Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viết trên đôi cánh giấc mơ

Nối tiếp thành công những trang viết về đề tài miền núi, mới đây Đỗ Bích Thúy đã giới thiệu đến độc giả hai cuốn sách mới: tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” và tản văn “Đến độ hoa vàng” vào ngày 15/6 vừa qua tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Một lần nữa, Đỗ Bích Thúy lại dẫn dụ người đọc về với miền sơn cước vốn quen mà lạ, chan chứa yêu thương.


Mảnh đất nơi về


Đỗ Bích Thúy quê gốc ở Nam Định, được sinh ra và lớn lên ở Hà Giang nên vốn trong chị cũng đã mang một chút “không khí” núi rừng. Cộng thêm bốn năm làm báo ở Hà Giang, được đi và đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc, lại thêm năng khiếu cảm nhận văn chương nên chuyện chị viết về đề tài miền núi cũng là điều dễ hiểu. Cũng bởi vậy mà đọc Đỗ Bích Thúy dễ lầm tưởng chị là nhà văn người Mông hoặc người Tày bởi đặc trưng văn hóa trong từng câu chuyện chị kể rất đặc sắc, tinh tế mà chỉ người con được rừng núi sinh ra mới viết được như thế.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy


Đỗ Bích Thúy bén duyên văn chương từ cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1988 – 1989 với chùm truyện ngắn “Sau những mùa trăng” – “Ngải đắng ở trên núi” – “Đêm cá nổi”. Tiếp sau đó, những tập truyện như “Sau những mùa trăng”, “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”, “Ký ức đôi guốc đỏ”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” càng khẳng định nét riêng độc đáo của chị khi viết về vùng cao. Đó là một Tây Bắc hiện đại tràn đầy sức sống mà vẫn huyền diệu, bí ẩn khác với vẻ hoang sơ mà Tô Hoài đã từng viết. Chị viết khác các nhà văn có xuất thân là người dân tộc, bởi họ viết về miền núi là viết về chính họ, về những cái đã tồn tại, ăn sâu vào văn hóa của họ bao đời nay. Còn chị là người miền xuôi nhưng sinh ra và sống giữa những người miền núi, thế nên chị viết về vùng cao trong tâm thế của một người đi xa vừa thấy nhớ, vừa thấy đặc sắc, thấy lạ… Bởi thế, như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Nhờ đắm mình trong đời sống, hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách từ cảnh sắc, phong tục, tập quán, đến đời sống tính cách, tâm hồn và văn hóa của người dân vùng cao, với con mắt của người dưới xuôi, chị phát hiện được nhiều vẻ đẹp mà có khi chính người vùng cao không nhìn ra được…”. Và, cũng như những cảm nhận khi đọc văn của Đỗ Bích Thúy, mảnh đất ấy chính là “Nơi về” của chị theo đúng nghĩa.

Bìa hai cuốn sách mới: tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” và tản văn “Đến độ hoa vàng” của nhà văn Đỗ Bích Thúy.


Hai tập sách mới của Đỗ Bích Thúy cũng là một cách trở lại với đề tài quen thuộc này. Dù theo năm tháng, thời gian và sự trải nghiệm, giờ đây cách viết của Đỗ Bích Thúy đã “tươi tắn hơn, đa dạng hơn và điêu luyện hơn” như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa. “Đàn bà đẹp” là tuyển tập gồm 11 truyện ngắn, vẫn dựa trên chất liệu cũ, giọng văn trong trẻo, buốt nhói nhưng chị cho rằng đó không phải là “giải pháp an toàn” cho tác phẩm cũng như chị không sợ mình cũ kỹ, lặp lại bản thân. Với chị, quan trọng nhất là tác phẩm có sống lâu trong lòng độc giả hay không, bởi lẽ, người đọc rất tinh, chỉ đọc vài trang, họ sẽ biết ngay là nhà văn viết với mục đích gì.


Khát vọng người phụ nữ


Ngoài những cảnh thiên nhiên vùng cao, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số… thì những nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy cũng gây ấn tượng mạnh đối với độc giả. Các nhân vật trong truyện hầu hết đều có nguyên mẫu ngoài đời. Từ một chi tiết nhỏ đã có thể hình dung về nhân vật rất sống động, cụ thể. Dường như trên trang sách hiện hình rõ nét cả đôi mắt, gò má, khuôn mặt của nhân vật, cả nơi họ đứng ngồi, cả chỗ đặt bếp, nơi treo ngô… Tất cả đều hiện lên rõ ràng, chân thực.


Không chỉ riêng trong cuốn “Đàn bà đẹp” mà hầu hết trong các sáng tác của Đỗ Bích Thúy, nhân vật người phụ nữ vùng cao luôn hiện lên nổi bật và gây ám ảnh đối với độc giả. Có thể nói chị dành nhiều tâm huyết đối với hệ thống nhân vật này. Chị đã từng chia sẻ rằng “chưa thấy ở đâu mà người phụ nữ lại chịu nhiều thiệt thòi như ở miền núi”. Hình ảnh người phụ nữ như viên đá kê cột nhà hết đời này qua đời khác mà nhiều người rất thích trong tác phẩm của chị là biểu trưng cho số phận của người đàn bà rẻo cao. Người đàn bà khi bước chân vào nhà chồng là không còn nghĩ đến mình nữa, đến cái tên riêng cũng mất, chiếc váy hoa cũng chẳng còn mặc lại bao giờ. Suốt năm, suốt đời họ phục vụ chồng con nhưng ở sâu thẳm tâm hồn vẫn le lói khát vọng sống. Dựng lên hình ảnh người đàn bà miền núi với cuộc sống bị đè nén, với khát vọng nhỏ nhoi là mục đích của chị.


Đọc tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” nhận ra một điều, chị đã không chỉ viết và viết hay về miền núi cao mà đề tài đã có sự dịch chuyển, không gian sống cũng dịch chuyển, với đời sống đô thị, không gian thị thành (các truyện ngắn như: “Đàn bà đẹp”, “Trong đám đông có một ánh mắt”, “Chiếc hộp khảm trai”). Đó không phải là sự thử thách, cũng không phải một “thực đơn mới” chị muốn mang đến cho độc giả mà chị đang viết về nơi đã gắn bó với mình suốt 16 năm qua, đã mang đến cho chị mọi vui buồn, chứng kiến chị đổi thay. Hà Nội đang dần gắn bó với tâm hồn u buồn chầm chậm của chị như những thanh vọng sau bờ rào đá ngày nào.


Trên đôi cánh giấc mơ


Khác với tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp”, đọc tập tản văn “Đến độ hoa vàng” có cảm giác nó gần gũi với đời sống tâm hồn của tác giả nhiều hơn. Như chị đã từng chia sẻ: “Tản văn của tôi khác với truyện ngắn ở chỗ: với truyện ngắn thì yếu tố hư cấu chiếm lĩnh, với tản văn thì yếu tố chân thực chiếm lĩnh. Hai cái này không làm thay việc cho nhau. Có những điều chỉ tản văn mới chuyển tải được, nhưng có những điều phải dùng truyện ngắn mới giải quyết được”. Cũng như truyện ngắn, tản văn của chị dẫn bạn đọc đến với không gian văn hóa miền núi với những cánh rừng, dòng sông ngập tràn hương sắc của mận, trám…. “Cái thung lũng có diện tích gần ba nghìn mét vuông, ba phía núi, một phía đường, con suối nhỏ trong vắt chảy qua, cỏ cây xanh tốt um tùm, buổi sáng khướu hót, xẩm chiều bìm bịp kêu, đêm về bìm bịp khắc khoải tính ngày tính tháng; cái thung lũng đã nuôi ba đứa con trưởng thành và ba đứa con như ba con cò ích kỷ đã bay đi, thật xa, đến một nơi mà tiếng chim hót đã biến thành tiếng chim khóc trong lồng và bìm bịp, tắc kè thì nằm yên trong bình rượu...”.

Cái thung lũng kia chính là ngôi nhà trên mảnh đất Hà Giang xinh đẹp, nơi chị sống suốt một thời ấu thơ và bao mơ mộng cũng thêu dệt từ đó. Từ căn gác áp mái nơi căn nhà ấu thơ ấy, bao ý nghĩ tự do nảy nở, bao xúc cảm thầm lặng cuộn trào. Từ căn nhà áp mái nơi thung lũng ấy, Đỗ Bích Thúy đi ra thành phố để học tập và lập nghiệp, chị hiện đã giữ chức Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội và có tiếng tăm trong nghề, nhưng chưa bao giờ trong tâm thức chị quên được nơi chốn ấy, để bây giờ chị viết về nó trong nỗi hoài nhớ. Giờ đây khi cái thung lũng ấy không còn, Đỗ Bích Thúy nghẹn ngào rằng mình mất nơi về, nhưng thực chất là chị đang về trên những trang viết.


Tập tản văn này nói một cách nào đó là những chuyến đi về trên thực tế và trên biên độ của trí tưởng tượng, trên cả đôi cánh của giấc mơ.

Dương Thùy Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN