi phải bắt thú ảo trong đời thật, Pokemon Go là một trò chơi được phát triển trên smartphone tương tác với bản đồ ngoài đời thực. Người chơi dễ dàng cài đặt ứng dụng game này trên smartphone qua kho ứng dụng.

Theo cảm nhận của người chơi, hệ thống bản đồ thực tế sẽ được cập nhật qua google map. Dựa trên hình ảnh đường phố và cảnh quan thực tế, game sẽ thả các con thú Pokemon vào các vị trí để người chơi tìm bắt. Người chơi sẽ dựa vào định vị để dò tìm vị trí chính xác của Pokemon. Khi Pokemon xuất hiện trước camera của smartphone, người chơi sẽ ném bóng trên màn hình cảm ứng để thu phục con thú.

Hòa chung với “cơn sốt” trên toàn cầu, giới trẻ Việt Nam cũng đang hào hứng đón nhận game mới này, tạo nên một phong trào và sự lan tỏa mạnh mẽ.

Chơi nhưng phải tỉnh táo

Tuy được đánh giá là hấp dẫn, thú vị nhưng xoay quanh trò chơi mới này cũng không thiếu các câu chuyện dở khóc, dở cười. Chị Nguyễn Thanh Mai (Kim Ngưu, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Chủ Nhật con nghỉ học nên tôi cho con chơi iPad. Cứ tưởng cháu chỉ quanh quẩn trong nhà nhưng đến bữa ăn vẫn chưa thấy con xuống ăn cơm. Tá hỏa đi tìm thì ra cháu cùng bạn hàng xóm rủ nhau ra sân chơi của khu để tìm bắt Pokemon trong trò chơi mà anh trai cháu đã cài trên điện thoại và cứ mải mê chơi quên cả giờ về”.

Hay nhân câu chuyện vui ở nơi làm việc, anh Đỗ Quốc Toản (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, anh cũng "say" trò chơi này đến mức khi vợ nhờ trông con, anh vừa bế con nhỏ vừa mải mê đi quanh nhà để đuổi bắt Pokemon. Suýt vấp ngã, vậy là hai vợ chồng lại “cơm không lành, canh không ngọt”.

“Việc tập trung cao độ trong thế giới ảo mà cụ thể là các trò game trên mạng có ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, tâm lý của người chơi. Về thể chất, khi tham gia và say sưa trong trò chơi, có thể người dùng cảm thấy thoải mái nhưng thực ra họ đang rất mệt vì phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng bởi não và thần kinh phải hoạt động với công suất cao. Điều này nếu cứ kéo dài sẽ không có lợi”, TS. tâm lý Phạm Mạnh Hà cho biết.

Kể từ khi loại game mới này xuất hiện, trên thế giới cũng đã xảy ra những hiện tượng người chơi quá mải mê dẫn đến đi vào bụi rậm bị rắn độc cắn hay trượt chân xuống hố sâu… Theo TS. Hà, đây là những mặt trái và cần có sự cảnh báo để người dùng phải làm chủ được mình khi tiếp nhận các trò chơi mới dễ gây nghiện. Bởi khi bị cuốn vào game sẽ gây nghiện.

Hiện tượng nghiện game cũng không khác gì những loại nghiện khác, nó khiến người chơi dần lệ thuộc vào trò chơi đó. Xét về mặt xã hội, việc quá say sưa trong thế giới ảo của trò chơi cũng có thể dẫn tới nhiều hậu quả không tốt, làm gia tăng tệ nạn xã hội như: Trẻ em đi lạc dễ bị lạm dụng, bắt cóc hay gặp nguy hiểm.

Đặc biệt, đối tượng đang bị ảnh hưởng nhiều nhất của loại game này là giới trẻ, là sinh viên, người đi làm… nên nếu việc chơi game phát triển thành phong trào mà không có chừng mực, dễ dấn đến ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiệu quả công việc, học tập và nhiều hệ lụy khác kèm theo.

“Trong quá trình chơi game, có thể người chơi không để ý nhưng việc đuổi bắt các con thú cũng có thể dẫn đến cả những khu vực an ninh, hoặc khu vực cấm. Những hình ảnh đó ghi lại và cập nhật trên mạng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khó lường”, một chuyên gia cho biết.

Cũng theo TS. Phạm Mạnh Hà khi sử dụng loại game có sức hấp dẫn lớn như Pokemon Go, người dùng nên có chừng mực nhất định và cần biết rõ những lợi hại của nó mang lại để sử dụng một cách hợp lý, đúng mục đích là một trò chơi giải trí.

Tạ Nguyên
Hàng trăm tài xế Đài Loan bị phạt vì chơi Pokemon
Hàng trăm tài xế Đài Loan bị phạt vì chơi Pokemon

Gần 350 tài xế tại Đài Loan (Trung Quốc) đã bị phạt tiền do chơi Pokemon Go khi đang lái xe, dẫn tới các tai nạn giao thông trên đường phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN