Phố Ông Đồ ngày xuân

Ngót nghét chục năm nay, dân Hà Nội quen với cái tên mới của phố Văn Miếu mỗi dịp xuân về - đó là phố “Ông Đồ”, hình thành khoảng 1-2 tuần trước Tết và kéo dài cho tới rằm tháng Giêng. Phố “Ông Đồ” những ngày ấy rực một màu giấy điều, thẫm một màu mực Tàu và tràn một màu của “chữ nghĩa”, chữ nho cũng có, chữ quốc ngữ cũng có…Và đặc biệt,  đông và ngày càng đông, theo năm tháng lại càng đông hơn, gần như đã thành một cái “mốt” là đầu năm đi “xin chữ” (nói xin cho có chút “thanh thoát”, chứ thật ra là mua chữ trăm phần trăm). Nên không thể còn đúng cái hình ảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy. Qua đường không ai hay. Lá vàng rơi trên giấy. Ngoài trời mưa bụi bay” nữa, mà đổi lại, Tết đã thành “mùa làm ăn” cho những ông đồ.


Phố Ông Đồ rực một màu đỏ may mắn.


Phố “Ông Đồ” năm nay vẫn đông y chang như những năm trước, nếu không muốn nói là đông hơn. Có những ông đồ thở than rằng năm nay “sụt giảm” khách, có những chuyện ngày đầu khi phố hình thành và các ông đồ phải vào Hồ Văn nên có phần “bức bí”… nhưng tới những ngày đầu năm, thì mọi chuyện dường như đều qua, mực tàu, giấy dó lại phơi phới bay trên tường Văn Miếu. Ông đồ già, ông đồ trẻ, ông đồ rất trẻ, ông đồ có thâm niên, ông đồ vừa mới vào nghề, ông đồ đắt khách tới mức khách phải trải chiếu ngồi chờ, ông đồ vắng hoe ngồi một mình chơ vơ viết chữ, ông đồ đến chỉ để “thoả thú chơi”, ông đồ rõ ràng coi đây là mùa thu nhập… dù ở trạng thái nào, thì các ông đồ phố Văn Miếu Tết này vẫn “sống được”. 



Ông đồ Dương Đức Thắng đã có 10 cái Tết ở phố Ông Đồ.


Đủ chục năm góp mặt trên phố Ông Đồ, chọn cho mình chiếc áo the xanh và khăn đống, cùng chòm râu bạc để dài và cặp kính lão đeo trễ mũi, ông đồ Dương Đức Thắng thao thiết ngồi… quạt cho bức thư pháp vừa viết xong khô. Rồi thỉnh thoảng, sau cái nhìn chăm chú, ông lại cong ngón út cầm cây bút lông, chấm đẫm vào lọ mực tàu trước mắt, tỉa tót lại chút cho ưng ý. Ông Thắng bảo, năm nay có loại giấy mới này, giấy rất đẹp, dầy dặn, in nền hình rồng và hoa mai, hoa đào, nhưng bù lại viết rất lâu khô, phải dùng quạt mà quạt cả mươi phút mới khô nổi. “Giấy loại gì tôi cũng không rõ lắm, chỉ biết người ta đưa hàng tới thôi, nhưng chắc giấy Việt Nam mình chứ không phải giấy Trung Quốc, mình sản xuất được giấy mà, sao phải đi nhập”, ông Thắng chia sẻ với khách một cách đầy chân chất của một người xem ra có tâm. 



Ông đồ Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ rất được khách "tín nhiệm" nên lều của ông lúc nào cũng đông nườm nượp.


Trong câu chuyện nhẩn nha chờ giấy khô, ông bảo ban đầu năm nay ông cũng ngồi trong khu Hồ Văn đấy, nhưng rồi một thời gian thì lại “nhao” ra, không phải vì chống đối gì chủ trương của thành phố, mà vì rõ ràng trong khu Hồ Văn có những bất cập: Chỉ có 1 cổng cả ra và vào nên rất dễ tắc nghẽn khi khách đông, diện tích trong đó cũng nhỏ hẹp, lại nằm trên con phố một chiều, khách qua đường sang Hồ Văn rất dễ va chạm với xe cộ… Có một lý do nữa ông Thắng bảo, là bởi các ông đồ, dù là "đồ thời hiện đại", vẫn có chút “phóng khoáng” riêng của mình, họ thèm cái không gian rộng thênh thang, thèm cái cảm giác ngồi phố, mà là hè phố, có thể xoãi chân dài ra trên chiếu, viết chữ. Có lẽ, cũng giống như cái hình ảnh của ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên “ Bày mực tàu giấy đỏ. Bên phố đông người qua”.


Năm nay ông Thắng cũng tham gia phố Ông Đồ từ sớm, nếm trải cả cảm giác văng vắng của những ngày giáp Tết, cảm giác đông đúc tới đỉnh điểm của ngày mùng một, cảm giác nườm nượp của những ngày mùng 2, mùng 3. Và sẽ còn tiếp tục “nếm trải” cảm giác phố sẽ “nguội” dần đi từ nay cho tới ngày rằm, khi mà dân mình bắt đầu đi làm, bắt đầu cuốn vào guồng khác, thay vì tìm chữ “An”, chữ “Tâm”, chữ “Tài”… gì gì đó nữa. Ông bảo, nhìn chung cũng túc tắc, ngày nhiều vài chục chữ, ngày ít cũng gần 20 chữ được bán, cũng đủ khoản tiền trang trải. Giá tranh chữ năm nay xem ra không nhúc nhích nhiều, vẫn là 30.000 đồng/ bức nhỏ, 100.000-150.000 đồng/ bức to. Chữ viết trên loại giấy mới mà ông Thắng kể (người viết đồ rằng hơi giống bìa) thì dứt khoát là 150.000 đồng rồi, vì bản thân giấy mua đã đắt. Nó, không phải là giấy điều, giấy dó mong mỏng, viết thấm mực lưu giữ lâu, mà “chuồi chuội” hơn, nhưng hình thức đẹp, nên vì “xu thế xã hội” vẫn được ưa chuộng nhất.


Chữ năm nay, ông Thắng kể, vẫn được xin nhiều nhất chữ “Duyên”, “Tài”, “Lộc”, “Đạt” (thành đạt)… Thường thì những người đến xin chữ đã có sẵn chữ mình muốn rồi, bởi nó thể hiện ước vọng của họ. Nhưng cũng có những người, loay hoay mãi chưa biết tìm chữ gì, thế là những ông đồ sẽ “tư vấn” cho. “Cũng có những người xin chữ rất đặc biệt. Có một khách xin tôi chữ “Tham” (tham vọng), có khách lại đến xin chữ “Khổ”, nói rằng vì khổ quá rồi nên muốn xin chữ ấy để nhìn vào mà phấn đấu cho đỡ khổ đi. Thường thì khách xin chữ gì tôi viết chữ ấy, trừ khi những chữ khách xin u ám quá, bi quan quá thì tôi sẽ khuyên họ nên tìm chữ khác để có niềm tin hơn vào cuộc sống”, ông đồ Thắng chia sẻ.


 

 

Ông đồ Trường Thịnh với những bức thư pháp rực rỡ sắc màu rất được ưa thích.


Phố Ông Đồ năm nay chia ra cũng nhiều “trường phái”. Ông Thắng là một trường phái, cùng với ông có ông đồ Phúc Lâm Chu Văn Thịnh, hay ông đồ Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ; họ viết chữ nho, mực tàu theo lối truyền thống. Nhưng cũng có những ông đồ trẻ như Trường Thịnh. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm nghệ thuật TƯ, đam mê thư pháp, Trường Thịnh chọn chữ quốc ngữ cho những bức thư pháp của mình. Và điều đáng nói, mỗi bức thư pháp của anh đẹp như một bức tranh, đủ màu sắc, những màu rất đậm và nổi bật của mùa xuân. Những bức thư pháp của Trường Thịnh rất được giới trẻ ưa chuộng, bởi lẽ nó có thể thay một tác phẩm tươi sáng trang trí trong nhà. Sự cách điệu, chút “nối xưa với nay” ấy đã mang tới thành công cho ông đồ trẻ.


 

 

Những ông đồ trẻ măng, coi việc viết chữ nơi phố Ông Đồ như một thú chơi đầu xuân.


Và, cũng có những ông đồ, chữ thì viết sẵn, cuộn tròn lại để cả đám trên chiếc chiếu cói, còn bản thân thì ôm cây đàn ghi ta, bập bùng tiếng đàn và nhạc Trịnh cùng bao bạn bè xúm quanh. Khách mua tuỳ tâm bỏ tiền vào chiếc hộp trước mặt, tự chọn lấy một chữ bất kỳ, coi như đó là cái “lộc” năm nay của mình, chứ không phải xin. Mua xong, thích thì có thể ngồi lại, cùng ngâm nga hát. Cũng có những ông đồ, trẻ tới mức mặt còn măng non, nhưng chữ thì đã rất đẹp, ngồi có chút lãng tử trong chiếc áo phông và quần bò, viết chữ như múa, chả có ý định để bán cho ai ngoài cậu bé áo đỏ ngồi cổ vũ trước mặt, cả hai đối lời thật vui trong chút hoài cổ của phiên phố chiều…


Giờ đây phố Ông Đồ lạ thế mà thôi, có chút là thú vui, có chút là “mùa” để có thêm thu nhập, có chút là sự quen không thể không tìm đến, có chút là khát khao tìm tương lai của mình trong những chữ mình xin và treo cả năm trong nhà. Không phải ông đồ nào chữ cũng đẹp đâu, cũng không ít ông đồ dùng ipad để tìm chữ viết cho đúng, có ông đồ rõ là không tên tuổi, coi như một lần tập dượt cho mùa sau. Cũng có những ngổn ngang phố với bãi xe máy gửi chen cùng chỗ ông đồ ngồi, với xúc xích, kẹo, nước chè… nhốn nháo bán, với lều ông đồ xanh đỏ nhiều màu lộn xộn thiếu chút đẹp mắt… Nhưng có gì đâu, đôi khi phải chấp nhận chút chưa thật sự hài lòng, để nghĩ tới cái lớn hơn: Sự trở lại của nét văn hoá truyền thống dân tộc! Và sự trở lại của một tình yêu quá khứ trong giới trẻ hôm nay!


Tuyết Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN