Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Tại lễ phát động, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thanh Liêm, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở” được tổ chức rộng rãi trên quy mô cả nước nhằm tìm kiếm, tôn vinh, nhân rộng những sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tiêu biểu đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào thực tiễn thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn góp phần tuyên truyền, vận động mọi cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đa dạng hóa các hình thức, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy mong muốn cuộc thi sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; các bài dự thi sẽ đạt chất lượng cao, đáp ứng được tính khả thi, có giá trị thực tiễn, đem lại hiệu quả thực tiến và lan tỏa sâu rộng đến quần chúng nhân dân…
Cuộc thi dành cho cá nhân, nhóm cá nhân là công dân Việt Nam, hiện đang sinh sống, làm việc, học tập ở trong nước, các tổ chức (thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký không được dự thi). Ban Tổ chức không giới hạn số lượng tác phẩm dự thi.
Các tác giả dự thi gửi tác phẩm dưới dạng bài viết, khuyến khích minh họa bằng các hình ảnh, clip, tư liệu, tài liệu liên quan đến những sáng kiến, mô hình hiệu quả thông qua các hoạt động văn hóa cơ sở để phổ biến, giáo dục pháp luật. Đó là các sáng kiến, mô hình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chiếu phim lưu động, thư viện lưu động, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội, quy ước dòng họ... gắn với phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu, quán triệt các chủ trương, chính sách, quy định mới của pháp luật và vận động người dân, gia đình thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Tác phẩm dự thi phải được trình bày bằng tiếng Việt, ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng, dưới dạng bài viết tay, đánh máy (khuyến khích minh họa bằng các hình ảnh, clip, tư liệu, tài liệu liên quan). Trường hợp bài dự thi có nhiều trang phải đóng lại thành quyển, đánh số trang theo thứ tự (khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức thể hiện sáng tạo).
Đơn vị, tổ chức, cá nhân dự thi cần lưu ý là bài dự thi phải là những sáng kiến, mô hình hiệu quả đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, qua đó vận động mọi người dân nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Bài dự thi phải có nội dung trung thực, thông tin khách quan, có sức thuyết phục; chưa đạt giải tại các cuộc thi khác; không được sao chép lại tác phẩm của người khác; tác phẩm chưa được gửi tham gia bất cứ cuộc thi nào (nếu trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu để minh họa phải có chú thích rõ ràng).
Ban Tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 14/4 đến hết ngày 30/9/2022 trực tiếp tại Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 51-53 Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) và qua email (vpc@bvhttdl.gov.vn).
Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa chỉ http://bvhttdl.gov.vn và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lễ tổng kết và công bố các tác phẩm đoạt giải dự kiến sẽ diễn ra ngày 9/11/2022 nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022. Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng cho các tác phẩm, tác giả xuất sắc nhất. Với giải cá nhân gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một giải Khuyến khích. Với tập thể gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích…