Y tế biển đảo ngày càng được cải thiện

Nếu như trước đây chiến sỹ, ngư dân lao động trên ngư trường biển đảo gặp khó khăn, lo lắng trong việc khám chữa bệnh, đặc biệt là những tai nạn đòi hỏi phải phẫu thuật, thì bây giờ họ đã yên tâm hơn bởi hệ thống y tế tại biển đảo đã dần "thay da, đổi thịt".

Rút ngắn khoảng cách với đất liền

Các kết quả xét nghiệm, hình ảnh Xquang, siêu âm... của bệnh nhân được truyền tải về bệnh viện Quân y 175, các bác sỹ ở đây và bác sỹ ngoài đảo cùng nhau thảo luận chẩn đoán và thống nhất phương pháp điều trị. Những ý kiến tư vấn, chỉ đạo từ Bệnh viện 175 được các bác sỹ của đảo thực hiện ngay trong quá trình phẫu thuật, tạo ra một sự yên tâm, thống nhất và hiệu quả điều trị cao. Nhờ vậy, nhiều ca bệnh không phải chuyển về đất liền, giảm được thời gian nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc biệt là những ca cấp cứu như viêm ruột thừa, đẻ mổ, chấn thương do tai nạn lao động trên ngư trường, các ca bệnh nhân bị ngưng tim, suy hô hấp do thay đổi nhiệt độ dưới hầm tàu cá, sốt xuất huyết bội nhiễm, chảy máu dạ dày...

tNgày 23/8/2014, Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) đã kịp thời triển khai kíp phẫu thuật trực tuyến, hỗ trợ các bác sỹ trên đảo Trường Sa Lớn cứu sống ông Trương Văn Liêm (51 tuổi, ngụ tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), là ngư dân đánh bắt trên tàu BĐ 96587TS, bị viêm ruột thừa có mủ và dịch tràn hoại tử phần thân, khi đang đánh bắt tại ngư trường huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Trong ảnh: Nhóm bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 TP Hồ Chí Minh, do Thiếu tướng, PGS, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn và Đại tá, Tiến sĩ, Bác sỹ Trịnh Văn Thảo phụ trách, đang theo dõi và hướng dẫn kíp phẫu thuật trên đảo Trường Sa Lớn qua màn hình trực tuyến.


Đẻ mổ nghe nói rất đơn giản và bình thường với các bệnh viện ở đất liền nhưng ở tận ngoài đảo xa thì đó không phải là điều đơn giản. Nhất là với một thai phụ có bệnh lý đi kèm, trong khi điều kiện trạm xá xã đảo còn nhiều khó khăn. Nhớ lại một ca sinh “qua cầu truyền hình”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, cái khó cho một cuộc phẫu thuật sản khoa đó là vấn đề gây mê và máu. Phụ nữ dễ bị băng huyết sau sinh. Ca mổ mà chúng tôi phải đối diện là một sản phụ có ngôi thai bất thường, bị u xơ tử cung nên các bác sỹ phải mổ. Chúng tôi đã quyết định gây tê tủy sống trong điều kiện phương tiện của trạm xá có được. Tất cả được kiểm soát bằng cầu truyền hình trực tiếp từ bệnh viện đến phòng mổ bệnh xá Trường Sa. Dù chuẩn bị kỹ, nhưng chúng tôi cũng lo lắng ngay khi đặt mũi kim chọc gây tê tủy sống. May mắn, mọi chuyện êm đẹp cho đến khi tiếng khóc cháu bé vang lên trên màn hình thì toàn bộ sự dồn nén, căn thẳng vì âu lo của chúng tôi được giải tỏa.

Hay vào đầu tháng 6, y bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 kết nối chỉ đạo mổ trực tuyến với bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cho hạ sĩ Trần Văn Giáp bị viêm ruột thừa cấp cách đó một ngày. Khoảng 21 giờ bệnh viện nhận được tin báo từ bệnh xá đảo Trường Sa Lớn và lập tức triển khai ngay đội hình, kết nối chỉ đạo mổ kịp thời. Trong quá trình mổ, thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến, các bác sỹ ở bệnh viện đã phối hợp và chỉ đạo trực tiếp cho các y bác sỹ tại bệnh xá. Sau hơn một tiếng ca mổ đã thực hiện thành công, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết, đó là những ca phẫu thuật có sự phối hợp giữa đất liền và bệnh xá ngoài đảo Trường Sa Lớn thông qua kết nối truyền hình trực tuyến (Telemedicine). Đây được xem là những phương tiện hỗ trợ rất đắc lực và hiệu quả cho việc đảm bảo quân y biển đảo. Nhờ đó, những ca nặng không phải chuyển vào đất liền và giảm rủi ro cho bệnh nhân khi chuyển viện.

Với 17 năm công tác tại các bệnh viện tuyến đảo ở phía tây nam, bác sỹ Trần Văn Thành, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ, so với những năm trước, hiện hệ thống y tế ở ngoài đảo đã được đầu tư tốt hơn cả về trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực. Các thiết bị hiện đại như, máy theo dõi bệnh nhân 6 thông số, máy xét nghiệm sinh hóa, chụp XQuang, thực hiện được tiểu phẫu, trung phẫu... đều được trang bị trên đảo.

Nhờ có sự đầu tư về trang thiết bị, nguồn nhân lực trong suốt thời gian qua bệnh xá ở đảo Trường Sa Lớn đã khám và cấp thuốc điều trị cho hàng ngàn lượt người, cấp cứu, phẫu thuật cho hàng trăm bệnh nhân và vận chuyển về đất liền nhiều ca vượt quá khả năng điều trị. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bệnh viện Quân y 175 đã chỉ đạo y bác sỹ bệnh xá đảo Trường Sa Lớn xử lý 22 trường hợp ngoại khoa, trong đó có 3 ca viêm ruột thừa, còn lại là các vết thương phần mềm của bộ đội và ngư dân trên đảo. Bệnh xá đảo Trường Sa chỉ là một điểm trong hệ thống quân y đảm bảo cho sức khỏe cán bộ, chiến sỹ đang thực thi nhiệm vụ trên quần đảo Trường sa. Ngoài ra còn nhiều điểm khác, cũng được trang bị các phương tiện kĩ thuật hiện đại.

Giúp ngư dân yên tâm bám biển

Bác sỹ Trần Văn Thành chia sẻ, hiện nay, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên đảo, bệnh viện đang phối hợp với nhiều đơn vị để xây dựng một bệnh xá trên đảo Trường Sa Lớn với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn cao và dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2016. Một tuyến đảo độc lập được trang bị y tế tương đối đầy đủ đi kèm với nhân lực, con người được đào tạo bài bản thì đó là sự hậu thuẫn rất lớn cho cán bộ lực lượng vũ trang và nhân dân sống trên đảo yên tâm công tác, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo và giúp ngư dân đánh bắt xa bờ yên tâm hơn.

Giải quyết những yêu cầu cấp thiết trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân ở biển đảo, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án “ Phát triển y tế biển, đảo đến năm 2020”. Theo Bộ Y tế, sau một năm triển khai thực hiện trên toàn tuyến biển, đảo Việt Nam, các cơ sở y tế đã tổ chức cấp cứu cho hơn 1.600 người; khám bệnh cấp thuốc điều trị cho hơn 32.000 lượt người; phẫu thuật cho 758 bệnh nhân; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 13.600 lượt người; tổ chức 5 chuyến bay trực thăng cấp cứu an toàn cho 7 bệnh nhân nặng từ đảo về đất liền. Trong 12 huyện đảo đến nay đã có 11 huyện đảo có cơ sở y tế.

Từ đề án trên, các tỉnh có biển, đảo cũng đang khẩn trương xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho y tế biển đảo. Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch triển khai đề án phát triển y tế vùng biển, đảo trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 với nguồn kinh phí trên 76 tỷ đồng. Tỉnh Khánh Hòa là địa phương có 48 xã, phường, thị trấn trên đất liền tiếp giáp với biển và huyện đảo Trường Sa gồm: thị trấn Trường Sa, hai xã Sinh Tồn, Song Tử Tây. Theo kế hoạch, đến hết năm 2015 với kinh phí hơn 51 tỷ đồng, tỉnh Khánh Hòa ưu tiên đầu tư xây dựng bệnh viện huyện đảo Trường Sa với quy mô 30 giường bệnh, xây dựng trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo tại Bệnh viện Quân y 87 (thành phố Nha Trang), đầu tư cho trung tâm cấp cứu 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển... Trong giai đoạn 2016 - 2020, Khánh Hòa tiếp tục đầu tư hơn 25 tỷ đồng để xây dựng mô hình trợ giúp y tế từ xa (Telemedicine) từ Bệnh viện Quân y 87 đến bệnh viện huyện đảo Trường Sa. Tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế của 100% số tàu vận tải biển, tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế biển. Xây dựng 100% các trạm y tế độc lập đạt bộ tiêu chí về y tế vùng biển, đảo.

Mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe của người dân sống ở các vùng biển đảo đã được cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Theo các bác sỹ, khó khăn nhất cho công tác y tế biển đảo vẫn là thiếu cơ sở vật chất và thiếu nguồn nhân lực. Dù đã có sự chi viện hỗ trợ chuyên môn của bác bác sỹ ở trong đất liền, nhưng đối với những ca khó vẫn phải chuyển vào đất liền và việc vận chuyển còn gặp khó khăn về phương tiện và chi phí cao.

Đan Phương


Giữ vững chủ quyền biển đảo
Giữ vững chủ quyền biển đảo

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; có tiềm năng kinh tế to lớn và đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN