Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo: Tấm chân tình với cô gái mồ côi

Trong một chuyến về biểu diễn ở vùng quê Tràng Duệ (nay là Tràng An, Bình Lục, Hà Nam), nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (Tác giả của những bài hát nổi tiếng cho thiếu nhi: Bàn tay mẹ, Em đi giữa biển vàng, Đi học - ba ca khúc được tuyển chọn trong tổng số 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ VN, Đài Tiếng nói VN, Đài truyền hình VN tổ chức năm 2000) đã gặp được một nửa của đời mình.


Chỉ hơn một tháng sau đó, đám cưới của chàng trai 24 tuổi giỏi đàn hát với cô gái mồ côi vừa tròn 17 tuổi đã được tổ chức. Trong ký ức của mình, dù ông đi công tác liên miên, việc nhà một tay bà lo liệu, nhưng vợ của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, bà Ngô Thị Hải, bảo rằng bà đã thật sự may mắn khi gặp ông. Tình yêu thời của ông bà không như bây giờ, mọi thứ đều đơn giản nhưng ông bà lại gắn bó với nhau không rời…


Gia đình của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo hiện ở thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên, Hà Nam).

Bà Ngô Thị Hải, vợ cố nhạc sĩ Bùi Đình Thảo.


Theo lời kể của bà Hải (năm nay bà Hải 76 tuổi), nhạc sĩ Bùi Đình Thảo tên thật là Đặng Đức Ngao. Mẹ ông có hai đời chồng, đời chồng trước của bà họ Bùi, còn thân sinh ra ông họ Đặng. Người chồng trước của mẹ ông quê ở Duy Tiên, sinh được ba người con trai, chồng mất, bà đi bước nữa, sinh được một trai là ông và một gái (đã mất). Bố ông cũng đã có một đời vợ, sinh được 6 chị gái nhưng nay cũng đã mất hết. Bố ông quê ở Hành Thiện (Nam Định) tới làm ăn sinh sống ở phố Đồng Văn (nay là thị trấn Đồng Văn) làm nghề buôn bán rượu, gặp mẹ ông, thấy người đàn bà dáng vẻ phốp pháp, sinh toàn con trai nên hỏi làm vợ. Khi mẹ ông sinh con trai đầu, bố ông mừng lắm, đặt tên là Đặng Đức Ngao. Ngày xưa, các cụ quan niệm rằng, đặt tên cho con nên chọn tên xấu thì sẽ dễ nuôi, ông có tên Ngao là vì vậy. Còn cái tên Bùi Đình Thảo về sau này đặt cho ông để ông và các anh cùng mẹ khác cha của mình thêm tình thân thiết. Vì thế ông có hai tên và mang cả hai họ. Tuy nhiên, sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với cái tên Bùi Đình Thảo mà ít người biết đến họ tên thật của ông.

Dù ông đi công tác liên miên, việc nhà một tay bà lo liệu, nhưng vợ của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, bà Ngô Thị Hải, bảo rằng bà đã thật sự may mắn khi gặp ông. Tình yêu thời của ông bà không như bây giờ, mọi thứ đều đơn giản nhưng ông bà lại gắn bó với nhau không rời…


Gia đình ông làm nghề buôn bán nhỏ, cuộc sống bình thường, ông bà bố mẹ chẳng ai biết đến một nốt nhạc, vậy mà ông lại mê cái nghề ấy, thích đàn hát rồi sáng tác. 19 tuổi ông đã vác đàn đi làm tuyên truyền văn hóa văn nghệ trong vùng địch hậu của Hà Nam. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ông phụ trách công tác văn nghệ của Ty Văn hóa Hà Nam. 25 tuổi đã sáng tác tác phẩm đầu tay… Nhưng cũng chính bởi mê đàn hát, hay đi làm phong trào, biểu diễn văn nghệ mà ông đã gặp vợ mình.


Đời nghèo nhưng hạnh phúc


“Ngày xưa nào có yêu đương như bây giờ. Ông Thảo khi ấy trong đội văn nghệ của tỉnh về Tràng Duệ biểu diễn văn nghệ thì anh họ tôi làm ở ủy ban tỉnh dẫn tới mai mối. Anh họ tôi bảo, xem hai đứa có hợp nhau thì lấy”, bà Hải kể. Trước đó, bà chẳng biết gì về ông, lần gặp đầu tiên cũng là lần đầu bà được nghe ông đàn, hát. Ông biểu diễn văn nghệ vài đêm ở quê bà, mỗi đêm hát một bài, những đêm ấy bà đều đi xem cả. Bà cũng chỉ biết về ông có thế. Còn ông Thảo, khi gặp người con gái 17 tuổi, ông đã cảm mến, thương cô gái nghèo mồ côi nhưng đảm đang, đầy nghị lực. Bố mẹ bà Hải mất từ lúc bà mới chập chững biết đi. Khi bố mẹ mất, Hải ở với chị gái cả nhưng khi chị gái đi thoát li, Hải sống một mình. Nhà có bốn sào ruộng, cô tự cấy hái, sinh sống qua ngày trong sự cưu mang của người thân, làng xóm. Sau lần gặp ấy, chỉ hơn một tháng sau, ông bà đã cưới nhau. Đám cưới tổ chức vào mồng 5 Tết năm 1954, trước khi miền Bắc giải phóng vài tháng.


Cuộc sống của ông bà khi ấy dù nghèo nhưng rất hạnh phúc. Ông đi công tác liên miên, chỉ cuối tuần mới về, mình bà ở nhà bươn chải nuôi bốn đứa con và chăm sóc mẹ chồng. Chẳng biết tiền lương của chồng được bao nhiêu, nhuận bút ngày xưa cũng ít ỏi; bà chỉ nói với ông, ông cứ lo việc của mình đi, việc nhà đã có bà. Bà làm đủ mọi việc, gắn mình với cái quán nước xập xệ ven đường một đi qua thị trấn Đồng Văn. Nhưng bà biết, ông rất thương mình, biết được sự tảo tần, công lao của vợ với gia đình, con cái.


Còn ông, những việc ông có thể làm cho vợ, ấy là thỉnh thoảng đưa bà đi xem văn nghệ, dù xa dù gần. Những lần đi công tác về, ông đem cho vợ con khi thì vài cân gạo quê, chai nước mắm, lúc thì ít cá khô hay đơn giản là túi khoai lang… mà trong khi đi thực tế sáng tác hay dàn dựng chương trình cho cơ sở người ta biếu hoặc trả thù lao thay tiền cho ông. Khi con cái lớn, bà có nói với ông rằng, hãy để các con theo nghiệp sáng tác của ông, ông chỉ nhẹ nhàng nói với bà, việc đó không được, cái nghề của ông cũng là cái nghiệp, ai theo nó phải có năng khiếu chứ không phải cứ muốn là được. Bà cho là phải và quả thật bốn người con của ông bà chẳng ai theo được nghề của bố. Các con ông, người hiện làm ảnh, người làm thợ may, chỉ duy nhất cô con gái cả theo ngành văn hóa (nay cũng đã về hưu) là ít nhiều dính dáng đến ngành dọc của cha mình.


Nói đến sự nghiệp sáng tác của ông, bà cũng không hề giấu giếm rằng mình chẳng biết gì mấy. Những bài hát nổi tiếng viết cho thiếu nhi đã trở nên quen thuộc: “Bàn tay mẹ bế chúng con/bàn tay mẹ chăm chúng con/cơm con ăn tay mẹ nấu/nước con uống tay mẹ đun/trời nóng bức gió từ tay mẹ, con ngủ ngon/trời giá rét cũng từ tay mẹ, ủ ấm con/bàn tay mẹ vì chúng con/từ tay mẹ con lớn khôn” (Bàn tay mẹ, nhạc Bùi Đình Thảo-thơ Tạ Hữu Yên); “Hương rừng thơm đồi vắng/nước suối trong thầm thì/cọ xòe ô che nắng/thơm mát đường em đi/hôm qua em đến trường, mẹ dắt tay từng bước/hôm nay mẹ lên nương, một mình em tới lớp…”(Đi học, nhạc Bùi Đình Thảo; thơ Minh Chính-Bùi Đình Thảo)…; khi nhắc đến bà mỉm cười bảo, thì cũng nghe người ta hát nhiều và cũng chỉ biết có thế, còn ông sáng tác những ca khúc này như thế nào thì bà chịu. Bà chỉ biết, ông làm việc say sưa lắm, có những đêm chợt nghĩ ra gì đó, ông lại ngồi dậy làm việc cho tới sáng. Những tài liệu, sách vở, giấy tờ liên quan đến việc sáng tác của ông, sau khi ông mất, bà chỉ giữ lại những gì thật cần thiết, hiện số tài liệu ấy bà cũng để ở nhà cô con gái cách đấy chừng hai cây số và bà nói, bà cũng chẳng nhớ tên cuốn sách nào của ông, vì bà “chẳng khi nào đọc cả”.


Nhưng cũng giống như ông, bà thương yêu hết lòng người kết tóc xe tơ với mình. Chưa khi nào bà đòi hỏi gì ở ông. Cuộc đời bà, mồ côi từ bé, có một mái ấm, có một người chồng thương và hiểu hoàn cảnh của mình, thế là hạnh phúc. Bà bảo, ông sống giản dị, ăn uống thế nào cũng được, quần áo chẳng cầu kỳ gì. Về nhà thì không nói làm gì, đi công tác cả tuần, ở nhà công vụ ông tự nấu ăn lấy, bận quá thì cơm bụi. Ông hay hút thuốc lá, những khi làm việc căng thẳng, ông đốt thuốc liên tục, ngón tay cầm thuốc bị ám khói vàng sậm đi. Ông mất cũng do thuốc lá mà ra, ông bị tràn dịch màng phổi. Cả cuộc đời, ông hết mình cho công việc, khi về hưu rồi, ông vẫn sáng tác cho tới lúc mất (nhạc sĩ Bùi Đình Thảo mất khi 67 tuổi). Bà thương ông chưa có ngày nhàn nhã, lúc ông mất bà cũng không được gặp, chẳng nói với ông được gì. “Ngày trước cuộc sống khó khăn, ông ấy cho đến lúc mất vẫn đi cái xe Simson cũ rích. Chính trên cái xe ấy mà ông ấy đưa tôi đi xem văn nghệ ở khắp nơi vì tôi say xe không đi được ô tô. Bây giờ cuộc sống khá lên thì ông ấy mất rồi”, bà nói với tôi mà như nói với chính lòng mình vậy.

 

Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN