Ra mắt cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Doanh nhân Việt Nam”

Cầm trên tay cuốn sách  “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với doanh nhân Việt Nam” (NXB Công an Nhân dân), còn thơm mùi giấy mới, vừa ra mắt  chiều 20/12/20114, tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, tôi thật sự cảm thấy một niềm rưng rưng. Chút rưng rưng khi Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam, với sự đồng hành của Văn phòng và Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp,  đã dâng cuốn sách, như nén tâm nhang dâng lên vị "Đại tướng của nhân dân", đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014). Và cũng rưng rưng, vì sau bao sự vĩ đại của Đại tướng với tư cách là một vị tướng tài, với tư cách một nhà văn hóa... giờ mới lại hiểu thêm về Đại tướng- một nhà kinh tế có tầm nhìn rất lớn lao của Việt Nam.


Nhóm làm sách và các doanh nhân tại khuôn viên nhà Đại tướng, 30 Hoàng Diệu.


Cuốn sách hơn 600 trang, gồm gần 100 bài viết, tập trung vào phân tích về "Tầm nhìn về phát triển kinh tế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp",  "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các bộ, ngành kinh tế", "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các nhà công thương tiền khởi nghĩa". Cuốn sách cũng tập hợp "Những bài nói, bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về kinh tế Việt Nam", việc "Học Đại tướng Võ Nguyên Giáp để trở thành danh tướng", "Ân tình qua những bức ảnh"... Thông qua những bài viết này, người đọc có thể hình dung được tầm nhìn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự phát triển của kinh tế đất nước; tình cảm Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho doanh nhân, doanh nghiệp; cũng như sự yêu kính, khâm phục cùng những bài học mà doanh nhân, doanh nghiệp rút ra khi hướng về Đại tướng.


Nhà sử học Dương Trung Quốc (trái), giới thiệu cuốn sách.


Trong lời tựa cuốn sách,  nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam  khẳng định: Đại tướng từng là sinh viên ngành kinh tế - chính trị, từng giảng dạy về môn kinh tế. Đại tướng cũng có tầm nhìn rất sớm về kinh tế biển, kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp, vấn đề môi trường... "Ngay từ khi Đại tướng tham gia công tác quản lý kinh tế, từ những năm 70, Đại tướng đã tổ chức cuộc hội thảo về Kinh tế biển, đồng thời đưa ra vấn đề "Khoa học và kỹ thuật với chiến lược phát triển kinh tế biển" với quan điểm "Biển là một vấn đề khoa học và kinh tế có ý nghĩa chiến lược. Cũng chính Đại tướng, từ rất sớm đã nhắc đến nền kinh tế tri thức (mà Đại tướng gọi là kinh tế kiến thức)", nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.


Cũng ngay đầu cuốn sách, một lần nữa chúng ta gặp lại  hai thư ký của Đại tướng là Đại tá Nguyễn Huyên và Đại tá Trịnh Nguyên Huân, với những bài viết sống động về tình cảm, sự trăn trở của Đại tướng đối với sự phát triển của kinh tế đất nước; cũng như những tình cảm, sự quan tâm của Đại tướng dành cho doanh nhân, doanh nghiệp. 


Bìa cuốn sách.


Bên cạnh đó, còn có hơn 50 bài viết của những doanh nhân, doanh nghiệp từng được gặp Đại tướng đã kể lại những cuộc gặp gỡ cảm động, chân tình…TS.Hoa hậu, Đệ nhất Quý bà Đoàn Thị Kim Hồng, Chủ tịch Công ty Ciat, bồi hồi: “Trong khi nói chuyện, Đại tướng rất vui khi biết tôi là người gốc Quảng Bình. Tôi đã hát tặng người các các khúc của vùng quê miền Trung như:Quảng Bình quê ta ơi, Mẹ Suốt... Lúc đó, Đại tướng vô cùng xúc động và nói: "Con gái Quảng Bình vừa đẹp vừa hát hay, con phải cố gắng phấn đấu để làm rạng danh quê hương Quảng Bình".Lời dạy đó mãi trở thành động lực, đi theo tôi trong các chặng đường của cuộc sống sau này. Dùcó đi đâu, làm gì tôi vẫn luôn ghi nhớ, mình là một người con Quảng Bình thì cần cố gắng, thành công hơn nữa để góp phần xây dựng cuộc sống và có điều kiện giúp đỡ Quảng Bình”.


Doanh nhân Đào Trọng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Thần Châu Ngọc Việt, nhớ lại: “Nghe tôi báo cáo và trình bày (về tình hình công ty), Đại tướng rất chăm chú lắng nghe rồi người chỉ bảo tận tình và căn dặn rất thiết thực. Đại tướng nói rằng là người đầu tiên khai sáng nghề cẩn ngọc lên tranh là rất đáng trân trọng nhưng không được tự thỏa mãn với mình, phải tiếp tục nghĩ những cái mới hơn, phải đạt đến trình độ của nghệ thuật chứ không được dừng ở trình độ thủ công mĩ nghệ, đồng thời phải giỏi để đào tạo được thật nhiều các họa sĩ nghệ nhân kế thừa để tạo được thật nhiều công ăn việc làm cho người dân nhất là trên các vùng mỏ đá quý và rồi để trở thành một nghề mới của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam… Tôi cảm nhận rất rõ nỗi ưu tư về sự phát triển kinh tế đất nước của Đại tướng ngay cả khi tuổi đã cao và không còn giữ các chức vụ như trước”.


Doanh nhân Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hà Nội Startour, vẫn còn nguyên tâm trạng xúc động: “Cảnh vật, đồ đạc trong nhà Đại tướng không mấy khác so với lần đầu tôi đến thăm. Chỉ khác là lần này tôi được ngồi cạnh Đại tướng, được cầm tay người rất lâu. Tôi nhớ mãi đôi tay Đại tướng rất mềm và ấm. Đến tận bây giờ tôi vẫn hình dung rất rõ cảm giác ấm nóng bất ngờ đầy xúc động ấy. Nó mới mẻ và dường như vẫn căng tràn nhựa sống”.


Có thể nói cuốn sách là công trình nhằm một lần nữa khẳng định tầm vóc, trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và sự quan tâm của Đại tướng với tầng lớp doanh nhân – lực lượng xung kích thời kì đổi mới, chống đói nghèo, lạc hậu của dân tộc; thể hiện lòng tri ân của giới doanh nhân Việt Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; khẳng định nỗ lực, quyết tâm xây dựng doanh nghiệp của doanh nhân góp phần khẳng định tâm thế của nền kinh tế Việt Nam như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam, PGS.TS. Đặng Văn Thanh bày tỏ: “Năm 2014 là năm giỗ đầu của Đại tướng võ Nguyên Giáp và kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), tin tưởng rằng cuốn sách ra đời sẽ tạo một góc nhìn tương đối đầy đủ về tình cảm giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng đã chiến đấu và chiến thắng trên chiến trường – với đội ngũ doanh nhân Việt Nam, những người đã - đang chiến đấu và khát khao chiến thắng trên thương trường. Đồng thời, đây sẽ là nén tâm nhang mà doanh nhân Việt Nam thành kính thắp lên mộ Đại tướng trong dịp đặc biệt này”.


Là một người gắn bó với Đại tướng, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam xúc động chia sẻ: “Sinh thời, Đại tướng luôn mong mỏi các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ làm nên những trận Điện Biên Phủ trên mặt trận kinh tế. Chọn thời điểm ra đời cuốn sách là dịp 22/12/2014, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa này. Cuốn sách vừa là lời khẳng định vừa là lời cổ vũ, động viên doanh nhân, doanh nghiệp sẽ noi gương Đại tướng để trở thành doanh tướng, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và trở thành một quốc gia phát triển…”.


Đây là cuốn sách đầu tiên khai thác vai trò "nhà kinh tế" của Đại tướng. Nhưng với sự đồng hành của Đại tướng cùng giới doanh nhân trong suốt những năm cuối đời của Người, mỗi người đọc đều có thể hiểu sự toàn tài của Người- một con người vĩ đại!


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN