Ra mắt Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga: Trang trọng và nghẹn ngào

Trong phòng hội nghị của Thư viện Hà Nội tối 24/7 mọi ánh mắt đổ dồn về một cụ bà tóc bạc phơ mặc chiếc áo dài nền nã màu huyết dụ. Đó là thân mẫu của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, cụ Doãn Ngọc Trâm. Mặc dù đã 88 tuổi nhưng cụ vẫn nhanh nhẹn và rất minh mẫn. Cụ xúc động tâm sự: “Tôi đã 6 năm chờ đợi ngày hôm nay. Có lúc tôi rất buồn vì tưởng bản dịch không ra được. Hôm nay, tôi rất xúc động cầm cuốn nhật ký bằng tiếng Nga của con gái trong tay. Qua cách làm việc tỉ mỉ, chu đáo của những người dịch, tài trợ và in ấn, tôi tin rằng bản dịch chuyển tải đúng những gì con gái tôi đã viết bằng tiếng Việt”.

 

Cụ Doãn Ngọc Trâm, mẹ Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, ký sách tặng độc giả.

 

Chị Đặng Hiền Trâm và chị Đặng Kim Trâm, em gái của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, cũng khẳng định bản dịch tiếng Nga cuốn nhật ký của người chị cả có ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình. Không đơn giản chỉ vì bản dịch tiếng Nga được ra mắt đúng dịp sinh nhật lần thứ 70 của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chị Đặng Hiền Trâm cho biết: “Lúc còn đi học chị Thùy Trâm rất yêu văn học Nga. Trong cuốn nhật ký chị cũng nhiều lần nhắc đến những cuốn tiểu thuyết kinh điển của một đất nước vừa xa xôi, vừa gần gũi với dân tộc Việt Nam. Hẳn ở “bên kia” chị rất vui khi biết những lời tâm huyết của mình được chuyển tải đến người đọc Nga. Cả nhà tôi ai cũng thích đọc văn học Nga và nghe những bài hát Nga”. Chị Hiền Trâm chỉ mới hơn 10 tuổi khi người chị cả Thùy Trâm ra chiến trường. Chị nhớ lại rằng chị Thùy Trâm đã dành hẳn 3 ngày cuối cùng trước khi lên đường để chăm sóc các em. Chị kể: “Chị Thùy Trâm hiền và dịu dàng với các em, như người mẹ thứ hai vậy. Nhưng khi dạy chúng tôi học bài thì chị rất nghiêm khắc, như cô giáo ở trường”.


Cũng mang tâm trạng “vừa vui vừa buồn” như của người mẹ Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam. Ông lý giải: “Buồn là vì tôi biết Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết cuốn nhật ký trong hoàn cảnh như thế nào. Bản thân Đặng Thùy Trâm và nhân dân Việt Nam đã trải qua những năm tháng hết sức khó khăn trong cuộc chiến tranh vì độc lập dân tộc. Vui là vì nhờ công sức của các dịch giả và của cả một tập thể có tâm huyết mà bản dịch tiếng Nga của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã hoàn thành. Đây là một ý tưởng tuyệt vời”.


Tiến sĩ Lê Văn Nhân, đồng dịch giả “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra tiếng Nga, nhấn mạnh: “Dịch cuốn nhật ký không khó về mặt chuyển ngữ nội dung. Cái khó là chuyển tải được cái hồn của nhật ký. Chị Đặng Thùy Trâm viết nhật ký không phải để cho người khác đọc, mà viết cho riêng mình, càng không phải để dịch ra những ngôn ngữ khác. Dịch thế nào để người Nga, nhất là những người trẻ tuổi hoàn toàn không biết gì về chiến tranh nói chung và cuộc chiến đấu cùa nhân dân Việt Nam nói riêng, hiểu được và đồng cảm được mới khó. Nhưng tôi sợ nhất không phải là điều người đọc Nga không hiểu mà sợ nhất là họ hiểu nhầm. Bởi vậy chúng tôi phải có những chú giải bằng tiếng Nga thật súc tích về những khái niệm vốn xa lạ với tất cả những ai không phải là người Việt đang sống trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ”.


Từ Mátxcơva, Tiến sĩ Anatoly Sokolov cũng đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Văn Nhân. Mặc dù rất am hiểu lịch sử Việt Nam và nói rất sõi tiếng Việt nhưng đối với ông việc dịch cuốn nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm hoàn toàn không đơn giản, nhất là khi “đụng” tới những tình tiết liên quan đến khẩu lệnh quân sự, đến khí tài và cuộc sống của người dân và du kích Việt Nam trong chiến tranh. Khó khăn nhất với ông là làm sao diễn tả đúng tâm trạng của một cô gái trẻ trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, giữa sự mong manh của ranh giới sống và chết mà vẫn yêu đời, rất lãng mạn. Ông chia sẻ với phóng viên TTXVN: “Tôi tin rằng cuốn sách sẽ được đón nhận rộng rãi ở Nga. Qua cuốn sách này, người đọc Nga sẽ hiểu thêm về lịch sử thế kỷ 20. Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc là một phần của lịch sử nhân loại thế kỷ 20. Và qua cuốn sách thế hệ trẻ Nga sẽ hiểu vì sao dân tộc Việt Nam lại đánh thắng đế quốc Mỹ. Một phần vì nhân dân Việt Nam có những người con gái như Bác sĩ Đặng Thùy Trâm”.


NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn phim “Đừng đốt” dựa theo “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, cho biết: “Điện ảnh và văn học có cách chuyển tải ý tưởng khác nhau đến công chúng. Nhưng bộ phim “Đừng đốt” cũng như bản dịch tiếng Nga của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đều có cùng mục đích là góp phần để nhân dân các nước hiểu rõ hơn về cuộc chiến ở Việt Nam và xa hơn là con người và đất nước Việt Nam”.


Anh Đỗ Quý Dương, Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam tại LB Nga, nói rất ngắn gọn về lý do tại sao anh và các ủy viên Ban chấp hành trong hội, tiền thân là CLB Dệt may Việt Nam tại Nga, quyết định tổ chức và tài trợ việc dịch và in cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”: “Trong một lần đến thắp hương cho các liệt sĩ ở Thanh Hóa, chúng tôi nghe nói cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được dịch ra tiếng Anh, Tây Ban Nha... Trong đầu chúng tôi nảy ra câu hỏi: Tại sao không dịch cuốn nhật ký ra tiếng Nga? Và thế là...”.


Theo anh Đỗ Quý Dương, bản dịch tiếng Nga “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được in tại Việt Nam và sẽ đưa sang Nga tặng độc giả qua các kênh của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Hội Người Việt, Hội Văn học nghệ thuật, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga. Cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Nga hướng tới thế hệ trẻ Nga nên sẽ được phát miễn phí tại các trường học. Anh nói: “Nhà báo đừng đưa con số chi phí lên phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ là một cách thể hiện tấm lòng của những người con Việt trên đất Nga đối với các liệt sĩ đã đổ xương máu cho Tổ quốc”.


Bài và ảnh: Trần Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN