Tệ nạn chèo kéo khách hàng - Bài 1

Những con phố “vẫy”

Tại các dãy phố dịch vụ ăn uống hiện nay của Hà Nội đang tồn tại tình trạng nhân viên các cửa hàng “nhiệt tình” lao ra giữa đường lôi xe, kéo tay để mời chào khách vào. Cách bán hàng theo kiểu “liều mình” này làm xấu đi văn hóa bán hàng của người Việt, nhất là trong mắt khách du lịch nước ngoài.


Bài 1: Những con phố “vẫy”


Thời gian gần đây, nhiều con phố dịch vụ ăn uống ở Hà Nội được đổi tên là phố “vẫy”, vì hình ảnh các nhân viên của quán ăn đứng xếp hàng dưới đường vẫy khách, thậm chí chặn đầu xe, lôi kéo người đi đường vào quán. Đây dường như là một “chiêu” làm ăn mới của không chỉ của những quán cà phê, quán ăn nhỏ vỉa hè, mà kể cả những nhà hàng lớn.

Từ 19 - 21 giờ là vào giờ hoạt động của các phố “vẫy” ở Hà Nội, nhất là những con phố ăn đêm có các cửa hàng ăn uống san sát nhau như Trúc Bạch, Quán Thánh (Tây Hồ), Lương Đình Của, Lý Văn Phúc (Đống Đa), Lê Đức Thọ (Mỹ Đình), Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân), Linh Đàm, Văn Quán (Hà Đông)...

Các nhân viên đứng bắt khách trên đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội.


Một buổi tối trên đường Nguyễn Hữu Thọ, khu Linh Đàm, quận Hoàng Mai, hai cô gái đi xe máy, đang phân vân chưa biết bạn mình ngồi ở quán nào để dừng xe, thì đã bị 3 nam thanh niên trong một quán lẩu vịt lao ra chặn lại, khiến họ giật mình, hốt hoảng. Như đã phân công từ trước, 2 thanh niên đứng chặn và giữ đầu xe, thậm chí đã sẵn sàng thò tay tắt máy và rút chìa khóa của khách. Người còn lại nhanh mồm miệng: “Vào quán em chị ơi, gọi bạn chị vào đây!”, trong lúc mắt vẫn tiếp tục hướng về phía trước xem có thêm được “con mồi” nào nữa không. Bị giữ đầu xe, 2 cô gái phải gắt lên thì nhóm thanh niên này mới chịu “buông tha”.

Cũng vậy, con phố Y9 Khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội chỉ dài khoảng hơn 100 m, san sát các cửa hàng ốc nóng, tối nào cũng có tới 20 - 30 nam thanh niên xếp hàng dài, giơ tay vẫy khách vào quán, hoặc nhao ra chật kín cả lòng đường, luôn trong tư thế sẵn sàng chèo kéo những ai đi qua.

Các nhân viên bắt khách này thường rất chuyên nghiệp theo kiểu “không ăn cũng phải dừng”, khi thì năn nỉ mời gọi, lúc thì lôi kéo bằng được, nhiều người vì nể mà phải vào. Như dãy quán lẩu nướng trên đường Lê Đức Thọ, mỗi quán cũng có tới ít nhất 2 thanh niên chuyên nhiệm vụ “vẫy” khách. Một nhân viên ở đây cho biết: “Công việc này cũng cần có sự nhạy cảm riêng, người đứng mời khách phải đoán được ai có ý định vào quán ăn, hoặc ai đang lưỡng lự chưa biết quyết định vào quán nào để kịp thời ra tận nơi mời đón thì hiệu quả sẽ cao hơn. Quán nào cũng có vài nhân viên đứng đón khách nên ai cũng phải cố gắng nhanh mắt, nhanh tay, nếu không, người ta bỏ qua quán mình là coi như mất khách”. Với “tiêu chí” làm việc như vậy nên nhiều khi các nhân viên này còn đứng xếp hàng ra giữa lòng đường để “chộp” khách. Còn chuyện xô xát tranh giành khách của nhau giữa các quán ăn cũng không hiếm gặp.

Phần lớn các nhân viên vẫy khách ở các phố ăn uống là sinh viên làm thêm, vì đây là công việc cần phải có sức khỏe và sự nhanh nhẹn. Nhiều bạn cho biết, công việc này cũng khá cực vì luôn phải đứng “phơi” mặt ngoài đường, nhất là những ngày trời mưa rét vẫn phải đứng vẫy khách. Nhiều khi còn phải lao ra giữa dòng xe cộ đang đi trên đường để bắt khách, biết là nguy hiểm nhưng nếu không hoàn thành công việc thì cũng bị chủ quán trách phạt.

Còn một chủ quán trên phố Nguyễn Quý Đức thì cho rằng, các quán ăn uống mọc lên ngày càng nhiều mà khách vào ăn thì ít, họ lại có nhiều lựa chọn nên mình phải mời một cách trực tiếp mới có khách. “Chiêu” làm ăn này đối với các chủ quán ăn uống xem ra cũng khá “hiệu quả” khi không bỏ sót đối tượng nào qua đường. Tuy nhiên nó lại gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và an ninh trật tự ở các tuyến phố. Mỗi khi có ai đi qua bị cả đám đông nhân viên của các cửa hàng bao vây là giao thông lại ùn tắc. Nhất là ô tô, tuy không thuộc đối tượng khách hàng bị chèo kéo nhưng cũng khó lòng di chuyển nổi với sự nhốn nháo bắt khách của các quán ăn. Tình trạng bấm còi inh ỏi để xin đường khiến cả tuyến phố ồn ào, nhốn nháo mỗi khi vào “giờ cao điểm”.

Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Bài 2: “Thượng đế” cũng phải sợ

Để đẹp lòng “thượng đế”
Để đẹp lòng “thượng đế”

Người dân và khách du lịch khi tới đây không chỉ là thưởng thức những nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ, mà còn đến để thưởng thức ẩm thực của Hà Nội. Việc xây dựng những nét văn hóa đẹp ngay từ văn hóa bán hàng là điều vô cùng quan trọng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN