Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX qua ảnh

Được trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 2011, những bức ảnh về Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX của Jean-Marie Duchange đang trưng bày tại đây đã khiến nhiều người xem ngạc nhiên.

 

 

 

Hình ảnh Tây Nguyên qua một số tác phẩm nhiếp ảnh của Jean-Marie Duchange.

Ông Jean-Marie Duchange sinh năm 1919 ở Saint Nazaire (Pháp). Sau bốn năm trong quân đội Pháp, ông làm nhân viên y tế cộng đồng ở Tây Nguyên từ năm 1952 đến 1955. Thời gian này, ông đã đi gần khắp 5 tỉnh Tây Nguyên để thực hiện công việc của mình. Chụp ảnh vốn là sở thích của ông. Sẵn mang từ Pháp sang chậu rửa ảnh, máy phóng, các thiết bị cho việc làm ảnh, với chiếc máy ảnh Rolleiflex và Samflex chụp phim âm bản khổ 6 x 6, các loại máy ảnh tiên tiến thời bấy giờ, ông Jean-Marie Duchange đã chụp nhiều bức ảnh giá trị về cuộc sống sinh hoạt, tập quán, tín ngưỡng của người dân Tây Nguyên vào thời gian đó.


Ở tuổi 88, Jean-Marie Duchange có ý định sẽ xuất bản cuốn sách ảnh, nhưng dự định này chưa kịp thực hiện thì ông đã qua đời. Con gái và cháu ngoại của Jean-Marie Duchange là bà Évelyne Duchange và Nadège Bourgoin đã tặng một phần các phim âm bản cho Bảo tàng Quai Branly (Pháp) và một phần cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.


Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp và với mong muốn chia sẻ các giá trị nghệ thuật và khoa học của bộ ảnh với công chúng, và để tri ân tác giả và thiện chí của gia đình ông, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trưng bày bộ ảnh “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX” của Jean-Marie Duchange.


Con gái Jean-Marie Duchange, bà Évelyne Duchange cho biết, bà sinh ra ở Ban Mê Thuột nhưng rời nơi này khi còn quá nhỏ nên không nhớ được gì nhiều về vùng đất này. Những bức ảnh của cha đã gợi lại cho bà quãng thời gian bà từng sinh sống. Buổi sáng trước khi cuộc trưng bày khai mạc, Évelyne Duchange thăm quan Bảo tàng. Bà đã rất xúc động khi nhìn thấy ở khu vực ngoài trời của Bảo tàng những công trình kiến trúc của Tây Nguyên, những công trình kiến trúc mà bà đã thấy trong ảnh của cha mình.


Nhiều người cũng đã thực sự ngạc nhiên khi xem những bức ảnh của Jean-Marie Duchange. Bộ ảnh gồm 34 bức được chọn từ 200 bức ảnh thể hiện sống động chân dung các cụ ông, cụ bà, bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ… trong trang phục sức hết sức độc đáo ở Tây Nguyên giữa thế kỷ XX mà nay hầu như không còn tồn tại. Phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông...), hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa...) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà mồ...) được Jean-Marie Duchange chụp ở ở nhiều góc độ.


Điều đặc biệt, với sự hỗ trợ của ánh sáng và ý đồ sắp đặt trong phòng tối, bộ ảnh được làm khổ lớn, hình vuông (tái hiện hình dáng của các phim âm bản gốc của bộ sưu tập), in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, người xem có thể chiêm ngưỡng hình ảnh từ hai mặt.


Bên cạnh đó, để giúp người xem có thể xem các bức ảnh khác của Jean-Marie Duchange, toàn bộ 200 bức ảnh tư liệu từ bộ sưu tập mà gia đình ông trao tặng Bảo tàng được xếp đặt thành một bức khảm, đồng thời được dựng thành một Video clip tạo điều kiện cho công chúng biết tới bộ sưu tập dưới nhiều hình thức. Chiếc máy ảnh mà Jean-Marie Duchange dùng để chụp bộ ảnh này cũng được gia đình ông cho mượn và trưng bày tại Bảo tàng.


Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu, Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và nhiều nơi khác cũng có những bộ ảnh phán ánh đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Nhưng giá trị của bộ ảnh này ở chỗ chúng được chụp bằng phim âm bản và được gia đình của Jean-Marie Duchange bảo lưu tốt trong suốt một thời gian dài từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến tận bây giờ. Đây cũng là bộ sưu tập phim âm bản đẹp, hoàn thiện vào loại hiếm. Gia đình Jean-Marie Duchange đã có ý thức bảo vệ bộ ảnh do người thân của họ tạo ra, họ cũng rất quý trọng cội nguồn văn hóa mà bộ ảnh phán ánh, cụ thể là của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.


Dự kiến, sau trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (bắt đầu từ 10/7 và kéo dài trong sáu tháng), bộ ảnh sẽ được giới thiệu tại Tây Nguyên, nơi cách đây hơn 60 năm, Jean-Marie Duchange đã từng sống, làm việc và chụp những bức ảnh này.

 

Xuân Phong

“Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX”
“Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX”

Trưng bày “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX” (ảnh) sẽ khai mạc chiều ngày 10/7, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN