Phát huy giá trị di sản văn hoá cho phát triển du lịch 

Với lợi thế là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, có nhiều bản sắc văn hoá, Quảng Ninh đã và đang khai thác, phát huy giá trị của di sản, di tích để phát triển du lịch, cùng với đó là ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản, di tích.

Chú thích ảnh
Khu vực Khu lưu niệm Bác Hồ tại đảo Cô Tô đón nhiều du khách lới thăm khi du lịch tại huyện đảo này.  Ảnh: TTXVN

Sở hữu nhiều di sản văn hoá quan trọng trong cả nước

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể Thương cảng Vân Đồn và Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (TP Móng Cái).

Như vậy đến thời điểm này, Quảng Ninh sở hữu 8 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Thương cảng Vân Đồn; Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (TP Móng Cái); Danh lam Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long); Di tích lịch sử Bạch Đằng (TP Uông Bí và TX Quảng Yên); Di tích lịch sử Yên Tử (TP Uông Bí và TX Đông Triều); Di tích lịch sử Nhà Trần (TX Đông Triều); Di tích lịch sử đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn); Khu Di tích Hồ Chủ tịch ở đảo Cô Tô (huyện Cô Tô).

Đây đều là những địa danh chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa, thể hiện bản sắc của vùng đất Quảng Ninh và trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch ở trong, ngoài nước.

Không chỉ đón tin vui về di tích quốc gia đặc biệt, Quảng Ninh còn có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, ngày 10/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); Lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) và Lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên).

Như vậy, tính đến nay tỉnh Quảng Ninh có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận trước đó gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng.

Có thể nói, Quảng Ninh có hệ thống di sản, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 632 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, cùng trên 360 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là tài sản vô giá để Quảng Ninh phát huy những giá trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tạo động lực cho phát triển du lịch

Quảng Ninh đã và đang chú trọng dành nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích gắn với khai thác phát triển du lịch, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh đến với người dân và du khách thập phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá và trong bốn nhiệm vụ trọng tâm có nhiệm vụ “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Do đó, để đưa văn hóa thật sự trở thành động lực, là nguồn lực chính của sự phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, trong những năm qua tỉnh đã quan tâm bố trí từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh  trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch…

Với quy hoạch bài bản, cụ thể, Quảng Ninh đã, đang và sẽ khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa cho phát triển du lịch bền vững.

Thu Trang/Báo Tin tức
Quảng Ninh khởi động xuất nhập cảnh qua khu vực cầu Bắc Luân II
Quảng Ninh khởi động xuất nhập cảnh qua khu vực cầu Bắc Luân II

Sáng 29/11, tại khu vực vạch phân quản cầu Bắc Luân II, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) diễn ra lễ khởi động công năng xuất nhập cảnh hành khách qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực cầu Bắc Luân II) thuộc cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN