Năm Du lịch Quốc gia Di sản 2012 đã đến gần. Thừa Thiên – Huế, địa phương đăng cai tổ chức khai mạc, với điểm nhấn là Festival Huế (7/4/2012), đang nỗ lực và khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để phục vụ tốt nhất cho du khách.
Tăng cường xã hội hóa
Huế đã qua 4 lần tổ chức Festival. Mỗi kỳ đều ghi lại dấu ấn đậm nét và ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia.
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phó Trưởng Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia 2012 cho biết: Tất cả các lễ hội trong Festival ở Huế đều được xã hội hóa, có những triển lãm về nghệ thuật, đầu tư xây dựng nhà vườn do tư nhân đầu tư khoảng vài ba tỷ đồng. Đó là những cống hiến rất lớn cho cộng đồng. Festival Huế 2012 sẽ có từ 10 - 12 hoạt động được xã hội hóa, trong đó cần đầu tư kinh phí rất lớn.
Màn nghệ thuật múa Bát Dật-nhã nhạc cung đình Huế trong đêm khai mạc Festival Huế 2010. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN
|
Festival đem lại cái lớn nhất là cơ hội để quảng bá du lịch có chiều sâu. Lượng khách du lịch ngày càng gia tăng là thu nhập vô hình. Sự ngưỡng mộ và kính trọng của các quốc gia khác với văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung là niềm vinh dự chung. Tất cả các kỳ Festival đều phải có kinh phí rất lớn và Thừa Thiên - Huế chủ trương tăng tỷ trọng xã hội hóa, giảm bớt ngân sách nhà nước. Là địa bàn chiến lược lâu dài, Thừa Thiên - Huế thu hút hơn 20% lượng khách du lịch của cả nước mỗi năm, đem lại nguồn thu rất lớn và tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Bên cạnh các di tích lịch sử đang được tỉnh quản lý, các lễ hội ở các vùng quê, du lịch biển, đầm phá, làng hoa và các nhà vườn cũng được người dân tình nguyện mở cửa đón du khách. Có thể nói, các kỳ lễ hội là dịp rất tốt để Thừa Thiên - Huế quảng bá các giá trị văn hóa ra bên ngoài. Và đây cũng là điều kiện để Thừa Thiên - Huế phát triển, xứng đáng là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam.
Nơi kết nối, giao lưu giữa các thành phố lớn
Những năm qua, Thừa Thiên - Huế cũng đã đạt được số lượng du khách trên 2 triệu lượt người/năm, gấp đôi số dân địa phương, góp phần nâng tỷ trọng du lịch và dịch vụ lên 45% trong tổng GDP của tỉnh.
Festival Huế 2012 với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn, không chỉ diễn ra ở thành phố Huế mà còn tại nhiều huyện, thị xã trong tỉnh, để người dân cùng được tham gia và hưởng thụ. Đồng thời, tại Festival năm nay, nhiều hội thảo khoa học sẽ được tổ chức để đánh giá lại các giá trị văn hóa và phát huy hiệu quả của các kỳ Festival ở Việt Nam.
Năm 2012 cũng là năm Du lịch Di sản các tỉnh Duyên hải Bắc Trung bộ. Đây là vùng tập trung rất nhiều di sản thế giới và đặc biệt là các di sản quốc gia quan trọng. Sự liên kết giữa các địa phương từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế là rất cần thiết. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế cũng là nơi nối kết, giao lưu giữa vùng Bắc Trung bộ với vùng Nam Trung bộ, nhất là các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, với hơn 30 hoạt động, sự kiện dày đặc để quảng bá những đặc sắc văn hóa.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết: 3 nội dung chính sẽ được tập trung là: phát huy du lịch di sản; tập trung khai thác các lễ hội, nhất là các lễ hội tôn giáo như là lễ Bái đền Huyền Trân, lễ hội Hoa đăng, Lễ Phật đản, lễ hội vùng sông nước đầm phá; du khách với các hoạt động trải nghiệm thực tế.
Để mùa du lịch thành công
Theo ông Ngô Hòa, muốn có Fes tival thành công, phải có địa bàn, có những di sản văn hóa thiên nhiên và nét tinh tế của đời sống con người; cả 3 yếu tố đó đều phải được huy động tối đa. Công tác bảo tồn các di sản văn hóa là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển của Thừa Thiên - Huế. Chính vì vậy, đầu tư của tỉnh tập trung cho việc trùng tu các di tích, vì nếu có trùng tu các di tích thì địa bàn của các Festival mới được mở rộng và tính lịch sử mới được tôn trọng, từ đó phát huy giá trị. Địa phương đã tích cực di chuyển 15 nhà máy lớn nhất ra khỏi khu vực kinh thành Huế để bảo tồn tính nguyên vẹn của các di sản văn hóa.
Được biết, thời gian vừa qua, Huế đã tập trung trùng tu một số công trình như: khu Đại Nội, Bảo tàng cổ vật cung đình, Cung An Định, Văn Thánh, chùa Thiên Mụ cũng chuẩn bị hoàn thành vào cuối năm nay. Sân bay Phú Bài, cảng Chân Mây cũng đã được nâng cấp. Riêng cảng Chân Mây, tháng cao điểm có tới 35 tầu, mỗi tầu có 1500 – 2500 người, cho thấy Huế luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn và khách du lịch đến bằng đường biển ngày càng nhiều hơn.
Lãnh đạo Thừa Thiên – Huế đã cam kết, có đủ khách sạn, nhà nghỉ phục vụ khách tham quan du lịch. Hiện toàn tỉnh có khoảng 11.000 phòng với 20.000 giường. Mỗi kỳ Fes tival, lượng du khách tăng từ 15%-20% và trong 2 năm vừa qua tỉnh cũng tăng lượng phòng tương ứng và nhiều hơn 20%, dự kiến phục vụ khoảng 200.000 lượt du khách đến với Festival 2012.
Tỉnh cũng đã thành lập những đội trật tự, tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả các mặt hàng, dịch vụ, khách sạn... để phục vụ tốt nhất khách du lịch đến với Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là trong dịp diễn ra Festival Huế 2012.
Cảnh Hoài Giáp