Nữ sỹ tài hoa
Nhà thơ Xuân Quỳnh, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Năm 1955, Xuân Quỳnh bước chân vào nghệ thuật với nghề nghiệp là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh bắt đầu tham gia vào sự nghiệp văn thơ của mình, bà học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Năm 1967, bà được kết nạp và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành của Hội Nhà văn Việt Nam khóa III.
Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Từ năm 1978 cho đến khi qua đời, Xuân Quỳnh đã làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Tác phẩm mới.
Nhà thơ Xuân Quỳnh mất ngày 29/8/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại Hải Dương cùng với người chồng là nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ và con trai là Lưu Quỳnh Thơ khi đó mới 13 tuổi.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Xuân Quỳnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi có giá trị. Các tác phẩm của bà được in trong các tập thơ: “Tơ tằm - chồi biếc” (in chung), “Hoa dọc chiến hào” (in chung), “Gió Lào, cát trắng”, “Lời ru trên mặt đất”, “Sân ga chiều em đi”, “Tự hát”, “Hoa cỏ may”, “Thơ Xuân Quỳnh”, “Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ”, “Hát với con tàu”, “Cây trong phố - Chờ trăng” (in chung)…
Ngoài ra, bà còn có nhiều tập thơ, sách viết cho thiếu nhi như: “Bầu trời trong quả trứng” (thơ thiếu nhi), “Truyện Lưu Nguyễn” (truyện thơ), “Mùa xuân trên cánh đồng” (truyện thiếu nhi), “Bến tàu trong thành phố” (truyện thiếu nhi) “Vẫn có ông trăng khác” (truyện thiếu nhi), “Tuyển tập truyện thiếu nhi", “Chú gấu trong vòng đu quay (tập truyện)…
Chủ đề chính trong những bài thơ của Xuân Quỳnh thường hướng nhiều về nội tâm, kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình… những vần thơ giàu tình cảm và sự tinh tế, nhưng ẩn trong đó là những chủ đề tư tưởng có tính khái quát, triết lý được nảy sinh từ đời sống. Những tác phẩm nổi tiếng của thi sỹ Xuân Quỳnh được nhiều người biết đến như “Thuyền và biển”, “Sóng”, “Thơ tình cuối mùa thu”...
Theo nhà nghiên cứu văn học - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ, trong nền văn học Việt Nam, Xuân Quỳnh là một tác giả nữ có phong cách và bản sắc riêng khá rõ nét. Trải qua năm tháng sống và viết, yêu thương và lao động nghệ thuật hết mình, Xuân Quỳnh đã để lại cho đời một di sản văn học thật đáng quý. Ngòi bút của Xuân Quỳnh đã được thử thách qua thời gian với nhiều loại chủ đề khác nhau. Trong đó có những bài thơ tình yêu đã đạt tới đỉnh cao. Dù đi vào những vấn đề lớn của đất nước hay trở về với những tình cảm riêng tư, sáng tác của Xuân Quỳnh bao giờ cũng là tiếng nói rất riêng của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo, giàu nữ tính. Đọc những tác phẩm của Xuân Quỳnh, chúng ta gần như hình dung được bà đã sống ra sao, đã yêu thương, day dứt những gì. Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho cảm xúc sáng tạo của mình, các sáng tác của Xuân Quỳnh chính là đời sống của bà, là những tâm trạng thật của Xuân Quỳnh trong mỗi bước vui buồn của đời sống.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ cho rằng, trên con đường hoạt động văn học nghệ thuật không dài lắm, với tư cách người phụ nữ - người yêu - người vợ - và người mẹ, sáng tác của Xuân Quỳnh đã đi vào lòng bạn đọc nhiều thế hệ như là tiếng nói tiêu biểu của tình yêu và tình mẫu tử, là tiếng nói trữ tình dịu dàng sâu lắng, chứa đựng hơi thở của thời đại mà vẫn in dấu riêng đậm nét…
Với những cống hiến và đóng góp lớn lao cho văn học nước nhà, năm 2001, nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2017, bà được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Ngày 6/10/2019, đúng 77 năm sinh nhật nữ sỹ Xuân Quỳnh, Google thay đổi logo trang chủ với hình ảnh Xuân Quỳnh được vẽ lại, bên những cuộn sóng biển xanh, mây trời, thuyền và biển… Bà trở thành nữ văn sỹ đầu tiên của Việt Nam được Google vinh danh.
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Năm 2022, nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Xuân Quỳnh (6/10/1942-6/10/2022), Nhà xuất bản Hội nhà văn, Công ty Cổ phần truyền thông Nhã Nam và gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh đã xuất bản và ra mắt độc giả cuốn sách "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn". Cuốn sách là một tập di cảo quý giá với những trang nhật ký, ghi chép và những bức thư chưa từng công bố của nhà thơ Xuân Quỳnh, được xuất bản nhằm tưởng nhớ và tri ân nữ thi sỹ tài hoa đã có những đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại.
Có thể nói, “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” là một “tập di cảo” tài liệu quý giá, giúp bạn đọc phần nào hiểu thêm về cuộc đời của nhà thơ Xuân Quỳnh. Ở đó có những trang nhật ký chi tiết, tỉ mỉ, ghi lại quá trình sinh ra và lớn lên trong những năm đầu đời của con trai đầu lòng Lưu Tuấn Anh, đã thể hiện được tình thương yêu hết lòng và sự hy sinh vô bờ bến của nữ nhà thơ khi nuôi con trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Ở đó còn có những trang nhật ký ghi chép những sự việc, ấn tượng đặc biệt, những chân dung tiêu biểu... của nhà thơ Xuân Quỳnh trong quá trình bà đi thực tế, làm việc, trải nghiệm với quân và dân vùng đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) trong những ngày chiến tranh chống Mỹ.
Và lần đầu tiên, một số bức thư Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ gửi cho nhau trong những năm cuối đời, thư Xuân Quỳnh gửi cho con trai út Lưu Quỳnh Thơ (Mí) khi đi công tác tại Liên Xô… cũng được công bố và in trong cuốn sách "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn" vừa được xuất bản lần này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ, em gái nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ và là người biên soạn cuốn sách, những trang nhật ký, ghi chép cụ thể, sinh động của nhà thơ Xuân Quỳnh giúp ta biết rõ hơn về tâm tư tình cảm, về chất liệu cuộc sống đã góp phần làm nên những sáng tác của bà. Những chất liệu đó được chắt lọc từ những trải nghiệm trong cuộc sống đời thường cũng như trong thực tế sống và hoạt động của nhà thơ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ cho rằng, qua tập di cảo này, chúng ta có thể thấy hình ảnh một người mẹ chan chứa tình mẫu tử, hết mực yêu thương con, một con người giàu tình thương và lòng trắc ẩn, một nhà thơ không quản khó khăn, nguy hiểm xông pha vào nơi bão lửa, lấy trải nghiệm thực tế hào hùng của cuộc chiến tranh cứu nước làm nguồn cảm hứng chủ đạo trong tư duy sáng tạo…
Cuốn sách giúp độc giả gần như hình dung được Xuân Quỳnh đã sống ra sao, đã yêu thương, day dứt những gì trong mỗi bước vui buồn của đời sống. Đó là những năm tháng không yên của một thời kỳ lịch sử có Xuân Quỳnh sống và viết, yêu thương và lao động nghệ thuật hết mình.