Sau 2 năm bị trì hoãn vì dịch COVID-19, Lễ hội Quế Văn Yên 2022 được tổ chức trở lại và nằm trong kế hoạch phục hồi, thu hút khách du lịch với các sự kiện, lễ hội văn hóa sau đại dịch của tỉnh Yên Bái.
Lễ hội Quế Văn Yên là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm mục đích đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm Quế Văn Yên đến với bạn bè khắp mọi miền của Tổ quốc; đồng thời bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá độc đáo của người Dao đỏ gắn với cây quế để phục vụ phát triển du lịch. Đây là một lễ hội độc đáo, đặc sắc và riêng có của huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
Theo bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, với chủ đề "Quế Văn Yên - Thương hiệu vươn xa", Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn như: Dâng hương ông Tổ nghề trồng quế tại đình Tháp Cái, xã Viễn Sơn để thể hiện sự tri ân, hướng về khởi nguồn nghề trồng quế ở Văn Yên; Trình diễn "Cùng người Dao xuống phố" với sự tham gia của 555 nghệ nhân và nhân dân người dân tộc Dao trắng, Dao đỏ, Dao tuyển, cùng các dân tộc khác của huyện Văn Yên.
Trong khuôn khổ chương trình còn có hoạt động: Trưng bày "Không gian văn hóa các dân tộc huyện Văn Yên"; Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và quế Văn Yên; Triển lãm ảnh 150 bức ảnh nghệ thuật tiêu biểu về đất và người Yên Bái, trong đó có quế và con người Văn Yên; Hội thảo khoa học "Nâng cao giá trị và thương hiệu quế Văn Yên"; Hội thi chế biến các sản phẩm quế có chủ đề "Tinh hoa miền đất quế"; Cuộc thi "Duyên dáng thiếu nữ vùng quế" và nhiều hoạt động mang sắc màu đặc trưng riêng của đất quế Văn Yên.
Điểm nhấn của Lễ hội Quế Văn Yên trong đêm khai mạc là chương trình văn nghệ đặc sắc, tái hiện lại vùng đất, con người Văn Yên từ khi lập đất, đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ bình yên cho quê hương; sự xuất hiện của cây quế gắn với những tích chuyện linh thiêng, huyền bí gắn liền với bản sắc của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào Dao; sự gắn bó giữa cây quế với mảnh đất và con người nơi đây.
Nằm trong khuân khổ của Lễ hội, hoạt động dâng hương tại đình Tháp Cái, Viễn Sơn - Thờ ông Tổ trồng Quế sẽ diễn ra nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, giúp người dân địa phương cũng như du khách hiểu thêm về quá trình khai khẩn, lập làng bản cũng như sự có mặt và phát triển của cây quế nơi đây. Cùng với đó, là dịp để du khách hiểu thêm về những nét đặc sắc trong các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đỏ bản địa từ Lễ Cấp sắc 12 đèn, chữ viết, hát Páo dung đến múa Rùa, múa Gông…
Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, hiện toàn huyện có trên 80% số hộ trồng và có nguồn thu nhập từ quế; có 86 doanh nghiệp, 29 hợp tác xã và trên 200 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, sản phẩm hàng hóa liên quan tới quế với trên 50 sản phẩm các loại, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.
Với trên 52.000 ha, bình quân mỗi năm, người dân của huyện khai thác trên 5.000 tấn quế vỏ các loại, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế, hơn 50.800 m3 gỗ quế... mang lại doanh thu đạt từ 600 - 800 tỷ đồng. Cây quế đã góp phần đắc lực vào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2021 xuống còn 18% và số hộ cận nghèo là 10,68 % theo tiêu chí mới.
Xác định cây quế tiếp tục là cây trồng mũi nhọn, chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm quế đến bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc. Đồng thời, bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của người Dao đỏ gắn với cây quế để phục vụ phát triển du lịch.
Lễ hội Quế Văn Yên năm 2022 là dịp để địa phương đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc sản quế đến bạn bè trong và ngoài nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước, quốc tế có cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế, thúc đẩy liên doanh, liên kết sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm quế; thu hút các nhà đầu tư chế biến sản phẩm quế tinh, tăng thu nhập cho người dân trồng quế.