Tín ngưỡng của người Việt
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, qua nhiều cuộc hội thảo, các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho rằng: Tín ngưỡng thờ Mẫu (cũng có thể gọi là đạo Mẫu) là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến. Ngày nay, đạo Mẫu vẫn tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Liên hoan văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội năm 2014 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức với sự tham gia của gần 250 nhóm Chầu Văn trên địa bàn thành phố. |
Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt chứa đựng trong đó những giá trị đặc biệt, riêng có ở Việt Nam. Thứ nhất, đó là một tín ngưỡng đa văn hóa. Trong đạo Mẫu không phân biệt dân tộc, điều này thể hiện ở việc có rất nhiều các vị thần linh trong đạo Mẫu là những người dân tộc thiểu số. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, người Việt Nam đã nhân hóa và nữ tính hóa tự nhiên, coi tự nhiên là một mẹ có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người. Chính việc thiêng hóa tự nhiên giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên và bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Cũng chỉ có đạo Mẫu của Việt Nam, mới hướng con người và niềm tin của con người vào thế giới hiện tại, cầu mong sức khỏe, tiền tài và quan lộc, chứ không hướng về thế giới sau khi chết như các đạo khác. Những giá trị rất đặc biệt này của đạo Mẫu được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài đánh giá cao.
Bên cạnh đó, đạo Mẫu còn gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc. Trong số khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ thì hầu hết là những nhân vật lịch sử, có công với dân tộc như Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ - Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí - Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan - Ông Hoàng Bơ, bà Lê Chân - Thánh Mẫu Bát Nàn…
Hầu đồng - nghi lễ quan trọng tín ngưỡng thờ Mẫu. |
GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, có lẽ vì là tín ngưỡng hiện sinh, hướng đến những ước vọng trong cuộc sống hiện tại, nên xã hội càng hiện đại thì đạo Mẫu càng phát triển, ngày càng nhiều có người thực hành nghi lễ cầu xin sức khỏe, tài lộc…
Trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng là một nghi lễ rất điển hình và quan trọng, bởi người ta tin rằng, nghi thức lên đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh, thông qua các ông đồng hay bà đồng (thường gọi là thanh đồng).
Thực hành sao cho đúng
Tại một cuộc hội thảo mới đây về việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại, PGS.TS Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đánh giá: “Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu có một chỗ đứng đặc biệt, có sức lan tỏa lớn và ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội đương đại”. Không chỉ riêng bà Loan, mà hầu hết các ý kiến tham luận trong hội thảo đều nhìn nhận giá trị cũng như sức sống mãnh liệt của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.
Hội thảo cũng đưa ra một con số thống kê đáng kinh ngạc, chỉ tính riêng quần thể Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cũng đã tập trung tới 20 di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo TS Trần Hữu Sơn, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, do hoạt động theo cơ chế dân gian rất linh hoạt, nên tín ngưỡng thờ Mẫu có thể đáp ứng được nhu cầu tâm linh của xã hội ngày nay, vì thế tín ngưỡng này ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau một thời gian dài bị dị nghị, cấm đoán, bị gắn mác “mê tín dị đoan”…, đến nay, việc thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và tín ngưỡng thờ Mẫu đã được xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính vì vậy, việc nhận thức, đánh giá lại những giá trị văn hóa, bản sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là thực sự cần thiết.
Phải thừa nhận rằng, ở nhiều nơi, nhiều người đang lợi dụng việc thực hành nghi lễ hầu đồng để trục lợi, đã gây nhiều điều tiếng xấu cho nghi lễ mang đậm tính văn hóa này. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa hiểu biết đầy đủ về việc thực hành nghi lễ, dẫn đến việc bị lợi dụng… Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, điều đáng lo ngại, thậm chí là nguy hiểm hiện nay là việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang rất phân tán, theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có một tổ chức nào hướng dẫn, quản lý, việc thực hành cũng không theo một khuôn mẫu nào, nên rất dễ bị lợi dụng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong điều kiện ngày càng nhiều người tin và thực hành theo tín ngưỡng thờ Mẫu như hiện nay, để tránh những sai lệch, chúng ta cần tổ chức, định hướng và hướng dẫn lại việc thực hành nghi lễ để tránh tình trạng một số cá nhân lợi dụng việc thực hành nghi lễ để trục lợi.
Đồng quan điểm này, GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, cùng với việc tổ chức, định hướng và hướng dẫn việc thực hành nghi lễ, một trong những việc quan trọng cần làm ngay, để đưa việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu vào quy củ là cần thay đổi nhận thức từ chính chủ thể văn hóa - các thủ nhang, thanh đồng, những người trực tiếp quản lý di sản, thực hành nghi lễ. Nếu chính những người này hướng dẫn các con nhang đệ tử thực hành nghi lễ một cách chuẩn mực, thì tình trạng lợi dụng nghi lễ trục lợi bất chính sẽ không diễn ra. Điều này không riêng gì với đạo Mẫu, mà với tất cả các hình thức văn hóa khác, chủ thể văn hóa là người quyết định, nhà nước hỗ trợ, còn khi chủ thể văn hóa chưa thay đổi, còn đứng ngoài thì rất khó thành công. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tuyên truyền vận động rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của nghi lễ, về cách thực hành nghi lễ để người dân nhận thức đầy đủ giá trị văn hóa, nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu, xua tan bóng đen mê tín dị đoan trong các cuộc hầu đồng.
GS Ngô Đức Thịnh cho biết, hiện Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam đang cùng Ban tôn giáo Chính phủ xây dựng và trình Chính phủ hình thức tổ chức nghi lễ, sao cho đúng trong cộng đồng, để người dân nhận biết những thanh đồng lợi dụng trục lợi, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong cộng đồng, từng bước đưa việc thực hành tín ngưỡng về đúng quỹ đạo.