Ngay từ sáng 28/4, lượng khách trong vùng lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên) là đồng bào các dân tộc trong tỉnh và du khách ngoài tỉnh đã đổ về thành phố Điện Biên Phủ ngày một đông. Tại các điểm di tích như: Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (đặt trên Đồi D), Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ... từng dòng người nối chân nhau đến tham quan, chụp ảnh.
Theo khảo sát của phóng viên, tại những điểm di tích lịch sử nằm xa trung tâm thành phố như: Tượng đài kéo pháo thuộc di tích Đường kéo pháo bằng tay (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên), Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Bãi duyệt binh mừng chiến thắng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên)... trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, lượng khách cũng tăng mạnh.
Du khách tham quan tại Hố bộc phá ngàn cân trên di tích lịch sử đồi A1. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN |
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Quần thể Di tích chiến trường Điện Biên Phủ được các cấp, các ngành quan tâm; cùng với đó công tác quảng bá về thế mạnh du lịch của Điện Biên được triển khai có chiều sâu, trọng điểm. Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức cho ngũ thuyết minh viên du lịch được chú trọng. Tiêu chí cảnh quan xanh- sạch- đẹp, văn minh, lịch sự tại các điểm di tích được ngành du lịch tỉnh Điện Biên thực hiện tốt…, Vì thế, đã góp phần quan trọng đưa Di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ trở thành một trong những địa danh du lịch lịch sử, thu hút đông đảo du khách đến với Ðiện Biên.
Hiện nay, Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần; trong đó có 8 điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan. Thời gian qua, bên cạnh việc sửa chữa, trùng tu các di tích đang phục vụ khách tham quan, nhiều di tích thành phần được đầu tư tôn tạo, đưa vào sử dụng để phát huy giá trị lịch sử và đưa tuyến tham quan di tích được kéo dài và nhiều nội dung hơn. Qua đó đã tái hiện một cách đầy đủ, chân thực và sống động nhất về Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) của quân và dân ta.
Thời gian tới, ngành Văn hóa xây dựng đề án tiếp tục bảo tồn, lựa chọn các điểm di tích tiêu biểu, có giá trị lịch sử cao để phục dựng lại và bảo tồn theo Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030. Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ sẽ ngày càng phát huy, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử, để du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ðiện Biên.
Việc du khách đến Điện Biên tăng mạnh trong những dịp nghỉ lễ là tín hiệu vui cho ngành du lịch tỉnh Điện Biên.