Thiếu chế tài, văn hóa quá nhiễu nhương

1. Triệu Thị Hà trả vương miện vì lý do chỉ nhận được “vài triệu bạc” khi đi làm từ thiện, vì phải làm những việc “không rõ mục đích” như đi vận động thí sinh cho cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam - một cuộc thi mang ý nghĩa rất lớn của tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh người phụ nữ Việt Nam... mà bản thân cô được vinh danh từ đó, hay gặp các nhà tài trợ để vận động tài trợ cho cuộc thi...

 

Quá bức xúc, dư luận đã lên án cô Hoa hậu thiếu trách nhiệm xã hội và thiếu tôn trọng với danh hiệu của mình. Ngay lập tức cát-sê của Triệu Thị Hà, vốn đang “chìm nghỉm”, bỗng trồi lên mức 100 triệu đồng. Thậm chí người quản lý của cô đã “tuyên bố” mức thấp nhất để Triệu Thị Hà dự sự kiện phải là... 2.000 USD (khoảng hơn 40 triệu đồng). Đồng thời một bộ phim mời Hà đóng, rất nhiều sự kiện ra mắt các thương hiệu đều mời Hà, rồi chụp ảnh cho báo, tạp chí. Triệu Thị Hà bỗng nổi hơn bao giờ hết sau 4 năm đăng quang!

 

Sau khi trở thành “thảm họa”, cát-sê của Cao Hữu Thiên tăng 15 lần.


Cao Hữu Thiên vốn vô danh tiểu tốt, xuất hiện trong đêm chung kết “Gương mặt thân quen” và gào thét ca khúc “Anh”, trở thành “thảm họa âm nhạc” trên truyền hình, bị cộng đồng mạng “ném đá” không thương tiếc. Ngay lập tức, cát sê tăng lên... 15 lần và số người tìm kiếm thông tin về Cao Hữu Thiên trên mạng cũng lên tới con số kỷ lục.


Bộ phim sitcom “Căn hộ số 69” tự dán mác 18+, bị báo chí lên tiếng phê phán, ngay lập tức tạo cơn sốt người xem trên youtube, khiến diễn viên phim nổi như cồn và nhà sản xuất “hỉ hả” vì phim hứa hẹn sẽ đạt kỷ lục về khán giả.


Và mới đây nhất, khi các nhà báo phanh phui vụ ca khúc lời lẽ thô tục, kích dục “Phiếu bé ngoan”, Tan Ka Ka (Ganja) của các ca sĩ Yanbi, Mr.T; thì cũng là lúc các ca khúc này được truy cập nhiều nhất trên mạng.


2. Xã hội thực sự đã xuất hiện một trào lưu: Nổi tiếng nhờ tai tiếng! Không đủ tài năng (cho một cá nhân), không đủ hay và hấp dẫn (cho một tác phẩm) để có thể chen chân vào làng showbiz; thế là chọn cách tạo scandal, khiến mình càng bị “chửi” nhiều càng tốt, càng bị ghét, bị khinh, bị phê phán... càng tốt. Bởi nó đồng nghĩa với việc sẽ được quan tâm hơn, được chú ý hơn và cũng được các ông bầu, các nhà sản xuất, các đơn vị tổ chức “chào mời” nhiều hơn.


Với những người đã bất chấp cả nhân phẩm, cả lòng tự trọng của bản thân để mà leo lên, có lẽ cũng không còn nhiều điều để phải bàn về đạo đức của họ.


3. Điều đáng nói ở đây là việc xử lý với những chiêu trò của sự xuống cấp đạo đức của giới ca sĩ, diễn viên, người đẹp - những người vốn lẽ ra phải đại diện cho cái đẹp trong xã hội, một cái đẹp từ trong ra ngoài, cả gỗ cả nước sơn.


Trả lời văn bản của đơn vị tổ chức về việc cho phép thu hồi danh hiệu Hoa hậu của một cô Hoa hậu vốn đã không còn xứng đáng, lại nữa, đã tự ý viết đơn xin trả danh hiệu - Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Không có quy định nào về việc thu hồi danh hiệu!


Trước thực tế thô tục của những cảnh quay liên quan đến giới tính trong bộ phim "Căn hộ số 69", bị dư luận lên án, thì Cục Điện ảnh - cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, chỉ có thể trả lời rằng: Do vấn đề phát hành phim trên mạng quá nóng và mới chỉ xuất hiện thời gian gần đây, nên chưa được quy định trong Luật Điện ảnh. Vì vậy Cục Điện ảnh không có chức năng xử phạt mà chỉ có thể nêu ý kiến để các cơ quan chức năng vào cuộc. Và trả lời báo chí về việc liệu sắp tới các cơ quan làm luật và quản lý nhà nước về điện ảnh có tính đến chuyện sẽ đưa vấn đề quản lý phim phát hành trên mạng vào luật hay không, thì đại diện Cục cho biết, cần có thêm nhiều thời gian để làm việc này. Trước mắt các cơ quan quản lý có thể ra các thông tư liên tịch để kiểm soát nội dung phim phát hành trên mạng.


Những ca khúc với ca từ tục tĩu, kích dục “Phiếu bé ngoan”, “Tan Ka Ka” được một số trang mạng đăng tải công khai với nhiều lượt nghe, không phải giờ mới xuất hiện, nhưng cũng chỉ khi báo chí lên tiếng phanh phui thì các cơ quan chức năng mới biết và coi đó là “hành động ngông cuồng của tuổi trẻ, sự phá phách cần được kiểm soát chặt chẽ”. Nhưng cách kiểm soát chặt chẽ nhất được đưa ra cũng chỉ là có thể sẽ không được cấp thẻ hành nghề. Còn với các website đăng tải thì bị xử phạt.


4. Câu hỏi đặt ra, phải chăng chính vì những lỗ hổng to tướng của chế tài xử phạt - điều mà ngành văn hóa đã “bỏ mặc” trong suốt nhiều năm qua hoặc là có quan tâm thì cũng ở mức “thiếu cập nhật thời cuộc”, đã khiến đời sống showbiz có cơ hội nhiễu nhương như vậy, tạo đất cho nấm độc mọc lên và lấn át những bông hoa lành mạnh như vậy trong khu vườn nghệ thuật?


Liệu sau vụ Hoa hậu vô trách nhiệm xã hội thành ra lại nổi như cồn, sẽ có hoa hậu nào còn “biết sợ” mà có ý thức với vai trò, ngôi vị của mình?


Liệu sau vụ phim sitcom 18+ nhiều cảnh “quá nóng” cứ ngang nhiên phát hành trên mạng và được “nhân rộng” một cách vô thức nhờ người xem, sẽ có bao nhiêu nhà sản xuất cảm thấy phải e dè khi “phá cách” trong làm phim, với những vi phạm về thuần phong mỹ tục?


Liệu sau những ca khúc kích dục, tục tĩu được chính nhiều trang mạng có tên tuổi đăng tải như một sản phẩm của nền âm nhạc, thì có bao nhiêu nhạc sĩ, ca sĩ sẽ quyết tâm làm nghệ thuật nghiêm túc và chính thống?


Dư luận là một bộ lọc, công chúng là những người phán xét - đương nhiên là như vậy. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà thông tin ngày càng nhiều, sự “lá cải” của thông tin cũng ngày càng trượt dài tới tận cùng của những điều nhố nhăng, thì nên chăng cần có một bộ lọc lớn hơn, chính là chế tài, là quy định xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước, để loại bỏ đi những mầm độc trong đời sống văn hóa hiện nay.


D.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN