Dù vậy, thực tế chỉ có khoảng 40 di tích, công trình địa điểm thực sự thu hút khách du lịch và là những điểm tham quan được các công ty du lịch lữ hành khai thác, đưa du khách đến tìm hiểu.
Phong phú di sản văn hóa
Theo đánh giá các nhà chuyên môn, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh sở hữu các di tích văn hóa lịch sử mang đậm dấu ấn riêng, phản ánh được quá trình khai phá, xây dựng, đấu tranh của nhiều thế hệ dân cư sinh sống. Các danh mục di tích đã xếp hạng trên địa bàn thành phố tập trung vào các loại hình: Khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và lịch sử; trong đó, loại hình kiến trúc nghệ thuật và lịch sử có tỷ lệ khá cân đối so với di tích khảo cổ. Đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có loại hình danh lam thắng cảnh được xếp hạng.
Ở loại hình di tích khảo cổ, qua quá trình nghiên cứu, khai quật, Thành phố đã phát hiện được khá nhiều địa điểm khảo cổ học. Tính đến năm 2016, thành phố có 2 di tích khảo cổ được công nhận cấp quốc gia là Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) và Lò Gốm cổ Hưng Lợi (quận 8). Bên cạnh đó, thành phố đã phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ như rìu đá, cuốc đá ở khu vực Thảo Cầm Viên (quận 1); Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bảo tàng Thành phố, khu vực quận 2, Chùa Gò (quận 11)…
Ở loại hình di tích kiến trúc – nghệ thuật, lịch sử văn hóa, tại TP Hồ Chí Minh có các công trình kiến trúc phục vụ hoạt động văn hóa của cộng đồng như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các công trình phục vụ đời sống người dân như: Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm… Đối với di tích lịch sử cách mạng, nổi bật nhất là các di tích: Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Mười Tám Thôn Vườn trầu, Bến Nhà Rồng… Ngoài ra, thành phố còn có gần 1.000 ngôi chùa và nhiều ngôi chùa cổ với bề dày lịch sử hơn 100 năm như chùa Linh Sơn cổ tự, Sắc tứ Trường thọ…
Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, với khoảng 32 dân tộc đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự giao thoa và tiếp biến văn hóa của cộng đồng các tộc người trong quá trình di dân đến thành phố đã hình thành nên loại hình di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú và đa dạng. Đáng chú ý là nghệ thuật sân khấu Cải lương, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, nghệ thuật Hát bội và Múa bóng rỗi và các loại hình nghệ thuật dân gian của các dân tộc thiểu số; trong đó nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh còn có các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Lễ hội Nguyên Tiêu của cộng đồng dân tộc Hoa ở quận 5, các nghề thủ công truyền thống tại một số làng nghề như: nghề Thổi thủy tinh, thuộc da Phú Thọ (quận 11), chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây (quận 12); đúc đồng An Hội (quận Gò Vấp); làng mai (quận Thủ Đức)…
Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP Hồ Chí Minh, di sản văn hóa là những giá trị về tinh thần và vật chất mà cha ông ta đã gây dựng nên và tồn tại đến ngày nay. Dựa trên những định nghĩa, quan điểm của thế giới, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì tại TP Hồ Chí Minh cũng vậy, nếu di sản văn hóa vẫn còn tồn tại từ đời này đến đời khác có nghĩa là chúng ta đang có một nền tảng tinh thần cho sự phát triển của xã hội ngày hôm nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, trên cả nước, chỉ có duy nhất TP Hồ Chí Minh,Thủ đô Hà Nội, Cố đô Huế là còn hội tụ đủ điều kiện được bảo tồn như là một di sản đô thị. Đây là tài sản vô giá về mặt tinh thần, nhưng đồng thời cũng là khối tài sản vật chất đồ sộ chứa đựng trong nó nguồn tài lực, vật lực, nhân lực mang hàm lượng trí tuệ cao.
Chưa có quy hoạch tổng thể về di tích, di sản
Các di tích văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú về nội dung, số lượng và có bề dày lịch sử gắn liền với những nét đặc trưng nhất của người dân Nam bộ. Thế nhưng hiện nay, thành phố vẫn chưa khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị di sản này.
Cụ thể, một số di tích trên địa bàn thành phố đã xuống cấp, thậm chí bị xâm hại, điển hình là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Giác Lâm (quận Tân Bình). Đây là ngôi chùa cổ tại thành phố, có lịch sử hình thành hơn 250 năm (xây dựng từ năm 1744), đang lưu giữ 113 pho tượng cổ bằng gỗ mít (từ đầu thế kỷ 18) và những hiện vật quý giá có niên đại nhiều thế kỷ. Nơi đây, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi chùa từng là cơ sở cách mạng, che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ…
Tương tự, tình trạng xâm hại các di tích cũng xảy ra tại di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi (quận 8); di tích quốc gia chùa Phụng Sơn (quận 11)…
Mặt khác, các di tích văn hóa đang hoạt động có hiệu quả, mang lại nguồn thu cho ngân sách TP Hồ Chí Minh là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà… Các di tích này được quan tâm nhiều là do hầu hết nằm ở khu vực trung tâm thành phố. Vì lẽ đó, dẫn đến sự mất cân đối, chênh lệch trong quá trình phát huy giá trị của từng di tích, di sản văn hóa trên địa bàn.
Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Lan, giảng viên khoa Du lịch, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, thành phố còn thiếu chủ động trong công tác bảo tồn và còn trông chờ vào các chính sách của nhà nước. Công tác quy hoạch chậm, việc kiểm tra, giám sát từ các cơ quan cấp trên còn chưa được thường xuyên, nhất là trong việc giám sát chất lượng chuyên môn các công trình bảo tồn còn chưa sâu sát. Mặt khác, tại thành phố, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vẫn chưa được các ngành, các cấp có liên quan phối hợp chặt chẽ và hiệu quả.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Phan Yến Ly, Trưởng Ban Phát triển sản phẩm khối Inbound, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, các di tích văn hóa hiện nay chưa thật sự “sống”, hấp dẫn du khách. Một số điểm tham quan cũng tập trung đầu tư về nội dung và hình thức thể hiện như tại Hội trường Thống Nhất đã hình thành thêm một không gian giới thiệu chuyên đề “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966”; xem phim tư liệu cho du khách tiếp cận... Tuy vậy, một số lễ hội tại các chùa, đình, miếu cũng chỉ được tổ chức trong quy mô nhỏ, thiếu quảng bá hoặc quảng bá không kịp thời để du khách cùng tham gia.
“Thêm vào đó, các công trình có kiến trúc cổ xưa hay thời thuộc địa đa phần đã được sử dụng vào việc khác và không khuyến khích khách tham quan như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhà rường của linh mục Bá Đa Lộc nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục…”, bà Yến Ly chia sẻ.
Mặc dù nguồn tài nguyên di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh là rất đa dạng, thế nhưng Thành phố vẫn chưa có quy hoạch tổng thể và cụ thể với các di tích, di sản văn hóa tương đồng nhằm xác định giá trị, kế hoạch tu bổ, phối hợp khai thác một cách phù hợp. Từ đó dẫn đến công tác quản lý, trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa còn tồn tại một số hạn chế.
Bài 2: Xây dựng di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng