Ban quản lý đường sách TP Hồ Chí Minh cho biết, chuỗi hoạt động nhân ngày Ngày gia đình Việt Nam được thiết kế với các nội dung mà các em không chỉ chơi mà còn gặt hái được nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống và hơn hết là gắn kết mối quan hệ gia đình thêm sâu sắc, đầm ấm như chủ đề ngày hội muốn hướng đến.
Ngày gia đình Việt Nam tại đường sách TP Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho con cái và các bậc phụ huynh. |
Theo đó, có các sự kiện giao lưu và trò chuyện như: Trò chuyện chia sẻ về lợi ích của tủ sách gia đình, cách thiết kế một tủ sách gia đình, cách vận dụng tủ sách gia đình như thế nào cho hiệu quả; buổi chia sẻ “Kinh nghiệm gia đình và bạn trẻ đi du học”, chuẩn bị cho bạn trẻ những bước đầu tiên khi sống và học xa nhà (ngày 29/6); chương trình “Bàn cờ khổng lồ” sẽ là sân chơi “đấu trí” đầy thú vị cho các em thiếu nhi thích bộ môn này (diễn ra ngày 30/6); buổi trò chuyện cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung và giới thiệu quyển sách nhạc “100 Bài hát thiếu nhi”, nói về quá trình 3 năm thực hiện cũng như sáng tác 100 ca khúc trong sách, giới thiệu chi tiết từng chủ đề các bài hát trong sách…
Trong hai ngày cuối tuần 1 - 2/7, các em nhỏ cùng gia đình sẽ được tham gia hoạt động nhằm nâng cao tính tự chủ và cách sử dụng tiền của các em thiếu nhi. Đây là một hoạt động đặc biệt trong khuôn khổ câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình do báo Tiếp Thị Gia Đình tổ chức định kì hàng tháng dành cho các gia đình có mong muốn khởi nghiệp.
Trong khi đó, nhằm tăng cường gắn kết các thế hệ trong gia đình nhân ngày gia đình Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng đã thực hiện chương trình “Ông – bà – cháu cùng đến với bảo tàng”.
Nói về chương trình ý nghĩa này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chương trình “Ông – bà – cháu cùng đến với bảo tàng” như một kênh kết nối đa chiều giữa các gia đình, bảo tàng, công chúng và thế hệ ông bà xưa từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thông qua những câu chuyện sinh động tại bảo tàng được ông bà chia sẻ với con cháu, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, từ đó giữa các thế hệ có sự cảm thông, chia sẻ giữa cuộc sống hiện đại.