Nữ sinh Mỹ thuật làm thơ về Trường Sa

Chỉ trong 2 năm, với tình yêu biển đảo và những người lính hải quân, cô gái trẻ Đoàn Thị Ngọc, sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, đã sáng tác hơn 150 bài thơ về chủ đề này. Nhiều bài thơ đã được phổ nhạc như: Đi ngang qua sóng, Lính đảo ru con, Quê em Trường Sa...

Yêu Trường Sa từ những câu chuyện kể

Chưa từng một lần được đặt chân ra đảo, cũng chưa từng sống cuộc đời lính biển, nhưng Ngọc lại dành tình cảm đặc biệt cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc và những anh lính hải quân. Tình yêu ấy được xây dựng và vun đắp qua những câu chuyện kể, những tâm sự, chia sẻ của người thầy, người bạn là lính đảo mà Ngọc quen biết.

Sinh viên Đoàn Thị Ngọc tặng tập thơ viết tay cho chiến sỹ hải quân chuẩn bị ra Trường Sa.


Ngọc tâm sự: “Trước đây, mình biết rất ít về Trường Sa vì cũng không quá quan tâm tìm hiểu. Nhưng cho đến năm thứ hai đại học, khi tham gia khóa học Quốc phòng, mình được tiếp xúc với thầy Nguyễn Ngọc Sơn. Thầy kể cho mình nghe những câu chuyện về Trường Sa, nơi thầy từng công tác, và chia sẻ về bức thư của vợ thầy. Mình rất xúc động và cảm thấy mình đã quá vô tâm. Mình không hề nghĩ rằng trong thời bình rồi mà những người lính hải quân còn phải chịu khó khăn, thiếu thốn và hi sinh nhiều như vậy”.

Và cũng từ câu chuyện kể của Đại úy Nguyễn Ngọc Sơn, Ngọc đã sáng tác lên bài thơ đầu tiên Gửi cho em. Và bắt đầu từ đó Ngọc làm thơ về Trường Sa và lính biển như một cách bày tỏ tình yêu và sự tri ân sâu sắc.

Bài thơ được Ngọc chia sẻ lên facebook cá nhân, nhờ vậy cô sinh viên mỹ thuật bắt đầu quen và có thêm nhiều người bạn là chiến sỹ. Trong đó, thân thiết nhất, chia sẻ nhiều câu chuyện về Trường Sa với Ngọc nhất là một chiến sỹ công tác ở đảo Sinh Tồn. Qua những lá thư, những cuộc điện thoại trò chuyện với các chiến sỹ hải quân mà Ngọc biết thêm, hiểu thêm về Trường Sa và cuộc sống của người lính đảo.

Ngọc chia sẻ: “Mỗi bài thơ mình viết là một câu chuyện, một tâm sự. Có những câu chuyện đời thường tưởng chừng vụn vặt, nhỏ nhoi, nhưng đối với lính đảo lại là những niềm vui, niềm hi vọng. Có lần, một người anh gọi điện cho mình, giọng hớn hở khoe ngoài đảo có mưa sau hàng tháng trời nắng gắt. Hay chuyện những hạt rau mình gửi ra đã nảy mầm,... Nhiều khi nghe các anh tâm sự mà thương vô cùng, cảm giác thấy mình có lỗi rất nhiều. Có anh kể chuyện lúc ra đảo, con mới sinh được 15 ngày, đến khi hết nhiệm vụ được trở về đất liền, con lại khóc không nhận bố”. Từ những câu chuyện kể đó, Ngọc đã viết lên những bài thơ giàu cảm xúc như: Mưa về trên đảo Sinh Tồn, Đảo khát mưa, Đêm Trường Sa, Tiếng gọi ba,...

Ngọc còn làm thơ như một cách để ghi lại những cảm xúc. Thời gian đầu, chủ yếu Ngọc viết về tình cảm của người vợ, người mẹ, người thân bày tỏ nỗi nhớ, niềm thương mong mỏi với người chồng, người con đang làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa và cũng là sự động viên, cảm thông, tin tưởng của người nơi đất liền với người ngoài đảo. Nhưng dần dần, về sau Ngọc viết về chính tình cảm của mình gửi tới các anh, tình cảm của người em gái hậu phương.

Qua những bài thơ, Ngọc được Trung tá Nguyễn Đức Cung (có 15 năm công tác tại Trường Sa) yêu mến và nhận làm con nuôi. Từ đây, Ngọc được bố nuôi kể cho nghe nhiều câu chuyện về Trường Sa, tình yêu của Ngọc với biển đảo và lính hải quân cứ lớn dần qua những câu chuyện kể.

Mong một lần được đến Trường Sa

Ngọc chia sẻ: “Mình mong ước một ngày nào đó được đặt chân đến Trường Sa để được gặp những con người vẫn thường xuất hiện trong những vần thơ mình viết, để được hiểu thêm về cuộc sống, tâm tình của các anh. Và nhất là, được đọc thơ và hát cho các anh nghe trực tiếp chứ không phải qua điện thoại”.

Ngày 5/11 vừa qua, biết tin Hải quân vùng 4 thay quân và đưa hàng Tết ra Trường Sa, lúc đó Ngọc đang ở Sa Pa, vội vàng về Hà Nội để bắt xe vào Khánh Hòa gửi quà cho những chiến sỹ ra đảo. Do thời gian gấp gáp, không kịp chuẩn bị, trên đường đi Ngọc tranh thủ chép tay 36 bài thơ để gửi tặng các chiến sỹ.

Ngọc kể: “Lúc đó mình chỉ sợ tàu đi mất. May mắn thay, mình vừa kịp tới lúc tàu sắp rời bến. Mình có cơ hội trao tận tay các anh những tập thơ của mình. Nhìn gương mặt xúc động của các anh khi nhận thơ, mình không thể nào quên được. Mình rất hạnh phúc và chắc chắn không bao giờ quên kỷ niệm đó”.

Lần nào có người từ đảo về, các anh cũng gửi cho Ngọc quà, khi là vỏ ốc, lúc là cát san hô,... để đáp lại tình cảm của cô em gái hậu phương đáng yêu. Những món quà ấy được Ngọc hết sức gìn giữ và nâng niu.

Đến nay, Ngọc đã viết được khoảng 150 bài thơ, một số bài được các nhạc sỹ Quỳnh Hợp, Viết Hùng,... phổ nhạc. Ngọc chia sẻ về bài thơ mình tâm đắc nhất là Ai đã đặt tên cho Trường Sa. “Bài thơ đó liệt kê đầy đủ tên của 21 hòn đảo của quần đảo Trường Sa, ngoài ra còn kể được những đặc điểm riêng của một số hòn đảo như Tiên Nữ, An Bang, Sơn Ca, Đá Lát,...” - Ngọc cho biết thêm.

Ngọc đang phối hợp cùng với Nhà xuất bản Thời đại để cho ra mắt tập thơ Ngược Sóng, gồm 60 bài thơ mà Ngọc tâm đắc nhất. “Được mọi người động viên, khích lệ nên sắp tới mình sẽ cho in tập thơ đầu tay để gửi tặng những chiến sỹ đang công tác ngoài đảo. Tên tập thơ ngụ ý tình cảm của người đất liền “ngược sóng” đến với đảo xa, và sự hồi đáp của người đảo xa cũng “ngược sóng” để về tới đất liền. Hy vọng đây sẽ làm món quà tinh thần giúp các anh thêm vững vàng tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương”.

Bài và ảnh: Nguyễn Bình

"Điểm đến của thiên đường biển đảo và di sản thế giới"
"Điểm đến của thiên đường biển đảo và di sản thế giới"

Ngày 15/1, Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã phát động quảng bá, xúc tiến mở đầu cho năm du lịch 2015 tới doanh nghiệp lữ hành Hà Nội

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN