Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; có tiềm năng kinh tế to lớn và đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.Kiên định đấu tranh trong hòa bình, hợp tácSinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời dạy của Bác đã đặt trách nhiệm cho các thế hệ người Việt Nam phải biết chăm lo phát huy lợi thế và bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy lợi thế của đất nước về biển, kết hợp với phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa...”.
Ngư dân huyện Lý Sơn đánh bắt hải sản trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lâm Khánh –TTXVN |
Trong tình hình mới, việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo càng đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ cao hơn. Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là luôn tỉnh táo, bình tĩnh; kiên trì giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nỗ lực cao nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 2014 được đánh giá là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trước hành động gây hấn này, Việt Nam đã huy động lực lượng thực thi pháp luật gồm cảnh sát biển và kiểm ngư áp sát giàn khoan Hải Dương 981, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vị trí thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trên thực địa, biện pháp chủ yếu được lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam sử dụng là tiếp cận, dùng loa tuyên truyền yêu cầu giàn khoan và các lực lượng bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. “Mặc dù các tàu bảo vệ Trung Quốc có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt, song lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam đã kiềm chế nhưng kiên quyết, kiên trì, thực hiện nghiêm đối sách đã đề ra”, ông Thu chia sẻ.
Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Ngày 11/5/2014, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng tại Biển Đông và những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Và lần đầu tiên sau 20 năm, ASEAN đã có một tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông. Hơn 10 ngày sau đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nhận định, “Với việc đấu tranh bằng biện pháp chính nghĩa thông qua con đường ngoại giao, pháp lý, Việt Nam đã cho thế giới thấy rằng chúng ta là một dân tộc yêu hòa bình nhưng khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, Việt Nam kiên quyết đấu tranh để giữ vững và bảo vệ phần máu thịt của mình”.
Ngư dân là cột mốc bảo vệ chủ quyềnCũng theo trung tướng Nguyễn Quốc Thước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đặt ra nhiệm vụ cấp bách không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng và Nhà nước đã ra sức tăng cường tiềm lực cho biển và hải đảo, trong đó có tiềm lực quốc phòng và tiềm lực kinh tế. Đảng ta chủ trương: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”. Đặc biệt, muốn xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện cần tập trung phát triển nghề đánh bắt xa bờ thông qua việc hỗ trợ cho ngư dân.
Hai tàu cảnh sát biển Việt Nam tại cảng Sông Thu (Đà Nẵng), sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN |
Trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, sát cánh cùng lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, ngư dân là lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh giữ gìn và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, ngư dân vẫn hoạt động khai thác bình thường tại các ngư trường truyền thống của mình.
Ngư dân Lê Văn Lễ, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cho biết, Hoàng Sa và Trường Sa là hai ngư trường đánh bắt chính của ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân Đà Nẵng nói riêng. “Mặc dù Trung Quốc có những hành động ngang ngược trên vùng biển Việt Nam và thường xuyên gây khó khăn cản trở nhưng ngư dân chúng tôi không chùn bước bởi bảo vệ được ngư trường không chỉ để cho thế hệ sau này mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia”, ông Lê Văn Lễ nói.
Nhận thức ngư dân là cột mốc sống giữ gìn chủ quyền biển đảo, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ ngư dân yên tâm làm ăn, bám biển dài ngày. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ - CP về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam làm nghề thủy sản. Đồng thời, Nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân (chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là chính sách phù hợp với lòng dân, bởi đầu tư tàu vỏ thép sẽ nâng cao hiệu quả trong hoạt động đánh bắt thủy sản, đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt được, an toàn hơn khi sản xuất trên biển... Hơn nữa, các chính sách này còn động viên ngư dân đánh bắt trên biển, cùng với các lực lượng bảo vệ biển gìn giữ ngư trường, biển đảo của Tổ quốc.
Theo trung tướng Nguyễn Quốc Thước, không chỉ hỗ trợ về vốn hay phương tiện mà muốn ngư dân yên tâm bám biển cần phải có sự bảo vệ và kịp thời có biện pháp hỗ trợ, không để họ lẻ loi, đơn độc chống chọi với các thế lực bên ngoài. Vì thế, ngoài sự hỗ trợ bằng tiền, đóng tàu, ngư cụ hoặc các sự giúp đỡ trên bờ, cần có sự hỗ trợ họ khi đang ở ngoài khơi.