Nạn chèo kéo khách hàng - Bài 2:

“Thượng đế” cũng phải sợ

Cách bán hàng, chào hàng theo kiểu cưỡng ép như ở nhiều con phố dịch vụ ăn uống hiện nay, khiến “thượng đế” sợ hãi, nhiều người còn cho là “ác mộng” nếu phải đi qua những con phố này, văn hóa trong bán hàng vì thế cũng trôi theo sự xô bồ của kinh tế thị trường.

Sợ bị mời chào

Thường đi ăn uống, tụ tập với bạn bè và đã từng “trải nghiệm” nhiều ở các phố ăn uống của Hà Nội, nhưng chị Đỗ Thị Ngọc (Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội) vẫn cảm thấy sợ mỗi lần tới những con phố này, chị chia sẻ: “Tôi thường hay cùng bạn bè ăn uống ở các phố như Lê Đức Thọ, Nghĩa Tân (Cầu Giấy)... nhưng mà thực sự rất sợ cách chào mời khách ở những con phố này".

Cảnh chặn đầu xe mời khách vào quán ở phố Y9, Khu tập thể Đại học Kinh tế quốc dân.


"Nhiều khi mình đã hẹn bạn ở quán bên cạnh rồi, nhưng cũng không sao thoát khỏi vòng vây của các nam thanh niên đứng lôi kéo vào quán của họ. Nhiều khi thấy rất bực mình nhưng họ cứ như ép mình phải vào, đến khi mình nói không ăn ở đây thì họ bỏ mặc xe mình, lao ra mời khách khác”, chị Ngọc nói.

Còn chị Nguyễn Minh Phương, Thanh Xuân, Hà Nội, thì chia sẻ cách đề phòng khi đối mặt với các nhân viên đứng chèo kéo khách: “Tôi thường đi làm về qua khu đô thị Văn Quán nhưng lúc nào cũng thấy hãi hùng cảnh bị các bạn thanh niên trong các quán cà phê ven hồ lao ra đường mời chào. Cũng có khi họ “tóm” được đúng người muốn vào quán, nhưng nhiều người chỉ đang đi đường họ cũng chặn lại rất vô ý thức. Cách tốt nhất là cứ đi vòng để tránh xa ra, nhiều khi phải đi lấn sang cả đường phía ngược chiều để né tránh, biết là đi như thế nguy hiểm nhưng biết làm thế nào được, cảm giác cứ như mình bị rượt đuổi ở trên đường vậy”.

Buồn cho văn hóa bán hàng


“Việc hình thành các phố dịch vụ ăn uống cũng có nhiều cái hay riêng khi tạo nên những phố ăn uống có “thương hiệu”. Tuy nhiên đây cũng là bài toán khó cho văn hóa bán hàng, khi nó ngày càng trở nên bát nháo. Chèo kéo khách là không lịch sự, thậm chí làm ảnh hưởng đến người khác và nhiều vấn đề như giao thông, an ninh trật tự... nhưng tôi thấy người bán hàng thì cứ coi như đó là cách làm ăn của họ, còn khách hàng dù khó chịu cũng vẫn chấp nhận và bỏ qua một cách dễ dãi. Theo tôi đây cũng là là lý do khiến hiện tượng chèo kéo khách ở các phố ăn uống ngày càng phổ biến làm xấu đi văn hóa của người Hà Nội”, anh Đỗ Quốc Toản (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Về hiện tượng chèo kéo trong bán hàng, nhiều người từng sống lâu ở Hà Nội mới thấy rõ sự thay đổi chóng mặt trong nét đẹp văn hóa bán hàng của người Hà Nội.

“Người Hà Nội xưa rất lịch sự và có văn hóa, không chỉ ở cách bán hàng, chào mời hàng mà còn ở cách cư xử với nhau. Bây giờ thì các hoạt động buôn bán sầm uất hơn và cũng xô bồ hơn rất nhiều. Ngày ngày đi qua các con phố, thấy cảnh bon chen mua bán, nhất là cảnh lao ra đường bất chấp tất cả chỉ để mời được khách vào quán ăn uống, tôi thấy tiếc cho một Hà Nội xưa kia. Tôi nhớ những năm mới về Hà Nội công tác sau giải phóng, ấn tượng nhất là mỗi khi vào các cửa hàng ăn uống, không chỉ vì Hà Nội có nhiều món ngon, mà còn vì người ta bán hàng rất nhã nhặn, chiều và phục vụ khách từng li từng tí, chứ không có chuyện đẩy đưa, chèo kéo như ép người khác phải vào ăn, cũng không có “bún mắng, cháo chửi” như bây giờ. Người Hà Nội bây giờ có thể vì tranh nhau từng tí đất để buôn bán, tranh nhau từng khách hàng vào quán mà sẵn sàng xô xát nhau, thậm chí đánh nhau. Làn sóng kinh tế thị trường dường như đã cuốn trôi đi sự lịch lãm, thanh lịch của Hà Nội xưa”, bác Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.

Bài cuối: Để đẹp lòng “thượng đế”


Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Để đẹp lòng “thượng đế”
Để đẹp lòng “thượng đế”

Người dân và khách du lịch khi tới đây không chỉ là thưởng thức những nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ, mà còn đến để thưởng thức ẩm thực của Hà Nội. Việc xây dựng những nét văn hóa đẹp ngay từ văn hóa bán hàng là điều vô cùng quan trọng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN