Thành phố Móng Cái vừa chống bão vừa tổ chức an toàn lễ hội truyền thống

Từ sáng sớm đến 17 giờ ngày 18/7, thời tiết trên địa bàn thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) có mưa nhẹ. Bão số 1 (Talim) chưa gây thiệt hại nào đến địa phương. Cuộc sống sinh hoạt và hoạt động lễ hội truyền thống trên địa bàn diễn ra bình thường.

Chú thích ảnh
Nghi thức đánh trống khai hội. Ảnh: TTXVN phát

Không chủ quan với diễn biến bão số 1, từ ngày 17/7, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái đã có công điện yêu cầu các địa phương chủ động phòng, chống bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”.

Đến 6 giờ ngày 18/7, toàn bộ 1.458/1.458 phương tiện tàu, thuyền, bè mảng đã được kêu gọi di chuyển vào các nơi tránh trú. Tất cả 381 chiếc lồng bè nuôi thủy sản được chằng chống, gia cố an toàn. 350 người/124 hộ dân trên lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được thông tin và di dời về bờ trước 16 giờ ngày 17/7.

Toàn bộ khách du lịch tại hai đảo Vĩnh Thực và Vĩnh Trung được đưa vào đất liền từ chiều 17/7. Do ảnh hưởng bão số 1, một số tour du lịch đến Móng Cái bị hủy bỏ. Song ngày 17/7, thành phố vẫn đón khoảng 2.000 khách du lịch.

Vừa chuẩn bị các phương án phòng, chống bão số 1, song dựa trên điều kiện thời tiết thuận lợi, chính quyền thành phố linh hoạt tổ chức an toàn Lễ hội đình Trà Cổ năm 2023 - một lễ hội truyền thống, tâm linh đã được chuẩn bị, mời khách trong nước và quốc tế.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Móng Cái Phạm Thị Oanh cho biết: Dựa trên tình hình thực tế thời tiết ở địa phương, thành phố vẫn tổ chức Lễ hội đình Trà Cổ năm 2023 với phương án rút gọn, chú trọng phần lễ, tiết giảm phần hội. Nội dung đua thuyền trên biển bị hủy bỏ. Các phần nghi lễ được diễn ra từ sớm, ngắn gọn đảm bảo an toàn trong bối cảnh dự kiến có bão số 1 hướng vào đất liền.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Lễ hội đình Trà Cổ năm 2023. Ảnh: TTXVN phát

Đình Trà Cổ là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thành phố Móng Cái đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1974. Di tích được đánh giá là một trong những ngôi đình có bề dày lịch sử về văn hóa tâm linh và kiến trúc độc đáo trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, được lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Năm 2019, Lễ hội đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Lễ hội Đình Trà Cổ là một hoạt động văn hóa được tổ chức vào ngày 1/6 âm lịch hàng năm, nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm Du lịch và định hướng đến năm 2030.

Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Đỗ Văn Tuấn nhấn mạnh: công tác quản lý, tổ chức Lễ hội đình Trà Cổ nói riêng và các lễ hội truyền thống trên địa bàn nói chung được thành phố đặc biệt quan tâm, chú trọng. Phần nghi lễ được tổ chức trang nghiêm và thành kính. Các hoạt động phần hội là các trò chơi dân gian. Thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục giữ gìn các giá trị di sản truyền thống của đình Trà Cổ và Lễ hội đình Trà Cổ của các thế hệ cha ông đi trước nhằm phát huy, bảo tồn và tôn vinh giá trị của lịch sử gìn giữ cho muôn đời sau.

Văn Đức (TTXVN)
Khôi phục các lễ hội truyền thống Hà Nội: Vai trò mấu chốt từ cộng đồng
Khôi phục các lễ hội truyền thống Hà Nội: Vai trò mấu chốt từ cộng đồng

Sau một thời gian dài vắng bóng hoặc thiếu những nghi thức truyền thống được coi là giá trị cốt lõi, gần đây, các lễ hội truyền thống, các nghi thức trong lễ hội tại Hà Nội đang dần được hồi sinh. Nhiều lễ hội với các nghi thức độc đáo đã được khôi phục. Để làm được điều này, vai trò của cộng đồng mang tính quyết định, bởi cộng đồng chính là chủ thể của di sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN