Nhà thơ Giang Nam qua đời

Thông tin từ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều và nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Sau nhiều tháng được tập thể y, bác sĩ của bệnh viện tận tình điều trị, chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, có nhiều bệnh nền, Nhà thơ Giang Nam, tác giả bài thơ “Quê hương” đã qua đời sáng 23/1/2023 (mùng 2 Tết Quý Mão), hưởng thọ 94 tuổi.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Giang Nam tham quan Hội Báo xuân tỉnh Khánh Hòa năm 2021. Ảnh tư liệu: Tiên Minh/TTXVN

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Giang Nam là một con người sống hiền như cây, kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão. Ông đã chọn Tổ quốc và thơ ca là lẽ sống của đời mình. Và suốt đời ông đã đi trên con đường ấy. Không có bất cứ điều gì, không có thách thức nào có thể thay đổi con đường của ông.

Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929 trong một gia đình nhà nho bình dân yêu nước ở làng Bình Trị, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ, từng giữ các chức vụ: Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III; Đại biểu Quốc hội và là Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khóa 6 (1976-1981).

Ông sáng tác cả thơ và truyện. Nhà thơ Giang Nam nổi tiếng với các thi phẩm “Tháng Tám ngày mai” (1962), “Quê hương (1960),  “Vầng sáng phía chân trời” (1975), “Hạnh phúc từ nay” (1978), “Lắng nghe thời gian” (2008). Truyện “Người giồng tre”  (1969),  “Trên tuyến lửa” (1984), “Rút từ sổ tay chiến tranh” (1987)...

Ngoài thơ, Giang Nam còn sáng tác văn xuôi, chủ yếu là truyện, truyện ngắn. Một số tác phẩm của ông như: “Vở kịch cô giáo” (tập truyện ngắn-1962); Người Giồng Tre (ký và truyện ngắn-1969); “Trên tuyến lửa” (ký-1984); “Rút từ sổ tay chiến tranh” (ký-1987); “Sống và viết ở chiến trường” (Hồi ký-2004)… Ông từng sử dụng một số bút danh khác như Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh...

Bài thơ nổi tiếng nhất của ông là “Quê hương” (sáng tác năm 1960), được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích. Đến nay, nhiều thế hệ học trò vẫn nhớ bào thơ với những câu mở đầu: "Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ...". Bài thơ đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung học phổ thông, từng được nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc.

Tập thơ “Quê hương” cũng mang lại cho ông nhiều thưởng như: Giải Nhì tạp chí Văn nghệ năm 1961, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Năm 2002, nhà thơ Giang Nam nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa cho trường ca “Sông Dinh mùa trăng khuyết”. Trường ca này cũng được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng thưởng cho tác giả cao tuổi.

Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và thời đổi mới, nhà thơ Giang Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý như: Huân chương Quyết thắng chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật…

Phương Hà - Tiên Minh (TTXVN)
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến qua đời ở tuổi 86
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến qua đời ở tuổi 86

Theo thông tin từ gia đình, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến, một nghệ sỹ nổi tiếng trong làng sân khấu điện ảnh, bố của nghệ sỹ Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi đã qua đời vào chiều 22/1 (mùng 1 Tết) tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN