Xây dựng phương án đảm bảo an toàn Di tích Hòn Vọng phu trong khu vực đá sạt lở

Liên quan đến việc sạt lở tại di tích Hòn Vọng phu, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Ngày 8/8, Sở đã có công văn đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan trên cơ sở thực tế để xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho di tích và nhân dân trong khu vực đá sạt lở.

Chú thích ảnh
Cần sớm tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích quốc gia Hòn Vọng phu. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Hòn Vọng phu nằm trong cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi) ở phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, còn gọi là Vọng phu thạch, là một cột đá cao khoảng 20 m trên núi đá Nhồi, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 3 km về phía Tây Nam. Cột đá này giống hình người phụ nữ ôm con - hình tượng gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá.

Ngày nay, xung quanh khu vực núi Vọng phu vẫn còn quần thể di tích cổ xưa như: Hinh Sơn tự (chùa Hang dưới chân núi Vọng phu), chùa Tiên Sơn, chùa Báo Ân... là điểm tham quan của người dân và du khách mỗi khi có dịp đến cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (được Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992. Cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch gồm: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa, Hòn Vọng phu.

Chú thích ảnh
Khu vực bị sạt lở. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Thời gian gần đây, mưa lớn kèm sấm sét đã và đang gây sạt lở tại Di tích Hòn Vọng phu ở hai vị trí là phía Tây gần đỉnh Hòn Vọng phu (sạt lở khối đá khoảng 1m x 3m) và phía Đông Hòn Vọng phu (sạt lở khối đá 2,5m x 3m). Các khối đá bị sạt lở nằm ngay tại chân Hòn Vọng phu.

Để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách trong mùa mưa bão đang cận kề, trước mắt, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa, UBND phường An Hưng thông báo về khu vực sạt lở để người dân và du khách được biết, đồng thời tiến hành khoanh vùng khu vực có nguy cơ ảnh hưởng để ngăn người, phương tiện vào khu vực này. Ngành chức năng cũng đã lập phương án đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét làm cột thu lôi chống sét, cắm biển cảnh báo dưới chân núi để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách đến tham quan di tích. 

Về lâu dài, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, UBND thành phố Thanh Hóa cần sớm đưa ra giải pháp tu bổ, tôn tạo, phục hồi Di tích quốc gia Hòn Vọng Phu, khôi phục lại “diện mạo” của di tích, giúp quần thể danh lam thắng cảnh núi An Hoạch phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch.

Hoa Mai (TTXVN)
Di dời người dân khu vực sạt lở bờ sông Kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau 
Di dời người dân khu vực sạt lở bờ sông Kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau 

Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) Đỗ Minh Thắng cho biết đang chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương xử lý sạt lở tuyến đường bê tông và đất của các hộ dân sinh sống dọc bờ sông Kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau đoạn hẻm 11 thuộc khóm 2, phường 1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN