PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa thời tiền sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Sơn La của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 2 năm 2009 và 2010, Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật và di rời 15 di tích khảo cổ, khai quật được 11 bộ di cốt cá thể người kèm nhiều vật dụng chôn theo. Các nhà khảo cổ học đánh giá rất cao về tính lịch sử và giá trị của những di vật được tìm thấy trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Công cụ đẽo đá khai quật ở lòng hồ thuỷ điện Sơn La. |
Trong quá trình nghiên cứu và phục dựng lại những di vật cổ xưa được khai quật tại vùng hồ thủy điện Sơn La trước khi hồ ngập nước, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện ra nhiều hiện vật lần đầu tiên tìm thấy tại Sơn La; đặc biệt là ngôi mộ táng số 3 khai quật tại xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai. Đây là ngôi mộ táng cổ với hình dạng người chôn nằm thẳng hai tay xuôi theo thân, bàn tay đặt giữa bụng. Di cốt này còn nguyên vòm sọ, răng và các cấu trúc xương của cơ thể cùng nhiều vật dụng được chôn theo. Theo các nhà nghiên cứu, di cốt được tìm thấy ở vùng hồ thủy điện Sơn La thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, cách đây khoảng 4.000 năm về trước.
Hiện cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Sơn La và các nhà khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam đang tiến hành ghép những mảnh vỡ của các di vật khai quật được ở 2 địa điểm Ha Tọ 1 và Hang Tọ 2, thuộc xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Đồng thời, tiến hành vẽ mô phỏng theo từng hiện vật để hoàn thiện hồ sơ lý lịch chi tiết các cổ vật, giúp cho công tác trưng bày tại Bảo tàng thêm phong phú về lịch sử vùng đất, con người ở Sơn La.