Thanh Hóa: Tìm giải pháp cấp bách bảo tồn thắng cảnh Hòn Vọng Phu

Ngày 1/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức "Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu".

Chú thích ảnh
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (người đầu tiên, bên trái ảnh) khẳng định tính cấp bách của việc bảo tồn danh thắng Hòn Vọng Phu.

Hiện thắng cảnh Hòn Vọng Phu, thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi) ở phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã thảo luận, phân tích về thực trạng địa hình, địa chất khu vực và di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu; làm rõ nguyên nhân sạt lở và thống nhất giải pháp, phương án khắc phục, chống sạt lở tại khu vực di tích trước mắt cũng như lâu dài.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ địa chất David Lagrou (Vương quốc Bỉ) phân tích về thực trạng địa hình, địa chất khu vực và di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu.

Theo đó, trước mắt UBND thành phố Thanh Hóa cần lập biển báo khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở và tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân và khách tham quan. Đồng thời, thành phố phân vùng, sử dụng lưới thép, hàng rào... để hạn chế tác động của hiện tượng đá lăn, đá đổ quanh khu vực núi An Hoạch, đảm bảo an toàn và thẩm mỹ cho khu vực này. Bên cạnh đó, thành phố Thanh Hóa và các đơn vị liên quan cần thực hiện ngay việc tháo dỡ, dọn dẹp các công trình đã xây dựng trái phép trong khu vực Hòn Vọng Phu. Đặc biệt, nơi này rất cần thiết phải được lập dự án chống sét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

UBND Thành phố Thanh Hóa cũng cần chủ trì rà soát Quy hoạch chi tiết khu di tích danh thắng và du lịch núi An Hoạch đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1602, ngày 21/5/2003 để sớm triển khai thực hiện quy hoạch hoặc lập, điều chỉnh lại quy hoạch, dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch. Từ đó trình cấp có thẩm quyền để khôi phục lại “diện mạo” của di tích, giúp quần thể danh lam thắng cảnh núi An Hoạch phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch.

Chú thích ảnh
Di tích Hòn Vọng Phu bị sạt lở nghiêm trọng (ảnh tư liệu).

Trước đó, TTXVN đã đưa thông tin, tháng 8/2022, mưa lớn kèm sấm sét đã gây sạt lở tại thắng cảnh Hòn Vọng Phu ở 2 vị trí là phía Tây gần đỉnh bị sạt lở khối đá khoảng 1m x 3m và phía Đông bị sạt lở khối đá 2,5m x 3m. Các khối đá bị sạt lở nằm ngay tại chân Hòn Vọng Phu. Ngoài ra, các tầng đá phía trên Hòn Vọng Phu cũng đã xuất hiện các vết nứt, có xu hướng tách ngang, đe dọa phá vỡ sự nguyên trạng của thắng cảnh.

Di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu nằm trong cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch, là một cột đá cao khoảng 20m, giống hình người phụ nữ ôm con. Hòn Vọng Phu gắn liền với huyền thoại dân gian về người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá và đã trở thành một biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa của người dân xứ Thanh.

Cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 1992 gồm: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và Hòn Vọng Phu.

Tin, ảnh: Hoa Mai (TTXVN)
Kiên Giang khai thác tiềm năng du lịch từ di sản văn hóa
Kiên Giang khai thác tiềm năng du lịch từ di sản văn hóa

Kiên Giang có trên 160 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Trong đó có nhiều di tích có hàng trăm năm tuổi và nổi tiếng như: Đình thần Nguyễn Trung Trực, quần thể Lăng Mạc Cửu… Mỗi di tích đều gắn với di sản văn hóa truyền thống lâu đời, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN