Sau khi tiến hành khảo sát bề ngoài và thực hiện loạt bài phóng sự về di tích núi Rú Thần (xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) - nơi còn lưu lại dấu tích nghi là của một công trường khai thác đá cổ để xây dựng Thành nhà Hồ. Chiều ngày 24/9, trong lúc khảo sát sâu vào bên trong công trường khai thác đá cổ núi Rú Thần (cách di sản thế giới Thành Nhà Hồ khoảng 3,5km), chúng tôi đã phát hiện ra một hang động ngay lưng chừng núi...
Vị trí hang đá mới được phát hiện nằm ở độ cao so với mặt đất khoảng 35 mét.
Cửa hang đá bên ngoài bị bịt kín bởi những viên đá hộc được mài nhẵn vuông vức, có kích thước khoảng 20 - 35 cm, xếp chồng khít lên nhau. Sau khi tiến hành cạy đục và tháo bỏ, đã phát lộ ra một cửa hang có lối dẫn sâu vào bên trong.
Thâm nhập một ngách hang trong núi Rú Thần
Theo quan sát bước đầu của chúng tôi, cửa hang bên ngoài khá hẹp, chỉ đủ cho một người chui vào, tuy nhiên khi vào sâu bên trong thì xuất hiện một vòm hang khá lớn, có diện tích khoảng 20m2, được phân thành 2 tầng riêng biệt. Ngoài ra, còn có rất nhiều các lối hang nhỏ khác.
Đặc biệt, khi tiến hành khảo sát trong hang chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều đồ vật cổ, thể hiện rõ dấu tích ăn ở, sinh hoạt của con người. Các đồ vật chúng tôi tìm thấy gồm có các bình, vò, chum bằng gốm và sứ, bát đĩa, nồi đất... Ngoài ra còn có một vò lớn trong đó có đựng tiền xu và một lưỡi gươm đã bị gỉ sét. Đi sâu vào bên trong chừng 2 mét, chúng tôi phát hiện một số bộ hài cốt, xương còn khá nguyên vẹn. Dưới nền hang là những phiến đá được mài nhẵn và xếp ngay ngắn để làm chỗ ngồi, cạnh đấy là một cái bếp được kê bằng đá vẫn còn vết tích của than tro do đun nấu.
Hầu hết các đồ vật cổ tìm thấy đều đã bị sứt hoặc vỡ, tựa như có sự cố ý tìm cách phá hủy của những người sử dụng nó. Trên một số vò, bình và bát được tìm thấy, có nhiều nét vẽ hoa văn rất đẹp, thể hiện một trình độ tinh xảo trong nghệ thuật làm gốm sứ.
Những hiện vật cổ và xương cốt phát hiện trong lòng hang (nghi là xương người)
Do không có điều kiện để đi sâu hơn vào các lối hang bên trong nên chúng tôi mới chỉ dừng lại ở mức khảo sát bước đầu ở vòm hang bên ngoài.
Về hang đá có cổ vật vừa mới được phát hiện ở núi Rú Thần, một số người dân sống ven khu vực chân núi cho biết có thể do chiến tranh loạn lạc nên người xưa đã tìm cách ẩn nấp và sống ẩn dật trong hang núi. Một số khác thì lại cho rằng, rất có thể hang động có liên quan đến dấu tích công trường khai thác đá cổ, cụ thể: Hang động trên có thể được sử dụng với mục đích ban đầu là để làm nơi nấu ăn, trú tạm của những thợ khai thác đá để xây Thành nhà Hồ, sau khi công việc hoàn thành thì họ phá bỏ tất cả vật dụng và lấp luôn cửa hang. Tuy nhiên, tất cả các ý kiến trên mới chỉ dừng lại ở mức dự đoán.
Tiến sĩ Vũ Thế Long - người đã có nhiều năm công tác trong ngành khảo cổ học, sau khi đã quan sát kỹ các nét hoa văn trên bề mặt một số bình, vò gốm sứ vừa được tìm thấy ở trong hang, phỏng đoán: “Những nét chữ và hoa văn trên các vò gốm sứ cho thấy những cổ vật này có nguồn gốc nước ngoài nhưng có niên đại vào khoảng thế kỷ 15 và trùng với mốc thời gian tồn tại của triều đại nhà Hồ - TG).
Hang động trên được sử dụng vào mục đích gì, các di vật cổ vừa tìm thấy có niên đại bao nhiêu năm... vẫn đang là một câu hỏi lớn. Việc tiến hành khảo sát di chỉ hang động vừa mới được phát hiện nói riêng cũng như tổng thể di tích núi Rú Thần nói chung đang rất cần sự quan tâm và chung tay của các nhà khoa học cũng như các cơ quan chức năng. Và cũng rất có thể qua đó sẽ góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn về quá trình xây dựng Thành nhà Hồ, một kiệt tác kiến trúc vô tiền khoáng hậu vừa được công nhận là di sản thế giới.
Theo TT&VH