Hội thảo nhằm làm rõ thêm những cứ liệu cho thấy vai trò, tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ, phát huy giá trị, bản sắc vǎn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; góp phần nâng cao nhận thức trong bảo vệ và phát huy giá trị vǎn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Hội thảo cũng nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa cúa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần tích cực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Quảng Bình nói riêng ngày càng phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, trên địa bàn tỉnh có hai dân tộc thiểu số chủ yếu là: Dân tộc Bru - Vân Kiều (thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và dân tôc Chứt (thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng). Các dân tộc thiểu số còn lại như Thổ, Mường... có dân số không nhiều. Địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình thuộc các xã vùng sâu, vùng cao của các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hoá.
Mỗi dân tộc thiểu số ở Quảng Bình có những giá trị vǎn hóa truyền thống đặc sắc riêng bao gồm: ngôn ngữ; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội với hệ thống luật tục, phong tục, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống… cùng với những hiện vật phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc thiểu số trải qua nhiều thế hệ. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số mang nhiều giá trị nhân văn, thẩm mỹ, phản ánh tình yêu thương, khát vọng sống và vươn lên để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, của cộng đồng dân cư cũng như đời sống kinh tế - xã hội của mỗi tộc người; là nguồn sử liệu quan trọng, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản vǎn hóa quý báu của quê hương, đất nước.
Hiện tỉnh Quảng Bình có 3 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là: Lễ hội Đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Thạch, huyên Bố Trạch), Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) và Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy) đã được Bộ Vǎn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thế Quốc gia. Các di sản trên góp phần quảng bá những giá trị vǎn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch cũng như phát triền kinh tế - xã hội tại địa phương.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị vǎn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa của địa phương. Một số loại hình văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền như: các nghi thức lễ hội, các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, nhạc cụ... Ðiều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, các cơ chế chính sách, đội ngũ chuyên gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung chủ yếu về các nhóm giải pháp để bảo tồn, phát huy các vǎn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch như: giải pháp xây dựng, thực hiện các chính sách để huy động, nguồn lực; động viên, tôn vinh những nghệ nhân, nhà nghiên cứu, già làng, trưởng bản, người có uy tín, người nắm giữ tri thức đang bảo tồn thực hành...
Các đại biểu cũng thảo luận và chỉ rõ: chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nhà nghiên cứu, già làng, trưởng bản, người có uy tín, người nắm giữ tri thức trong truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khǎn.