Theo thông tin từ gia đình nhạc sỹ Phú Quang, lễ viếng diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) từ 8 giờ đến 8 giờ 45 phút ngày 13/12/2021. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại Công viên Tưởng niệm Thiên Đức (Phù Ninh, Phú Thọ).
Đam mê cháy bỏng với âm nhạc
Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, những ca khúc của nhạc sỹ Phú Quang có một vị trí đặc biệt, bởi rất nhiều bài hát của ông như là một phần kỷ niệm của nhiều người, luôn gợi đến vùng ký ức êm đềm, hoài niệm đẹp đẽ trong cuộc đời.
Những ai đã từng nghe nhạc Phú Quang, đều không thể cưỡng lại để rồi yêu nhạc của ông đến kỳ lạ. Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Mỗi khi nghe những bản tình ca ấy, người nghe sẽ không khó để cảm nhận được, ông viết tình ca từ những rung động, xúc cảm chân thực từ tình yêu và cả những mơ mộng, khát vọng… của ông.
Chẳng hạn, khi nghe ca khúc “Mơ về nơi xa lắm” ta sẽ cảm nhận được sự cô đơn, nỗi khát khao mong được gặp người thương của ông. Hay trong “Điều giản dị”, người nghe cảm nhận được tình yêu sâu sắc của ông bởi “càng xa em, ta càng thấy yêu em”.
Nhạc của Phú Quang sâu lắng về giai điệu, sâu sắc về ca từ và có nhiều màu sắc khác nhau, khi nồng nàn, dữ dội, khi đằm thắm, dịu dàng và sâu thẳm, khi lại tinh tế, nhẹ nhàng… Trong các tác phẩm của ông có đầy đủ tính văn học và hội họa. Ngoài chất trữ tình, âm nhạc của Phú Quang tựa như một người bạn thủ thỉ tâm tình, kể chuyện với màu sắc tự sự, làm người nghe tìm thấy mình. Đặc biệt, với những người phụ nữ, mỗi khi nghe nhạc Phú Quang, họ dường như thấy được những vui buồn, trắc ẩn, mất mát… của chính cuộc đời mình.
Ai đã từng nghe Phú Quang hát trên sân khấu Nhà hát Lớn (Hà Nội), sẽ cảm nhận được niềm đam mê cháy bỏng của ông với âm nhạc, bởi khi đó, ông hát như “rút ruột” trong từng ca khúc.
Nhạc sỹ Phú Quang có “biệt tài” phổ nhạc cho nhiều bài thơ và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Có thể kể đến “Em ơi Hà Nội phố” phổ thơ Phan Vũ, “Đâu phải bởi mùa thu” phổ thơ Giáng Vân, “Nỗi nhớ mùa đông” thơ Thảo Phương; “Hà Nội ngày trở về” thơ Thanh Tùng; “Lãng đãng chiều đông Hà Nội” thơ Tạ Quốc Chương; “Một dại khờ một tôi” thơ Nguyễn Trọng Tạo…
Khi nhắc đến những tác phẩm phổ thơ của mình, nhạc sỹ Phú Quang chia sẻ, ông rất thích văn chương, bởi ông thấy đời sống văn học rất sâu sắc. Vì vậy, mỗi khi đọc được một bài thơ hay, ông thường đắm chìm rất lâu trong đó. Đôi khi từ một vài câu thơ hoặc một vài tứ thơ hay đã tạo cảm xúc cho ông, rồi ông thêm ca từ, thêm vào đó câu chuyện của riêng mình để rồi cho ra đời những bản tình ca...
Theo Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, cách phổ thơ của Phú Quang nhìn chung không nệ vào lời thơ mà phụ thuộc vào cảm xúc của ông khi tiếp cận nó. Cho nên, có bài tỷ lệ câu thơ vào lời ca khá cao, cũng có bài chỉ một vài câu, có bài thì chỉ một ý thơ… nhưng dù chỉ là một ý thơ được đọc và những giai điệu nhảy múa trong tâm hồn thì khi hoàn thành tác phẩm, ông vẫn không quên tác giả của ý thơ đã giúp mình có thêm một ca khúc mới. Cũng vì cách phổ này mà Phú Quang vẫn giữ được cái chất riêng trong âm nhạc - hễ vang lên người ta sẽ biết ngay đó là Phú Quang.
Nhạc sỹ của Hà Nội
Nhạc sỹ Phú Quang quê gốc ở Hà Nội, dành một tình yêu đặc biệt với Hà Nội. Đã có quãng thời gian ông rời Hà Nội để vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp nhưng rồi ông vẫn trở về, không chỉ trong đời thường mà cả trong âm nhạc. Và những ai yêu Hà Nội, không thể không yêu nhạc Phú Quang.
Không phải ngẫu nhiên mà Phú Quang được mệnh danh là “Nhạc sỹ của Hà Nội”, bởi ông đã sáng tác rất nhiều bài về Hà Nội, trong kho tàng trên 600 bài hát của ông, nhiều bài hát mang đậm dấu ấn, phong vị Hà thành.
Nhắc đến nhạc sỹ Phú Quang, người yêu nhạc hẳn không thể quên những bài tình ca về Hà Nội như: "Em ơi Hà Nội phố", "Im lặng đêm Hà Nội", "Hà Nội ngày trở về", "Chiều phủ Tây Hồ", “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”…
Từ trong các ca khúc của Phú Quang, người nghe sẽ thấy một Hà Nội đẹp đến lạ kỳ. Đó là một Hà Nội “ngây ngất nắng”, một Hà Nội “run run heo may”, một Hà Nội với ánh trăng lạnh mờ sương. Hà Nội trong nhạc Phú Quang còn là Hà Nội với những mái nhà cổ thánh thót tiếng dương cầm, là hàng phố cũ rêu phong, với tháp cổ mặc trầm, là một Hà Nội với mùi hoa hoàng lan, mùi hoa sữa… Những hình ảnh Hà Nội trữ tình, yên bình, lịch lãm và đầy lãng mạn ấy được Phú Quang thể hiện bằng những giai điệu cuốn hút, khiến cho người nghe có cảm giác mình đang rong ruổi trên từng con phố Hà Nội và được cảm nhận về một Thủ đô gần gũi, thân thiết, sâu lắng, tràn đầy trong ký ức và vô cùng đặc biệt với những ai đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Những giai điệu đẹp trong các ca khúc của ông làm xao xuyến cả những người chưa từng đến Hà Nội.
Sinh thời, nhạc sỹ Phú Quang từng chia sẻ, ông viết nhiều về Hà Nội vì một lẽ rất đơn giản, bởi đây là quê hương của ông. Và vì thế, viết về Hà Nội là bổn phận của ông. Ông viết để trả nợ cho mảnh đất quê hương, nơi ông đã lớn lên, nơi có căn nhà của cha mẹ ông đã đổ sập sau những trận bom B52, nơi ông đã ra đi, đã đau đáu nhớ thương và trở về… Bởi thế, nhạc của ông là những bài hát cất lên từ tình yêu chân thành, thiêng liêng với Hà Nội. Công chúng đến với nhạc của ông cũng từ một tình yêu Hà Nội chân thật, sâu đậm…
Với tình yêu ông đã dành cho Hà Nội cả trong cuộc sống và trong âm nhạc, nhạc sỹ Phú Quang đã được trao Giải thưởng Lớn của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020.
Những ngày này, trên các trang mạng cá nhân của các ca sỹ, nhạc sỹ và những người yêu nhạc đều tràn ngập các dòng trạng thái tưởng niệm nhạc sỹ Phú Quang. Ca sỹ Tùng Dương viết: "Vĩnh biệt nhạc sỹ Phú Quang - người đã hoàn thiện bức tranh đẹp, thâm trầm của Hà Nội bằng thi ca và âm nhạc. Người đã đi trọn sứ mệnh nghệ thuật của mình. Người nghệ sỹ không còn lang thang hoài trên phố nữa mà đã dạo chơi ở một cảnh giới khác"…
Ca sỹ Thanh Lam viết lời tiễn biệt nhạc sỹ bằng hai câu hát của ca khúc “Trong miền ký ức”: "Xa xa trong miền ký ức có lẽ một dòng sông. Xa xa đôi bờ dốc nắng mênh mang một chiều đông" cùng dòng chia sẻ tâm trạng: "Cháu nhớ những đêm hát chú cháu bên nhau. Chú đã để lại biết bao bản tình ca Hà Nôi sẽ mãi trường tồn".
Nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ, ông rất buồn khi nghe tin nhạc sỹ Phú Quang qua đời. Theo ông, nhạc sỹ Phú Quang là một con người tài năng, cá tính, ông rất trân trọng những sáng tác của nhạc sỹ Phú Quang và tin rằng, những tác phẩm của nhạc sỹ Phú Quang sẽ sống mãi trong lòng công chúng...
Rất nhiều câu chuyện, rất nhiều kỷ niệm về nhạc sỹ Phú Quang đã được chia sẻ đến công chúng trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng cá nhân. Không chỉ giới văn nghệ sỹ, mà rất nhiều công chúng, những người biết và yêu nhạc Phú Quang cũng bày tỏ sự nuối tiếc khi hay tin ông đã rời cõi tạm.
Vĩnh biệt ông, người nhạc sỹ tài hoa với những bản tình ca đẹp bất tận về Hà Nội trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam!