Hoạt động tắm biển, vui chơi tự phát của người dân và du khách đang tạo áp lực lớn lên hệ sinh thái san hô tại Hòn Chồng.
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, mặc dù có độ phủ san hô trung bình đạt 32,4% trên tổng diện tích khoảng 4,75 ha, với 62 loài san hô cứng tạo rạn và khoảng 40 loài cá rạn, khu vực này đang chịu áp lực lớn từ các hoạt động du lịch, tắm biển, vui chơi tự phát của người dân và du khách. Đặc biệt, vào thời điểm cuối và đầu tháng âm lịch, khi thủy triều thấp, nhiều người dân và du khách lội ra xa để bắt ốc, tắm biển, giẫm đạp lên rạn san hô, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của san hô, duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái.
Anh Nguyễn Đức Minh Tân, Phó Trưởng phòng Bảo tồn, Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, từ 16 giờ đến 18 giờ, khi thủy triều rút, là lúc số lượng người đổ ra khu vực có san hô, đông nhất. Hoạt động thiếu kiểm soát này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các rạn san hô và hệ sinh thái biển ven bờ.
Để giảm thiểu tác động, Ban Quản lý đã và đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ thiết thực, trong đó công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng được đẩy mạnh. Các buổi tuyên truyền lưu động được tổ chức thường xuyên trên đường Phạm Văn Đồng và tại bãi biển Hòn Chồng. Tổ công tác tuần tra dọc bờ biển để trực tiếp nhắc nhở người dân, kết hợp sử dụng loa phát thanh di động nhằm mở rộng phạm vi tuyên truyền đến nhiều nhóm đối tượng. Ngoài ra, 8 bảng chỉ dẫn đã được lắp đặt tại các điểm nhạy cảm. UBND phường Bắc Nha Trang phối hợp tăng cường phát thanh, đồng thời gửi văn bản tuyên truyền đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn các phường Nha Trang.
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, giám sát nhằm hạn chế các hành vi xâm hại rạn san hô tại Hòn Chồng.
Một trong những giải pháp hiệu quả đang được áp dụng là giăng dây phân vùng tạm thời vào khung giờ cao điểm khi thủy triều rút, nhằm hạn chế người dân và du khách tiếp cận khu vực rạn san hô. Việc này được thực hiện đều đặn vào các ngày cuối và đầu tháng âm lịch.
Cùng với đó, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đang xây dựng lực lượng tuần tra bảo vệ 24/24 giờ, tăng cường giám sát và xử lý các hành vi xâm phạm môi trường biển. Công tác quan trắc và xử lý sinh vật địch hại cũng được duy trì đều đặn, bao gồm bắt sao biển gai – loài ăn san hô, và nhặt rác đáy biển định kỳ mỗi tuần.
Kết quả bước đầu cho thấy, ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân khu vực Hòn Chồng đã được nâng cao. Đa số chấp hành các quy định, không xâm phạm vùng rạn san hô.
Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng là một trong những giải pháp đồng bộ đang được triển khai để bảo vệ rạn san hô Hòn Chồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài áp lực từ con người, các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ nước biển tăng cao từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, tình trạng tẩy trắng san hô, bão lũ, hay sự phát triển của sinh vật gây hại như sao biển gai (Acanthaster planci), ốc ăn san hô (Drupella cornus)... vẫn là mối đe dọa thường trực đối với hệ sinh thái biển nơi đây.
Việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng là yếu tố then chốt để bảo vệ lâu dài các rạn san hô tại Hòn Chồng – vùng sinh cảnh quý giá còn sót lại giữa lòng đô thị ven biển Nha Trang.