“Ôi, hoa hậu”

Đêm chung kết cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016” vừa kết thúc ngày 7/8. Đêm chung kết “Hoa hậu Việt Nam 2016” sẽ diễn ra ngày 28/8 tới.

Những tưởng thi hoa hậu là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, đồng thời góp phần tôn vinh những giá trị của người phụ nữ Việt Nam - nhưng xem ra, vui chưa thấy đâu, tốt đẹp chưa được khẳng định; đã thấy toàn chuyện đáng thất vọng về hoa hậu.

Lại scandal

Vừa phải đưa ra quyết định cấm Nguyễn Cao Kỳ Duyên - Hoa hậu Việt Nam 2014 (đương kim Hoa hậu Việt Nam) đồng hành với vòng chung kết cuộc thi, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 11 - 28/8, cũng như gỡ bỏ hoàn toàn hình ảnh của Kỳ Duyên trong các chương trình quảng bá cho cuộc thi từ nay đến đêm chung kết; thì ngày 9/8, BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 lại tiếp tục đau đầu với những “scandal” trước vòng chung kết của mình.

Cụ thể, thí sinh Nguyễn Thị Thành - gương mặt sáng giá và là một tên tuổi “hot” của Hoa hậu Việt Nam 2016, cũng là thành viên đầu tiên của Team Phạm Hương tại “The Face 2016” phải dừng cuộc chơi, đã bất ngờ lên facebook thông báo xin rút khỏi cuộc thi trước thềm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016, nguyên nhân vì có một số “mắc mớ” với BTC. Dư luận rất bất ngờ với việc rút lui này của Nguyễn Thị Thành. “Tôi khá bất ngờ về sự việc đột ngột này. Thành từng là thí sinh Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2015, quê Yên Phong, Bắc Ninh. Tôi từng viết về gia cảnh nghèo khó (bố và em trai bị bệnh về thần kinh) của em và năm đó có mấy nhà thiết kế tự nguyện xin tài trợ cho Thành, có người còn chủ động gửi váy vào Nha Trang cho Thành dù họ không biết nhau. Việc Thành rút tên khỏi cuộc thi là điều vô cùng đáng tiếc”, nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.

Cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016” để lại ấn tượng “không đẹp” trong lòng công chúng vì màn thi ứng xử. Ảnh: TTXVN

Đồng thời với đó, là vụ việc thí sinh Lê Trần Ngọc Trân bị cộng đồng mạng tố thi chui trong cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam Thế giới tại Nhật 2014”. Lê Trần Ngọc Trân được mệnh danh là “Nàng thơ xứ Huế” và được nhiều người đánh giá là thí sinh có gương mặt đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay. Theo tố cáo của cộng đồng mạng, thì Ngọc Trân tham gia cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam Thế giới tại Nhật 2014” và đoạt giải Á hậu; nhưng không được cấp phép vì vậy đã bị tước giải. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu Ngọc Trân bị tố cáo. Trước đó, ở phần thi “Người đẹp Nhân ái” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, Ngọc Trân cũng bị tố "dàn dựng" cảnh nhặt rác để ghi hình. Tuy nhiên sau đó BTC đã lên tiếng khẳng định không có chuyện dàn dựng này.
Hiện tại, BTC chưa lên tiếng về việc rút khỏi cuộc thi của thí sinh Nguyễn Thị Thành, nhưng đã khẳng định có nhận được đơn tố cáo với trường hợp thí sinh Lê Trần Ngọc Trân và đang tiến hành xác minh. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên trước thềm vòng chung kết của cuộc thi hoa hậu, có tình trạng đơn tố cáo được gửi tới BTC hoặc tung lên mạng, chủ yếu “nhắm” vào các thí sinh sáng giá. Dù không biết thực hư ra sao, nhưng việc làm này cũng đã khiến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trở nên kém vui.

Vẫn lại vấp “ứng xử”

Không bị “chê” về nhan sắc của thí sinh, nhưng màn ứng xử trong đêm chung kết cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016” vẫn đang là đề tài nóng của cộng đồng mạng. Như chia sẻ của một facebook: “Quá thất vọng vì chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1, nên có bao nhiêu ngô nghê của các em phơi ra hết”.

Theo đó, trong phần thi ứng xử, các thí sinh của cuộc thi, gồm Trần Thị Thu Ngân, Phạm Thúy Hằng, Võ Quỳnh Giao, Phạm Ngọc Quý... đã có những câu trả lời “dưới cả kỳ vọng” của công chúng. Hoa hậu Trần Thị Thu Ngân, dù có câu trả lời được coi là trơn tru, nhưng cũng không thể hiện được sự sắc sảo lẽ ra phải có của một sinh viên khoa Quản trị khách sạn tại Thụy Sĩ. Với câu hỏi: “Trong thời đại toàn cầu hóa, bạn có thấy cần phải gìn giữ bản sắc văn hóa Việt nữa hay không, tại sao?”, Trần Thị Thu Ngân trả lời: “Bản sắc của một dân tộc, văn hóa của một dân tộc và con người của một dân tộc đó là cái cốt lõi. Dù xưa hay nay, dù hội nhập hay không hội nhập chúng ta cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa đó. Em muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam chúng ta hội nhập chứ không hoà tan”. Dù không ngô nghê, nhưng câu trả lời của Ngân cũng đã sai ở khái niệm “hội nhập chứ không hòa tan” (chính xác là “hòa nhập chứ không hòa tan”).

Còn với thí sinh Phạm Ngọc Quý, người đã từng chinh chiến ở rất nhiều cuộc thi như “Hoa hậu Việt Nam 2014”, giải Bạc “Siêu mẫu Việt Nam 2015”... thì câu trả lời lạc đề của cô còn khiến công chúng thất vọng hơn. Nhận được câu hỏi: “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu sẽ làm gì để không lẫn với hoa hậu các cuộc thi khác?”, Phạm Ngọc Quý đã trả lời: “Theo em, ở bất kỳ cuộc thi hoa hậu nào cũng hướng tới tiêu các tiêu chí: nhân cách, sắc đẹp, trí tuệ, những yếu tố đó ai cũng muốn tới. Theo em, hoa hậu không cần làm bất điều gì khác biệt mà làm những điều gì tốt đẹp cho xã hội”. 

Như chia sẻ của một khán giả: “Mào đầu câu trả lời của Quý rất hay, cộng với thái độ hết sức bình tĩnh và nghiêm túc, hồi hộp chờ sự bùng nổ ở phần trả lời sau, thế mà em ấy làm mình ngã lăn từ trên ghế xuống”.

Công chúng, báo chí thật sự đã tốn nhiều giấy mực cho việc làm thế nào để có những cuộc thi hoa hậu, những hoa hậu xứng đáng là đại diện cho cái đẹp, cho nhan sắc Việt; tuy nhiên xem ra câu chuyện này vẫn còn dài. Và xem ra, cái câu “Ôi hoa hậu” cửa miệng của nhiều người, vẫn sẽ còn phải thốt ra, với tình trạng thi hoa hậu ngày càng tràn lan và sự đăng quang hoa hậu ngày càng trở nên dễ dãi như hiện nay.
PV
Cần có quy chế quản lý hoa hậu sau đăng quang
Cần có quy chế quản lý hoa hậu sau đăng quang

Trước thời điểm đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đang đến gần (28/8), hàng loạt những câu hỏi và thắc mắc của báo giới cũng như công chúng liên quan đến vụ việc đương kim Hoa hậu Kỳ Duyên phì phèo thuốc lá trong quán cà phê mới đây, về việc quản lý hoa hậu sau đăng quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN