Đa dạng hình thức giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp ở các cấp, ngành, địa phương với hình thức đa dạng, phong phú.  

Cần nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện mới. Nắm chắc tình hình địa bàn để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật sát thực tiễn; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; gắn công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số với việc thực hiện hương ước, quy ước; thực hiện lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật với các nội dung, hoạt động của chương trình, dự án khác đang triển khai tại địa bàn.

Bên cạnh đó, nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng, phong tục, tập quán và canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số để lựa chọn nội dung, hình thức, thời gian tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp từng khu vực, đối tượng; xây dựng và nhân rộng những mô hình điển hình, cách làm hay có hiệu quả thiết thực…

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Đây là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất tại "Hội thảo kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện mới khu vực Đông Bắc năm 2023", diễn ra tại Bắc Giang trong tháng 11/2023.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đúng mức.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đồng bộ, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp ở các cấp, ngành, địa phương với hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu, phong tục, tập quán của khu vực, địa phương cụ thể.

Qua đó, kịp thời thông tin đầy đủ các văn bản có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành chủ trương, đường nối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh nói riêng, và cả nước nói chung, vẫn còn nhiều khó khăn, khá cách biệt so với mặt bằng chung xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm so với các vùng khác trong tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng dân tộc thiểu số cao. Một số vấn đề khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... còn chưa được giải quyết hiệu quả, kịp thời.

Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là do công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Khi đồng bào chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc triển khai các chương trình sẽ gặp khó khăn và không đạt các mục tiêu đề ra.

Tại Bắc Giang, hằng năm, căn cứ tình hình thực tiễn tại mỗi địa phương, Ban Dân tộc phối hợp với ngành Công an, Tư pháp xây dựng Kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể; trong đó ưu tiên lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dân tộc đang được áp dụng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm ưu tiên sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc; Ủy ban Dân tộc ban hành khung tài liệu thống nhất trong toàn quốc, mở các lớp tập huấn về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên Ban Dân tộc các tỉnh.

Đồng Thúy
Du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 
Du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

Mùa Thu nơi vùng cao phía Bắc luôn thu hút khách du lịch tìm đến để khám phá những nét độc đáo riêng có với cảnh quan hùng vĩ mà không kém phần lãnh mạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN