Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu khai mạc.
|
Đây là hoạt động văn hóa nằm trong một loạt sự kiện kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (07/01/1972-07/01/2017), 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (tháng 7/2007-7/2017) và 1 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (tháng 9/2016-9/2017).
Phát biểu khai mạc liên hoan, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu như bảo tàng sống lưu giữ lịch sử và bản sắc văn hóa của người Việt, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống tinh thần thường nhật của người Việt Nam. Đại sứ bày tỏ tin tưởng với sự kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian của loại hình nghệ thuật đặc biệt này, khán giả Ấn Độ và nước ngoài sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, đồng thời hy vọng khán giả sẽ tìm thấy một số nét tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh đời sống tinh thần ở Ấn Độ vốn đã rất phong phú.
Tiết mục biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Huy Bình |
Tại buổi liên hoan, các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã mang đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của Việt Nam, qua đó giúp cho khán giả hiểu thêm về văn hóa và đời sống tâm linh của người dân Việt Nam.
Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu lần này còn diễn ra tại Trung tâm thương mại và triển lãm Dilli Haat INA vào tối 23/2, ở thành phố Guwahati, bang Assam, miền Đông Bắc của Ấn Độ ngày 25/2, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, miền Đông Ấn Độ trong ngày 27/2.
Ngày 1/12, tại phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thế lần thứ 11 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, còn được gọi là thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới gồm Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng (2010), Hát Xoan (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử (2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015).