Ca Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015. Nhiều năm qua, biểu diễn ca Huế trên sông Hương là sản phẩm du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng ở cố đố Huế. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế, tỉnh có 12 doanh nghiệp được cấp phép tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế với trên 500 diễn viên, nhạc công; trong đó, có trên 250 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn tour ca Huế trên sông Hương. Trên sông Hương, có khoảng 40 thuyền tham gia tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế, không những tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm diễn viên, nhạc công mà còn góp phần quan trọng quảng bá di sản văn hóa Huế.
Tuy nhiên, hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương vẫn còn những tồn tại. Đó là một số đơn vị tham gia hoạt động tổ chức biểu diễn không đảm bảo các quy định như: thuyền chở quá số lượng người, cắt bớt chương trình, thời lượng biểu diễn hoặc biểu diễn không đúng theo chương trình đã được cấp phép, tình trạng chèo kéo, ghép khách, hạ giá tour dẫn đến chất lượng chương trình không đảm bảo. Lực lượng chức năng cũng đã chấn chỉnh một số trường hợp diễn viên, nhạc công không đeo bảng tên; thuyền trưởng, thuyền viên không đeo bảng tên, mang đồng phục khi tham gia hoạt động biểu diễn ca Huế.
Để nâng cao công tác quản lý tổ chức biểu diễn ca Huế, ngày 3/5/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế tại tỉnh. Quyết định đặt ra nhiều quy định về biểu diễn ca Huế trên sông Hương như: Các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ 2 - 3 camera giám sát tại khu vực biểu diễn (có lượng lưu trữ dữ liệu tối thiểu 7 ngày), được kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; điểm đón và trả khách nghe biểu diễn ca Huế trên sông Hương tại Bến thuyền du lịch Tòa Khâm và các bến được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định… Bên cạnh đó, ngành văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các tổ liên ngành kiểm tra hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế, nhất là biểu diễn ca Huế trên sông Hương; ra quân đồng loạt bảo đảm an ninh trật tự, môi trường tại các bến thuyền du lịch.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thiên Bình, cùng với việc tuyên truyền, vận động các đơn vị thực hiện Quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế, Sở tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành về hoạt động của các doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các chủ thuyền, các diễn viên, nhạc công không đảm bảo chất lượng tham gia biểu diễn, nhằm tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, đưa ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc trưng của tỉnh.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thành phố Huế thực hiện các giải pháp gồm: tăng cường công tác thẩm định việc chấp thuận các chương trình biểu diễn Ca Huế đảm bảo đúng chất lượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động biểu diễn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn ca Huế; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và đề xuất các cơ quan liên quan xử lý nghiêm tình trạng tổ chức biểu diễn sai quy định, tình trạng bán vé lẻ không đúng nơi quy định.
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng các kỹ năng trình diễn, kỹ năng điều hành, dẫn chương trình; trang bị, cập nhật các kiến thức về pháp luật, quy tắc ứng xử nghề nghiệp, kiến thức về văn hóa Huế cho các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công; xây dựng pano truyền thông về quy định tổ chức biểu diễn ca Huế tại Bến thuyền du lịch Tòa Khâm; xây dựng địa điểm bán vé nghe ca Huế bố trí tập trung tại Bến thuyền du lịch Tòa Khâm, phải niêm yết giá vé đã đăng ký tại cơ quan thuế đối với chương trình biểu diễn; tiếp tục rà soát, tham mưu các văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về hoạt động ca Huế, nhất là ca Huế trên sông Hương.