Thực trạng buồn của phê bình mỹ thuật

Chưa kết nối được đối tượng; chưa chuẩn bị tri thức một cách toàn diện cho việc thẩm định, đánh giá; chưa có một đội ngũ đủ mạnh, thậm chí đôi khi, phê bình không theo kịp thực tiễn sáng tạo, chưa hài hòa giữa phê bình báo chí và phê bình hàn lâm… đang là những thực trạng đáng buồn của phê bình mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

“An toàn” và nhợt nhạt

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, Phó Chủ tịch Hội đồng Phê bình Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam, một thời gian khá dài, các nhà phê bình nghệ thuật có giọng điệu phê bình giống nhau, trên những tác phẩm na ná giống nhau, nhợt nhạt. Tình trạng này kéo dài, không ai muốn đi quá đường biên an toàn đã định sẵn, văn phong dấu ấn cá nhân nhạt nhòa làm chậm bước đi của phê bình mỹ thuật. Bà Nguyễn Hải Yến cũng thừa nhận một thực tế, có rất nhiều người làm công tác phê bình mỹ thuật, khi trao đổi bên lề thì rất thẳng thắn, rất hay nhưng khi, đưa ý kiến mình lên trang viết thì e ngại.

Nhà phê bình mỹ thuật nên là cầu nối giữa công chúng và người nghệ sĩ. Ảnh: Phạm Kha

PGS.TS. Bùi Thị Thanh Mai, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thừa nhận, phê bình mỹ thuật Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế như chưa thực sự kết nối được với lý luận, phê bình mỹ thuật của khu vực và thế giới, chưa thật sự phát huy được vai trò tích cực đối với đời sống nghệ thuật, lý luận, phê bình mỹ thuật mỏng về đội ngũ, yếu về phương pháp luận, lý thuyết. Nhiều lúc phê bình không theo kịp thực tiễn sáng tạo, chưa hài hòa giữa phê bình báo chí và phê bình hàn lâm…

Một thực tế đáng quan tâm là ít nhà lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam có khả năng và trình độ ngoại ngữ tốt để có thể đọc, nghiên cứu, giới thiệu các lý thuyết nghệ thuật của thế giới đến nghệ sĩ và công chúng và giới thiệu được mỹ thuật Việt Nam ra thế giới. Cho đến nay, sách lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam bằng tiếng Việt không nhiều. Sách lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam bằng tiếng Anh, ngôn ngữ mang tính quốc tế, lại còn ít hơn. Người phê bình mỹ thuật có trình độ ngoại ngữ rất ít, việc tra cứu, đọc tài liệu, nghiên cứu các văn bản về lý luận, phê bình mỹ thuật của thế giới bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Trung… chủ yếu ở mức độ thông qua các bài dịch, điểm tin.

Phê bình theo cảm tính

Cũng theo PGS.TS. Bùi Thị Thanh Mai, đặc điểm và sức mạnh của truyền thông đem đến cả thuận lợi và thách thức đối với các nhà lý luận, phê bình mỹ thuật. Một mặt, truyền thông mở ra khả năng đối thoại, đưa tin nhanh, kịp thời. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường nhiều khi nghệ sĩ, nhà phê bình lại tận dụng truyền thông để đánh bóng tên tuổi. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình mỹ thuật bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm.

Nhà phê bình mỹ thuật Hoàng Anh, Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật thẳng thắn, ngoài một số nhà phê bình thật sự giỏi như Quang Việt, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Hưng… là những người có kiến thức rất uyên bác và rộng, viết được nhiều vấn đề và đặt ra cho xã hội những định hướng mang tính liên kết với đời sống… thì ngành phê bình hiện nay là một ngành được coi là yếu kém nhất. Điều này thường được đổ lỗi cho đào tạo hay những lý do chủ quan khác, nhưng dường như chúng ta quên mất việc mỗi nhà phê bình luôn phải tự trau dồi, học hỏi kiến thức cho mình bằng cách này hay bằng cách khác, ông Hoàng Anh thẳng thắn.

Theo ông Hoàng Anh, sau 20 năm làm báo chuyên về mỹ thuật, ông vẫn không thể hiểu được, khi nhiều nhà phê bình của ta cái gì cũng viết được. Mỹ thuật cổ cũng viết, mỹ thuật thế giới cũng viết, hiện đại, đương đại cũng viết… “Tôi nghĩ để làm tốt công việc của mình, mỗi nhà phê bình nên chọn một thế mạnh phù hợp với kiến thức chuyên sâu của mình. Giỏi vấn đề gì, am hiểu gì thì viết tập trung vào vấn đề ấy. Mỹ thuật cổ là cổ, đương đại là đương đại. Ít người có thể giỏi tất cả mọi thứ được… như thế ít ra mỗi khi nhắc đến tên ai thì người đọc còn biết ai chuyên viết mảng gì, cứ đọc là sẽ có nhiều thông tin vì đã chuyên theo dõi…”, ông Hoàng Anh cho biết.

Cầu nối mỹ thuật và công chúng

Nhà phê bình Hoàng Anh cho rằng, tác phẩm nghệ thuật rất cần công chúng, nhà phê bình nên là cầu nối giữa công chúng và người nghệ sĩ. Hãy viết đúng, viết chân thành, viết hay, viết sâu sắc để công chúng đọc và sẽ có những sự lựa chọn riêng mình với tác phẩm. Dù khen hay chê, sự chuẩn mực, đúng đắn trong bài viết sẽ khiến người nghệ sĩ sáng tác thấy tác phẩm của mình được tôn trọng; công chúng thì sẽ hiểu được giá trị của tác phẩm nằm ở đâu.

Bà Đào Mai Trang, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật cũng cho rằng, nghiên cứu và lý luận phê bình mỹ thuật là một cầu nối giữa lịch sử, tác phẩm mỹ thuật và công chúng của hôm nay cũng như tương lai. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ luôn khao khát và sẵn sàng với các thử nghiệm mới, thậm chí hoàn toàn xa lạ với thói quen thưởng thức, nhìn ngắm thông thường của đại công chúng. Đây chính là khoảng cách lớn giữa nghệ thuật, nghệ sĩ và người thưởng thức mà giới lý luận phê bình mỹ thuật có thể đóng vai trò cầu nối tích cực.

Ví như cuốn sách “Họa sĩ trẻ Việt Nam” của hai tác giả Phan Cẩm Thượng - Lương Xuân Đoàn (NXB Mỹ thuật 1997). Tại thời điểm ra đời, cuốn sách đưa ra nhiều suy ngẫm, kiến giải dễ hiểu, thú vị về nghệ thuật của những họa sĩ đang sung sức nhất, nổi bật nhất, giúp công chúng quan tâm tiệm cận nghệ thuật của họ một cách dễ dàng hơn, khuyến khích họ đi sâu vào thế giới tạo hình đã, đang và sẽ đổi thay rất nhiều của nghệ sĩ Việt Nam.

Theo bà Đào Mai Trang, để tránh tụt hậu, người nghệ sĩ buộc phải trang bị cho mình nền tảng kiến thức lịch sử và lý luận nghệ thuật nhất định, của không phải chỉ riêng trong nước mà còn của nhân loại. Song hành với đó, người viết các công trình lý luận phê bình nghệ thuật cũng buộc phải luôn tự cập nhật trình độ của mình, buộc phải thoát khỏi quan điểm phê bình là khen - chê, để không chỉ là cầu nối vững chắc giữa nghệ sĩ, tác phẩm với người thưởng thức mà còn góp phần củng cố thêm vững chắc nền tảng cho sự sáng tạo của nghệ sĩ.
Phương Hà
Diện mạo mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm đổi mới
Diện mạo mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm đổi mới

30 năm đất nước đổi mới, cũng là 30 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam có nhiều biến đổi, phát triển, hòa nhập với quốc tế và các nước trong khu vực. Một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới đã hình thành và tạo nên diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam đa dạng và có dấu ấn cá nhân của các tác giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN