Tấm thảm được đặt làm vào khoảng năm 1375 bởi Công tước Louis I của xứ Anjou, con trai và anh trai của vua Pháp. Sau 9 năm thực hiện, tấm thảm dệt Ngày tận thế đã ra mắt công chúng với kích thước ban đầu là 140 m x 6 m, gồm nhiều mảnh. Ngày nay chỉ còn lại hơn 100 m x 4,5 m, trở thành tấm thảm dài nhất và lâu đời nhất được ghi nhận trong lịch sử Trung cổ còn được bảo tồn trên thế giới hiện nay.
Tấm thảm được ghép lại bởi 67 miếng lớn tạo nên một bức tranh khổng lồ có diện tích khoảng gần 500 m2, minh họa cuốn sách cuối cùng của bộ Kinh thánh Tân ước mang tên "Khải huyền", hay còn gọi là "Ngày tận thế của Thánh Jean", mô tả cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Những cảnh miêu tả Ngày tận thế trên tấm thảm cũng là các câu chuyện phản ánh thực trạng của thế giới giai đoạn thế kỷ 14, bị hoành hành bởi chiến tranh, bệnh tật và nghèo đói.
Với kỹ thuật dệt tinh xảo bằng sợi len, tấm thảm được coi là tuyệt tác nghệ thuật thời Trung cổ của phương Tây, và thường được trưng bày trong các buổi lễ lớn trước công chúng, như một nguyên mẫu của một phương tiện truyền thông mới, mang tính răn dạy và cảnh báo, đồng thời khẳng định tham vọng chính trị của hoàng tử, Công tước Louis I xứ Anjou, con trai vua Jean le Bon và là anh trai của vua Charles V.
Tấm thảm này đã được Vua René trao lại cho Nhà thờ Saint-Maurice d'Angers vào năm 1474, được công nhận là di tích lịch sử Pháp vào năm 1902, và xung vào Danh mục tài sản quốc gia Pháp từ năm 1905. Kể từ năm 1952, theo một thỏa thuận được ký kết giữa Giám mục Angers và Nhà nước Pháp, những bức còn lại của tấm thảm được trưng bày vĩnh viễn tại Lâu đài Angers và đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Di tích Quốc gia.
Tọa lạc bên dòng sông Maine giữa trung tâm thành phố cùng tên, lâu đài Angers được xây dựng giống như một tòa pháo đài hùng vĩ bao quanh bởi thành trì đá cùng 17 ngọn tháp cao vút. Có niên đại từ thế kỷ thứ 9, lâu đài từng là nơi ở của các vị Công tước và Bá tước xứ Anjou. Địa danh này ngày nay thu hút đông đảo du khách cũng một phần nhờ các hiện vật bảo tàng phong phú và những khu vườn cây, giàn nho, sân và nhà nguyện tuyệt đẹp. Hàng năm, có khoảng 260.000 du khách đến nơi đây để khám phá lâu đài Angers và chiêm ngưỡng qui mô hoành tráng và vẻ đẹp tinh xảo của tấm thảm tuyệt tác mang tên Ngày tận thế.
Theo Bộ Văn hóa Pháp, việc ghi tên tấm thảm Ngày tận thế vào Ký ức của Thế giới sẽ giúp củng cố danh tiếng của tác phẩm và đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu đối với di sản nổi bật này. Sự công nhận này cũng cho phép tấm thảm dệt này được sánh vai cùng tác phẩm thêu Bayeux, một tác phẩm thêu vĩ đại khác thời Trung cổ được bảo tồn ở Pháp, và cũng được ghi danh vào Ký ức của Thế giới từ năm 2007. Nước Pháp hiện có 13 di sản được ghi vào Ký ức của Thế giới, trong đó có Tuyên ngôn về quyền Con người và quyền Công dân (1789 - 1791), Lời hiệu triệu ngày 18/6/1940 du Tướng de Gaulle, những thước phim của anh em nhà Lumière và bức tranh thêu vùng Bayeux…