Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh tín ngưỡng này bởi đã từng có thời kì và thậm chí cả hiện nay, nó bị đồng nhất với các hoạt động mê tín dị đoan. Song giá trị của tín ngưỡng này trong kho tàng văn hóa Việt Nam là không thể phủ nhận.
Nguồn gốc bản địa đích thực
Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc lâu đời, trở nên có hệ thống và phát triển mạnh vào thời hậu Lê. Nó có chiều hướng phát triển trong xã hội hiện nay, ở cả nông thôn, đô thị và miền núi, tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phú của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam.
Cô bé Thượng Ngàn - một nhân vật trong nghi lễ hầu đồng |
Tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời ở một đất nước nông nghiệp mà ở đó nền canh tác lúa nước và xã hội mang tàn tích mẫu hệ có dấu ấn to lớn của vai trò người phụ nữ. Từ xa xưa, vai trò của người phụ nữ Việt Nam đã được đánh giá cao đến mức tôn sùng. Mẫu là đại diện của sự che chở, bao bọc, mẫu cũng là đại diện của sự sinh sôi, nảy nở, trù phú. Bởi thế, mỗi khi con người cảm thấy cô đơn, thấy bơ vơ, không có nơi nương tựa, việc họ tìm về mẫu để nhận được sự quan tâm, cứu giúp của “ngài” như một phản ứng rất đỗi tự nhiên.
“Mẫu là Mẹ về tâm linh, là người che chở cho mình trong cuộc sống. Khi mong muốn làm được điều gì, mình lại đến cầu xin Mẫu để công việc được thuận lợi”, chị Nguyễn Thị Lan Anh, 35 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ.
Đây là một thứ tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, mặc dù trong quá trình phát triển, nó đã thu nhận không ít những ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo. “Đạo Mẫu lấy tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ - con người, là nơi con người kí thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế của mình, đạt tới sức khỏe, tài lộc”, GS. TS Ngô Đức Thịnh nói. Như vậy, thờ Mẫu là tín ngưỡng hướng về đời sống trần thế hiện tại, chứ không phải là mai sau hay thế giới bên kia, đây là điểm khác biệt của tín ngưỡng này với nhiều tôn giáo khác.
Hiếm có một tôn giáo, tín ngưỡng bản địa nào lại tiềm tàng sức tự biến đổi, "trẻ hóa" như tín ngưỡng thờ Mẫu. Nó không chỉ có sức sống trong chế độ phong kiến quân chủ mang nặng hệ ý thức Nho giáo, mà còn tiềm ẩn và bùng phát trong xã hội đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Theo như ông đồng trẻ Nguyễn Đắc Trung, 22 tuổi, ở Hà Nội thì sở dĩ tín ngưỡng này tồn tại lâu dài đến vậy là bởi nó luôn trong quá trình phát triển, tự đổi mới, hoàn thiện mình. “Đạo Mẫu không đóng khung trong những giáo điều, luật lệ mà luôn thay đổi để thích nghi, phù hợp với cộng đồng, để cộng đồng có thể tiếp nhận nó”, Trung nói.
GS. TS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay, người ta lợi dụng đạo Mẫu và lên đồng vì tiền tài, làm biến dạng nhiều nghi lễ, sinh ra nhiều hủ tục. Vì thế chúng ta phải chấn chỉnh đạo Mẫu để trả lại cho nó những giá trị đích thực của nó”. Đồng quan điểm này, ông đồng Nguyễn Đắc Trung nói thêm: “Người đi lễ trước tiên là có tâm, sau đó phải có tuệ. Có như vậy để phân biệt đâu là tín ngưỡng thuần túy và đâu là những trò buôn thần bán thánh”.
Tâm – Đẹp – Vui
Thờ Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo, đó còn là văn hóa. Thông qua nghi lễ lên đồng, qua lễ hội, phong tục gắn liền với nó, nó trở thành là một bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. Ở đó, chúng ta nhận thấy một lối sống, quan niệm, cung cách sinh hoạt, những ước vọng của không chỉ con người xa xưa, mà cả con người hiện đại.
Như đã nói, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến mang lại sự thanh thản, niềm vui cho con người trong cuộc sống hiện tại. Người đi lễ cầu mong đạt được những điều nằm ở chính cuộc sống này, là tài lộc, thành công, may mắn. Sau nghi lễ hầu đồng, người đi lễ được thụ lộc ngay tại chỗ, được phát lộc là những vật phẩm quen thuộc, gần gũi của cuộc sống. Vì vậy mà nó xóa mờ ranh giới giàu nghèo. Đã đi lễ thì ai cũng như ai.
Trang phục trong nghi lễ hầu đồng. |
Vừa qua, một triển lãm quy mô về tín ngưỡng thờ Mẫu đã được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Thông qua những nghiên cứu của nhóm tác giả từ năm 2009, triển lãm này đã đưa đến cho công chúng những thông tin đầy đủ hơn về tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền này. Những giá trị của đạo Mẫu được gói gọn trong ba chữ “Tâm – Đẹp – Vui”. Có mặt tại triển lãm, trực tiếp ngắm nhìn những bức hình chụp cảnh lên đồng của mình, bà Nguyễn Ngọc Dần, một bà đồng ở Ba Đình, Hà Nội rất vui vẻ. Bà cho biết: “Trong thời gian chuẩn bị vấn hầu, trong đầu mình luôn tâm tưởng phải làm cái gì đẹp nhất để dâng Thánh, muốn có sức khỏe để hầu Thánh cho thật đẹp”.
Tín ngưỡng thờ Mẫu rất đẹp. Nó đẹp ở âm nhạc, mỗi khi nhạc chầu cất lên là người lên đồng như được tiếp thêm sinh lực để “nhập đồng”, còn người đi xem hầu cũng thêm hứng khởi. Nó còn đẹp ở những bộ trang phục của các ông đồng, bà đồng, đẹp ở tượng Mẫu, đẹp ở chính cảnh lên đồng biểu diễn của các nghệ sĩ dân gian nhưng rất chuyên nghiệp. “Tôi thấy hầu đồng rất đẹp, đẹp ở phong thái tôn nghiêm, đúng phép Thánh. Trình diễn các giá chính là nghệ thuật diễn xướng lại sự tích của các ngài, chứ không phải là một cái gì mờ ảo, hoang tưởng cả”, bà Nguyễn Thị Thúy, 63 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội nói.
Một điều rất dễ nhận thấy ở tâm trạng của những người đi hầu đồng, đó là ai cũng vui vẻ, phấn khởi. “Thường xuyên đi dự hầu đồng, tôi thấy thoải mái về tinh thần, lòng thanh thản không thấy mệt mỏi mà còn khỏe ra. Mỗi lần đi về tôi thấy vui lắm, tâm hồn rất mát mẻ, hứng khởi không tả được”, đây là tâm sự của bà Nguyễn Thị Thoa, 70 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội.
Về phía đơn vị tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho rằng: “Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đã trải qua nhiều thế kỉ nên để phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu nguyên gốc cần một sự nghiên cứu rất chuyên sâu. Dưới góc độ bảo tàng, chúng tôi phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu trong cuộc sống hôm nay”. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với nhiều đối tượng khác nhau, ở nhiều góc độ khác nhau. Họ rút ra một điều là: Trước khi đến với tín ngưỡng này, nhiều người còn chút gì đó sờ sợ bởi người đời truyền tai nhau vào đó là bị bắt đồng, bị “ốp”, hoặc phải chi tiêu rất tốn kém. Thật sự thì tín ngưỡng này không đáng sợ như thế. “Cái gì là Mẫu, cái gì là mê tín dị đoan, chúng tôi đều đưa ra để giúp mỗi người có thể hiểu và tự định hướng”, bà Vân cho biết thêm.
Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ phong tục thờ tính nữ của người Việt xưa, hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Chính “giá trị văn hóa bản địa tạo nên sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ Mẫu”, bà Vân nói.
Nam Hoàng