Dù vừa mới tốt nghiệp thủ khoa ngành đạo diễn điện ảnh tại Đại học Sân khấu & Điện Ảnh HN vào tháng 6 năm 2012 nhưng Đỗ Quốc Trung đã có những thước phim mang đậm dấu ấn cá nhân và có chất lượng.
Ghi dấu bằng những phim ngắn được đánh giá khá cao như Trực nhật với Thư Kỳ, The Drunk, Cá Chuối,… Đỗ Quốc Trung, thế hệ đạo diễn trẻ lứa đầu 9X ở Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo nên những thành tích cho điện ảnh nước nhà trong tương lai gần. Năm 2011, Trung nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất cuộc thi 48 giờ Việt Nam tại Hà Nội và nhận được bằng khen của Hội Điện ảnh. Năm 2012, phim Trực nhật với Thư Kỳ của Trung đã được trao giải Trái tim hồng của YxineFF.
Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung nhận giải phim xuất sắc của giải thưởng Trái tim hồng. |
Trong cộng đồng người làm phim trẻ tại các liên hoan hoặc cuộc thi phim ngắn mấy năm qua, cái tên Đỗ Quốc Trung không còn quá xa lạ, cho dù anh chưa có phim chiếu rạp như các đạo diễn đàn anh. “Có lẽ không khí học và làm phim giờ đây có những thay đổi. Trước đây, sinh viên trường Sân khấu điện ảnh làm phim ngắn chỉ để trả bài cho giáo viên. Còn bây giờ, phim chúng tôi làm có thể đưa lên YouTube để mọi người xem và bình luận. Và có nhiều cơ hội để chúng tôi đưa phim đi thi hay chiếu cho mọi người”, Trung chia sẻ rất khiêm tốn về sự “nổi tiếng” của mình. “Điều đó kích thích niềm đam mê cũng như sự nâng cao tay nghề rất nhiều”, Trung nói thêm. Chính vì vậy dù phải bỏ toàn bộ tiền túi để làm phim, Trung vẫn quyết tâm đầu tư, với quan điểm việc làm ra những sản phẩm mới và đưa tới với người xem mới là điều quan trọng hơn cả.
Con đường đến với nghề đạo diễn
Hồi cấp 2, Trung rất thích đi đóng phim và được một số đạo diễn mời làm diễn viên phụ. Cậu bé 15 tuổi thấy bất mãn vì “tại sao mình muốn kể chuyện thế này, ông đạo diễn lại bắt mình làm thế khác” nên nung nấu ý định học đạo diễn với mong muốn trở thành đạo diễn phim.
Suốt những tháng ngày thơ ấu ấy, thú vui duy nhất của Trung là chơi trò “hộc tủ tưởng tượng”. Một ngăn kéo được dựng lên làm nhà hát, những chiếc đèn pin được bọc giấy gói oản làm đèn màu, những quân cờ domino được lật ngược mặt đen lên làm bục sân khấu. 8 năm trời, Trung mải mê dựng vở, diễn kịch với những tượng sứ cho đến khi đỗ thủ khoa Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.
Gia đình Trung rất phiền lòng khi thấy con trai theo điện ảnh vì cả nhà Trung đều làm kinh doanh, không ai theo đuổi nghệ thuật. Trung không dám dựng phim ở nhà vì biết bố mẹ không thích cảnh mình ngồi lì bên máy tính. Mỗi lần dựng phim, Trung ăn ngủ ở TPD (Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh), chỉ tạt qua nhà vài ba tiếng mỗi ngày để thay quần áo hoặc ăn uống. Để không làm phiền gia đình mà vẫn thỏa ước vọng làm phim, suốt 4 năm học, Trung tự xoay xở tiền đóng học phí và tiền làm phim ngắn bằng cách học thật giỏi để lấy học bổng hoặc đi làm thêm bên ngoài. Mỗi khi được các giải thưởng điện ảnh, Trung dành ra một khoản để mỗi tháng đều có tiền xem phim ngoài rạp mà không cần lo lắng vấn đề tài chính. Trung quan niệm xem phim để học khác với xem phim để thưởng thức, người làm phim cần phải xem một cách bài bản và hệ thống. Có tháng, Trung chỉ xem phim của Alfred Hitchcock, có tháng chỉ xem phim của Vương Gia Vệ. Đối với một đạo diễn, Trung bao giờ cũng cố gắng xem hết phim của người đó, để hiểu được cuộc đời ông có mấy phim xuất sắc, phim sau so với phim trước chịu ảnh hưởng và phát triển thêm điều gì, để có được danh tiếng như ngày hôm nay bộ phim đầu tay của ông đã như thế nào. “Điều này rất quan trọng. Nếu bạn chỉ xem duy nhất Titanic của James Cameron, bạn sẽ ngợp. Nhưng nếu bạn xem bộ phim đầu tay của ông ấy và nghĩ mình có thể làm được như vậy thì biết đâu một ngày nào đó bạn có thể làm nên Titanic”. Trung tự tin nói. Ngoài xem phim, Trung đọc sách rất nhiều, đủ loại: từ sách nghiên cứu điện ảnh đến văn học rồi các sách về địa lý, lịch sử để tăng vốn hiểu biết. Trung tăng cường học tiếng Anh vì hiểu rằng một đạo diễn của thế hệ mới phải có khả năng đối thoại với thế giới không cần đến phiên dịch, có như vậy tác phẩm mới có cơ hội vươn ra được nước ngoài.
Chỉ sợ... bất tài
Khác với nhiều đạo diễn trẻ khác, Trung muốn đi theo dòng phim tác giả và luôn dằn vặt giữa việc làm một bộ phim theo ý mình và một bộ phim chiều lòng khán giả. Làm phim là cách để chia sẻ và thể hiện cá tính. Những bộ phim hay và xúc động là những bộ phim mà ta có thể thấy người đạo diễn ở trong đó chứ không phải cứ phim hoành tráng ly kì là hay. Người đạo diễn sẽ tự hào hơn nếu khán giả xem và nhận ra đó là phim của mình, là phong cách của mình chứ không phải của ai khác. “Có thể tôi không quá nổi tiếng nhưng tôi tin những thước phim tôi làm ra sẽ có những người xem đồng cảm và đó mới là những khán giả thực sự của tôi” - Trung chia sẻ.
Khi được hỏi về khó khăn, người đạo diễn trẻ khẳng định: chưa thấy khó khăn nào cả. Những bộ phim mà Trung làm đều có sự hỗ trợ rất lớn của bạn bè xung quanh, họ chẳng bao giờ đòi hỏi quyền lợi, thậm chí còn bỏ thêm tiền để chia sẻ giúp Trung. Rồi các đạo diễn đi trước như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn… cũng hỗ trợ và bảo ban rất nhiều. “Khó khăn duy nhất là bất tài. Mọi người đã giúp đỡ như thế rồi mà không làm được phim là tại mình thôi” - Trung thẳng thắn.
Có không ít người làm phim trẻ luôn tâm niệm lo rằng họ sẽ phải làm điều gì đó lớn lao, đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà. Bên cạnh đó, vẫn còn những người như đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung, làm phim trước hết bởi niềm đam mê của riêng mình. Và chính tâm thế đó sẽ là nền móng chắc chắn nhất để người đạo diễn bước đi trên con đường nghệ thuật của mình.
Đỗ Quốc Trung là một đạo diễn trẻ thế hệ 9X không ngại khẳng định: làm một tác phẩm nghệ thuật trước hết phải để cho mình thỏa khao khát. Chẳng trào lưu, chẳng bắt chước, thước đo duy nhất để đánh giá một người trẻ là những đam mê. Trung nói: “8X hay 9X, thế hệ nào không quan trọng, hãy để kết quả công việc tôi đang nỗ lực từng ngày kể vể tôi”.
Hồng Nhung