Phục dựng gần nguyên vẹn nhóm tháp trong quần thể di sản Mỹ Sơn

Ngày 7/12, tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), Viện Bảo tồn di tích phối hợp với Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn tổ chức Hội thảo khoa học về quy trình kỹ thuật trùng tu tháp Chăm ở Mỹ Sơn qua trường hợp tu bổ, bảo tồn kiến trúc tháp E7 và nhóm tháp G.

Hơn 100 chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và quốc tế về bảo tồn trùng tu di sản tham dự hội thảo.

Chú thích ảnh
Quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn có tổng diện 1.158 ha rừng, trong đó có 32 ha nằm trong vùng lõi là nơi bảo tồn các công trình kiến trúc Chămpa cổ xưa. Ảnh: Hữu Trung/TTXVN

Tại hội thảo, ông Phan Hộ, Trưởng Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn nhấn mạnh: Dự án hợp tác trùng tu tháp E7 và nhóm tháp G được ba bên là Việt Nam – UNESCO – Italy phối hợp thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực nhiều mặt trong việc trùng tu các khu đền tháp trong Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động trùng tu tháp E7 và nhóm tháp G mang lại kết quả lớn trong công tác bảo tồn và phát huy di tích sau khi trùng tu. 
           
Đến từ Viện Khảo cổ, Tiến sĩ Lê Đình Phụng nhấn mạnh: Phương pháp trùng tu khoa học giúp tháp E7 và nhóm tháp G vốn đứng trước nguy cơ trở thành phế tích nay đã ổn định kiến trúc, giữ được nguyên vẹn các giá trị gốc, mở ra cơ hội và có thêm lựa chọn để các chuyên gia đưa ra giải pháp trùng tu nhóm tháp E, F. 
           
Thạc sĩ Đặng Khánh Ngọc (Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: Công tác bảo tồn di tích Chăm tại Mỹ Sơn có nhiều tiến bộ trong việc sử dụng các giải pháp khoa học hiện đại để trùng tu tháp cổ. Sự thành công trong quá trình trùng tu kiến trúc tháp E7 và nhóm tháp G là giữ nguyên hiện trạng, dáng vẻ ban đầu của các đền tháp, hạn chế được sự thay đổi từ vật liệu đến cấu trúc di tích song vẫn đảm bảo được tính bền vững cho từng di tích. 
         
Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: Trong quá trình nghiên cứu và thực tiễn trùng tu tháp Chăm tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, các nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp kỹ thuật tiên tiến và phù hợp với thực tiễn, điều kiện tự nhiên. Các chuyên gia đã làm tốt công tác khai quật, khảo cổ đi đôi với bảo quản, tu bổ di tích. Việc lựa chọn giải pháp ưu tiên khắc phục tình trạng xuống cấp, sau đó mới tiến tới phục hồi từng phần, bảo vệ được nguyên vẹn các giá trị cổ xưa của di tích là thành công đáng được ghi nhận. 
         
Triển khai từ năm 2011, dự án trùng tu tôn tạo tháp E7 và nhóm tháp G do các chuyên gia trong nước, quốc tế thực hiện đã giúp các khu tháp trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vừa vững chãi vừa phục hồi gần như nguyên vẹn diện mạo ban đầu của các đền tháp.

Sau khi được trùng tu phục dựng, nhóm tháp G và E7 đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Bây giờ, du khách đến Mỹ Sơn ngoài chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tâm linh của người Chăm còn có thể tìm hiểu các phương pháp trùng tu đền tháp, hiểu hơn cách thức mà người Chăm xưa đã tiến hành xây dựng tháp, vốn là điều bí ẩn lâu nay. Đây cũng là kinh nghiệm quý để các chuyên gia trong nước và quốc tế tham khảo trong quá trình phục dựng, tôn tạo các đền tháp trong Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong thời gian tới, ông Phan Hộ, Trưởng Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết thêm.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Tôn tạo thành công nhiều tháp cổ tại Mỹ Sơn
Tôn tạo thành công nhiều tháp cổ tại Mỹ Sơn

Trưởng ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết: Công tác trùng tu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 1 (2017-2018) đã kết thúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN