Sebastião Salgado - Tiếng gọi nơi hoang dã

 Sebastião Salgado, một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu hiện nay, gốc Brazil, sống ở Paris, triển lãm ảnh ở L.A, toàn những chốn đô hội. Những bức ảnh của ông lại là một thế giới khác.

Di cư

Sebastião Salgado Ribeiro sinh năm 1944 tại Aimorés, thuộc bang Minas Gerais, Brazil năm 1944, một thị trấn nhỏ với 16.000 cư dân sinh sống. Thời điểm 1940, hơn 70% của khu vực này vẫn còn được bao phủ bởi những tán lá và cây của rừng Đại Tây Dương. Lúc đó rừng ven biển của Brazil lớn gấp 2 lần diện tích nước Pháp. Theo thời gian, diện tích giảm xuống chỉ còn 7% so với Pháp và nơi Saldago sinh ra, rừng chỉ còn 0,3% kích thước ban đầu. Những số liệu ấy thật ra chẳng quan trọng với một đứa trẻ đang lớn nhưng với một tình yêu núi rừng, một môi trường sống quen thuộc đang ngày càng bị phá dần đi, thì đối với đứa trẻ điều đó chẳng khác nào như một tình yêu đầu đang bị thử thách. Bỏ tất cả, một chuyên viên kinh tế rồi tiến sĩ kinh tế với cuộc sống tiện nghi không phải nghĩ ngợi, Saldago từ quan, ôm máy ảnh đóng vai kẻ lãng du đi tìm lại những gì đã mất.


Sebastião Salgado (trái) và cựu Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula Da Silva


Đúng ra ông chẳng tìm lại được gì, những gì đã mất sẽ lại còn mất thêm nhưng nhìn những bức ảnh của ông, người ta có thể hiểu rằng đã có một thời như thế, đã có những người nằm xuống, đã có những nô lệ hiện đại vì sức cám dỗ của những đồng bạc đã phá hỏng thiên nhiên và cả những mảnh đời cơ cực. “Giấy bạc” như những mảnh “giấy bội bạc” đã lấy đi tất cả mọi thứ dưới cái tên rất mỹ miều “văn minh”.

Câu chuyện của Salgado làm nhớ đến hình ảnh Watson của nước Anh xa xưa, bỏ London tráng lệ để sang châu Phi cứu giúp những đàn hổ sắp bị diệt chủng. 21 năm ròng rã, bao nhiêu con hổ không hạ gục được nhưng cuối cùng ông ngã xuống bởi người trợ lý cực kỳ thân tín, chỉ vì vài đồng đô la lẻ. Salgado không có trợ lý thân tín, dẫn đường ông là chiếc máy Leica và bạn đường là những cuộn phim Kodak. Ông chụp, chụp và chụp, có những khoảnh khắc ông như thấy mình nhập thế vào thiên nhiên. “Tôi được sinh ra trong một môi trường hệ sinh thái nhiệt đới, núi rừng bạt ngàn chẳng bao giờ thuộc về những khu vực có các nhà máy với ống khói phun cao”. Để hiểu về “văn minh”, Saldago bỏ rừng lên phố để rồi từ phố ngay đêm ông thương nhớ rừng. Từ bộ lạc Zo’e, trái tim của khu nguyên sinh Amazon tới những dải cát trải dài cô đơn phong hóa của sa mạc Sahara, đằng đẵng 2 tháng trời trên những triền núi ở dải Brooks thuộc Alaska…, Saldago không nhớ mình đã đốt bao nhiêu cuộn phim nhưng nhớ rất rõ những gương mặt, khoảng đồi bị tàn phá vì sự tàn bạo của con người.


Etiyopya -1984


Lang bạt

Sebastião Salgado là một trong những nhà nhiếp ảnh hàng đầu và được biết đến rộng rãi trong số các nhà nhiếp ảnh báo chí về phóng sự xã hội lao động đương thời. Ông đã chứng tỏ một khả năng duy nhất trong việc kết nối tính báo chí, sự thâm nhập kín đáo, sự dấn thân trung kiên và thẩm mỹ nhiếp ảnh. Ông sử dụng phương tiện của mình để kể về những cuộc sống con người, mà ông quan sát với sự tôn trọng nhưng khắc nghiệt những bối cảnh của chúng. Những bức ảnh của ông rất cảm động và quan trọng để giúp ta hiểu về con người và văn hóa.


Những người phụ nữ đi chợ (Chimbote, Ecuador) - 1998


Saldago chủ yếu chụp trắng đen, ông yêu thích trắng đen, ông thấy ở trắng đen có những thứ phải càng nhìn càng thấm, “có những hiện thực hiện ra nhưng chỉ có trắng đen mới cho bạn một câu chuyện muốn bộc lộ ở phía sau”, ông bày tỏ. Ảnh của ông bao giờ cũng có bố cục như sắp đặt, sắp đặt tình cờ, với trắng - đen làm điểm tựa nội dung của ông bao giờ cũng toát lên nghịch cảnh, hoặc giữa thiên nhiên với nhau, giữa con người với con người, con người và thiên nhiên, bê tông đô thị với những sườn núi trải dài tới chân trời..., nhét thêm vào đó là những bảng lảng sương khói của một chiều Amazon vắng vẻ và kỳ bí, của những bộ lạc tới giờ cầu thần linh ban mưa và cả những sương khói của một bộ mặt mệt mỏi về chiều khi đứng trước thiên nhiên hoang sơ và trọc lóc…

Nhà ga Church Gate (Ấn Độ) - 1995


Salgado đã đi qua hơn 100 quốc gia, xuyên nhiều biên giới, châu lục với những dự án ảnh quy mô. Có những dự án lấy đi của ông gần một thập niên ròng rã du hành và tìm hiểu. Ông kể có lúc ông phải dùng điện thoại liên lạc vệ tinh để biết kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ khi còn đang cưỡi lạc đà lang thang trên con đường 5.000 năm ở Ethiopia. Với Saldago, chiến thắng của Obama là “chiến thắng cho hành tinh này” và với ông “đã đến lúc con người cần phải ngồi lại với nhau một cách nghiêm túc nhất để nghe thiên nhiên chất vấn”.

Là nhiếp ảnh gia thông tấn, Salgado đã lang thang qua nhiều hãng thông tấn ảnh tiếng tăm, từ Gamma đến Magnus và giờ ông tự lập hãng ảnh của riêng mình, Amazonas Images. Ông đã xuất bản khá nhiều sách ảnh tài liệu gây được sự chú ý mà trong đó là bộ ảnh Workers có tiếng vang lớn vào năm 1993.

Theo thethaovanhoa.vn

"Thiên sứ" giành Cúp tại giải nhiếp ảnh xuất sắc năm 2011
"Thiên sứ" giành Cúp tại giải nhiếp ảnh xuất sắc năm 2011

Theo thông tin từ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), tác phẩm Thiên sứ của tác giả Đỗ Thùy Mai (Cà Mau) đã giành Cúp VAPA cho bức ảnh xuất sắc nhất của năm 2011. Trước đó, tác phẩm này cũng đã đoạt giải nhất Liên hoan Ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 26 (năm 2011).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN