Tiếng lóng Đa Chất - di sản phi vật thể cần bảo vệ

Tiếng lóng được người dân thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, coi như nét truyền thống của làng; còn ngành văn hóa Hà Nội coi là di sản phi vật thể đầu tiên của thành phố về loại hình truyền thống truyền khẩu.

Tiếng lóng thôn Đa Chất gắn với nghề làm cối xay lúa truyền thống của làng. Theo các cụ trong làng kể lại, từ xa xưa, người làng muốn giữ bí quyết riêng của nghề đã sáng tạo ra tiếng lóng để trao đổi với nhau. Tiếng lóng tạo nên sự khác biệt của người thợ cối Đa Chất với thợ cối các vùng khác hoặc những người cùng hoàn cảnh nghề nghiệp đi làm ăn xa. Khi những người thợ gặp nhau ở một địa điểm nào đó, những người thợ cối Đa Chất nhận ra nhau qua tiếng lóng. Ví dụ, người ta sử dụng những từ ngữ khác để thay thế cho những từ ngữ thông dụng như: Bệt (nhà), mỗ (người), đạng (gia cầm), nhào (thịt), sưỡn (máy móc), thít (ăn uống), xảo (đàn ông), nhát (đàn bà)… Hay tiếng lóng còn được sử dụng để nói nhanh, nói gọn như: Xảo tớp hách (có thằng ăn trộm đấy), trẩm chổi thít (đừng, không được ăn miếng đó, người ta đánh giá đấy)… Đó là cách để người ta nói chuyện với nhau khiến người khác không thể biết được họ nói gì.

Ông Nguyễn Ngọc Đoán, người trông coi đình làng Đa Chất, đang lưu giữ những tài liệu về thứ ngôn ngữ lạ của làng.

Ông Nguyễn Ngọc Đoán, 76 tuổi, trước kia từng làm thợ cối trong làng kể rằng: “Thời ấy đói lắm, ăn cũng còn khó khăn, nấu một nồi cơm lên thì các cháu đứng ngoài cửa ngó vào. Gia chủ ưu tiên cho hai ông thợ cối ăn ngon thì phó cả lại bảo phó hai là 'thít ỏn”, tức là thông tin ngầm cho phó hai 'ăn ít thôi để phần cho cháu nhỏ nữa'. Ấy là nó có cái đạo đức của người làm cối và cái tiện ích của tiếng lóng”.

Cũng chính vì vậy, tiếng lóng không được viết thành văn bản, cũng không được dùng làm ngôn ngữ diễn đạt, không ai nói chuyện chỉ bằng tiếng lóng bởi người ta sử dụng tiếng lóng trong các loại câu mệnh lệnh, câu cảm thán, câu đơn, câu khuyên bảo. Hiện nay, nghề đóng cối ở làng Đa Chất đã mai một nhưng tiếng lóng vẫn còn ở Đa Chất và thường những người từ độ tuổi 45 trở lên mới biết.

Ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Đa Chất cho hay, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng từ khi sinh ra, lớn lên, ông không biết nghề làm cối xay và tiếng lóng của làng có từ bao giờ, chỉ biết tiếng lóng thông qua truyền khẩu, chứ không có sách vở, chương trình nào dạy. Nhưng đó là thế hệ nhiều tuổi, còn thế hệ trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với tiếng lóng nên cũng không biết nhiều và mọi người trong làng ít nói tiếng lóng, mà chủ yếu sử dụng khi đi ra ngoài.

Thực tế, khi tiếng lóng gắn liền với người dân Đa Chất lúc đi làm ăn xa, người ta chỉ hiểu rằng đó là một ngôn ngữ để giao tiếp giữa người làng với nhau. Họ không biết rằng đó chính là di sản văn hóa có giá trị. Bản thân ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy xã Đại Xuyên cũng rất bất ngờ khi các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá tiếng lóng là một trong những di sản có giá trị. Ông cho hay, Nghị quyết Đảng ủy xã cũng xác định đây là ngôn ngữ riêng của địa phương và tạo điều kiện để bảo tồn tiếng lóng. Chính quyền địa phương cũng chưa có phương hướng bảo tồn nào nên mong muốn các cơ quan quản lý văn hóa có định hướng hướng dẫn địa phương.

Xác định tiếng lóng Đa Chất cần được bảo vệ giúp các thế hệ mai sau có thể hiểu về một nghề thủ công truyền thống ở quê hương, mà sự sáng tạo trong nghề nghiệp đã giúp người dân vượt qua gian khổ trên con đường hành nghề, mới đây, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra phương pháp bảo vệ tiếng lóng Đa Chất. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm khẳng định: Quá trình nghiên cứu và đưa ra phương pháp bảo vệ tiếng lóng là khơi dậy, phát lộ một di sản bấy lâu nay đang bị thời gian, cuộc sống làm quên lãng, lu mờ. Trung tâm sẽ đánh giá lại các giá trị lịch sử, giá trị nhân văn, giá trị xã hội, giá trị văn hóa để có cơ sở khoa học bền vững nhằm tiếp tục bảo vệ tiếng lóng với tư cách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thống kê bước đầu trong vốn từ cơ bản của tiếng lóng Đa Chất được trên 300 từ và cụm từ tiếng lóng. Từ đó, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đã xây dựng một bộ phim cộng đồng về di sản tiếng lóng dài 20 phút, xây dựng 5 chuyên đề nghiên cứu, biên soạn một cuốn sách về di sản tiếng lóng dày hơn 70 trang. Trung tâm cũng kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quan tâm đến những người thợ đóng cối xay lúa như những nghệ nhân của các nghề thủ công truyền thống khác, xây dựng chính sách khuyến khích thành lập câu lạc bộ những người yêu thích tiếng lóng, tư liệu hóa tiếng lóng. Còn với chính quyền xã Đại Xuyên, cũng cần khuyến khích những người biết tiếng lóng thường xuyên thực hành, trao đổi để tạo cho bản thân một nền móng vững chắc có thể truyền dạy cho thế hệ sau.

Tiếng lóng Đa Chất là một giá trị văn hóa tinh thần hiếm gặp ở những cộng đồng xã hội khác. Nhưng với một ngữ văn truyền khẩu, nếu không có môi trường và điều kiện thực hành thường xuyên, không được bảo vệ nhanh chóng, tiếng lóng sẽ mai một và rất có thể không còn tồn tại nếu những người thợ cối Đa Chất mất đi.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Múa Tắc Xình được công nhận di sản phi vật thể quốc gia
Múa Tắc Xình được công nhận di sản phi vật thể quốc gia

Tại Trung tâm Văn hóa huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã diễn ra lễ công bố quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với loại hình nghệ thuật múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN