Nuôi dưỡng mầm sáng tạo qua các không gian văn hóa sáng tạo

Các không gian văn hóa sáng tạo có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế sáng tạo Việt Nam, nhất là trong việc đóng góp vào “Chiến lược Quốc gia về Phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa tới năm 2020, tầm nhìn 2030”.

Chú thích ảnh
Khán giả tham dự triển lãm "Lạc chốn" của nghệ sỹ Bùi Công Khánh tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Sàn Art

 Từ lâu, chuỗi quán Cà phê Thứ Bảy do nhạc sỹ Dương Thụ thành lập, không chỉ là nơi khách tới thưởng thức các món thức uống. Tại nơi này, nhiều sự kiện chia sẻ kiến thức theo chủ đề nghệ thuật, khoa học và kinh tế... đã được tổ chức.

Heritage Space (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một địa chỉ gần đây được nhiều người yêu nghệ thuật, khoa học... tìm tới như một trong những trung tâm nghệ thuật năng động và trách nhiệm, phát triển tầm nhìn và các nền tảng hỗ trợ sáng tạo, trao đổi tri thức và thưởng ngoạn nghệ thuật cho công chúng thủ đô. Đêm nhạc nhỏ của một ca sĩ trẻ. Triển lãm tranh của nhóm hoạ sĩ đang tìm kiếm một phong cách mới. Những buổi nói chuyện, trao đổi về nghệ thuật, ấn phẩm xuất bản... Các hoạt động này dần thu hút người xem, người nghe ở mọi độ tuổi, tầng lớp khác nhau. 

Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (TP Hồ Chí Minh) - một không gian trưng bày lớn và một phòng nghê thuật tâm huyết, nơi đây thường xuyên tổ chức những triển lãm, các hội thảo, nghệ thuật trực tiếp, tọa đàm và chiếu phim theo nhu cầu của cộng đồng địa phương, hỗ trợ các nghệ sỹ tìm kiếm các nguồn lực, sự công nhận và hỗ trợ. 

Còn có rất nhiều địa chỉ khác: Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại VICAS Art Studio, Không gian văn hóa Mường ở Hòa Bình, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD)...hoặc Hanoi Grapevine, một trang thông tin về chủ yếu về các sự kiện văn hóa và nghệ thuật độc lập, Soi.com.vn, một không gian chia sẻ trực tuyến về văn hóa và nghệ thuật. Matca.vn, một trang web song ngữ Anh-Việt về nhiếp ảnh....  Những mô hình này được gọi chung dưới tên "không gian văn hoá sáng tạo". Đây là một địa điểm, có thật hay trực tuyến, có sứ mệnh giúp những nghệ sỹ và người thực hành cùng hợp tác làm việc, tổ chức những chương trình, hoạt động về văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo đến với công chúng. Tại Việt Nam, phần lớn các không gian văn hóa sáng tạo đều hoạt động độc lập, thường được các nghệ sỹ hoặc người thực hành nghệ thuật và sáng tạo dẫn dắt và quản lý.

Nhìn từ bên ngoài, các không gian sáng tạo có thể là một quán cà phê, phòng tranh, sân khấu ca nhạc, không gian làm việc chung, thư viện, studio, trang web, trường học, khu phức hợp, nơi lưu trú... Nhưng thực chất, các "không gian sáng tạo" thường thực hiện các hoạt động như sản xuất, bán sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo, tổ chức các sự kiện để thúc đẩy sự sáng tạo và tài năng. Triển khai các dự án phát triển cộng đồng, chia sẻ kiến thức và kỹ năng qua tọa đàm, hội thảo, lớp học...  

 

Chú thích ảnh
Phố sách - một không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội. Ảnh: P.L

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 140 không gian văn hóa sáng tạo, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đến Đà Nẵng. Những thành phố khác như Hải Phòng, Huế, Hòa Bình, Gia Lai, Buôn Ma Thuột có ít không gian sáng tạo hơn.

Các không gian ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng… tập trung vào nghệ thuật đương đại và các dịch vụ thời thượng như không gian làm việc chung, vườn ươm doanh nghiệp, công nghệ thông tin và lĩnh vực công nghệ…, trong khi đó, các không gian ở Hòa Bình, Gia Lai, Buôn Ma Thuột chú trọng hơn đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa, duy trì sức sống của ăn hóa trong cộng đồng cũng như khai thác yếu tố văn hóa để phát triển du lịch…

Nhằm giới thiệu mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam, tạo những đối thoại xoay quang vai trò của mạng lưới này trong việc phát triển nền kinh tế sáng tạo Việt Nam, ngày 7/11, tại Hà Nội, Hội đồng Anh, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Vai trò của các không gian văn hóa sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Cà phê sách tại Không gian văn hóa Đông Tây - một không gian văn hóa sáng tạo. Ảnh: sách Đông Tây

Đây là một trong những sự kiện quan trọng của Dự án “Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam” với phần hỗ trợ ngân sách của Liên minh Châu Âu, được Hội đồng Anh phối hợp với các chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2018-2021. Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận về nhiều nội dung như thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp sáng tạo trong Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; bản đồ ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam và vai trò của các không gian sáng tạo trong nền công nghiệp sáng tạo; hợp tác công tư trong nền công nghiệp sáng tạo...

Báo cáo tại hội thảo chỉ ra rằng, Việt Nam đang chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự bùng nổ của thành phần dân số trẻ. Đi cùng với thực tế này là một nền kinh tế sáng tạo bắt đầu phát triển từ những khu vực đô thị hóa nhất của cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Kết quả nghiên cứu của Hội đồng Anh, Đại học Leicester và Hanoi Grapevine về các ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam cho thấy, nền kinh tế sáng tạo Việt Nam là một khái niệm mới tại Việt Nam, nhưng nó hiện đã đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế chung, mang lại việc làm cho 3,8 triệu người.

Các không gian văn hóa sáng tạo này cũng được ghi nhận là có đóng góp một cách tương đối đầy đủ, cả về ngắn hạn lẫn dài hạn. Về ngắn hạn, các không gian văn hóa sáng tạo này có thể làm thay đổi diện mạo của một thành phố (như Đà Nẵng), một cộng đồng vật lý (như Hanoi Creative city) hoặc một cộng đồng trực tuyến (như Hanoi Grapevine). Về dài hạn, có thể nâng cao văn hóa đọc của xã hội nói chung (các đường sách, phố sách), xây dựng một thế hệ nghệ sỹ mới chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp (như trung tâm điện ảnh TPD hoặc không gian đào tạo nghệ thuật Tý Toáy)...

“Chiến lược Quốc gia về Phát triển ngành Công nghiệp văn hóa tới năm 2020, tầm nhìn 2030” của Việt Nam ( nhìn nhận, vai trò của nền công nghiệp văn hóa là một phần không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế quốc gia. Theo đó, một số ngành như quảng cáo, kiến trúc, điện ảnh, trưng bày triển lãm, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, du lịch… đều là những ngành sáng tạo văn hóa, đã mở ra một triển vọng đầy hứng khởi để phát triển và tăng trưởng cho nền công nghiêp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu nhiên và nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng: Hội thảo là kênh quan trọng, thiết thực để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, trao đổi với người điều hành, quản lý các không gian văn hóa sáng tạo, mong muốn thúc đẩy các không gian văn hóa sáng tạo. Hội thảo cũng là cơ hội kết nối không gian văn hóa sáng tạo, đồng thời học hỏi kinh nghiệm các nước châu Âu để vận dụng vào Việt Nam. Với vai trò nuôi dưỡng sáng tạo, đổi mới, các không gian văn hóa sáng tạo là yếu tố then chốt để phát triển công nghiệp sáng tạo nói chung và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam...

Cũng theo bà Hoàng Thị Hoa, phát triển công nghiệp sáng tạo là hoạt động từ sự sáng tạo và kỹ năng, năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải và việc làm qua quá trình khai thác tri thức, là sự kết nối giữa văn hóa và thương mại, công nghệ để tạo ra lợi nhuận, bởi vậy cần tạo ra không gian sáng tạo cho cá nhân hỗ trợ thông qua chính sách giúp người sáng tạo có thể chuyển tải tri thức, công trình của mình tới công chúng.

Phương Hà/Báo Tin tức
Mang không gian văn hóa, du lịch Hà Giang tới Hà Nội
Mang không gian văn hóa, du lịch Hà Giang tới Hà Nội

Tối 2710, tại vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), UBND TP Hà Nội phối hợp UBND tỉnh Hà Giang tổ chức khai mạc Không gian văn hóa, du lịch và giới thiệu sản phẩm Hà Giang. Chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ ba 2017; để hưởng ứng Năm Du lịch bền vững của Liên hợp quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN