Đậm nét dấu ấn Hải Phòng
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao là một trong những đơn vị chủ lực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của thành phố về phát triển văn hóa, thể thao, đặc biệt là việc tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ và truyền thông giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Cụ thể, sau 11 lần tổ chức, năm 2024, Lễ hội Hoa Phượng đỏ có quy mô, nội dung, hình thức lớn nhất từ trước đến nay với những màn nghệ thuật công phu, mãn nhãn. Đây cũng là lần đầu tiên, lễ hội tổ chức tại Quảng trường Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, huyện Thủy Nguyên - biểu tượng mới của sự phát triển thành phố trong tương lai.
Cùng với Lễ hội Hoa Phượng, lần đầu tiên, quần đảo Cát Bà được phát sóng trên truyền hình CNN khu vực châu Á trong nhiều chương trình khác nhau như, The Lead, First Move, CNN News room… để giới thiệu, quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, mang tới cho du khách những khám phá mới lạ. Hoạt động truyền thông này góp phần quảng bá định hướng phát triển du lịch Cát Bà theo hướng xanh, bền vững, đảm bảo giá trị và tính toàn vẹn của di sản.
Một sự kiện khác nhân lên niềm tự hào của mỗi người dân Hải Phòng đó chính là biểu tượng thành phố. Sau 32 năm tìm kiếm với 6 lần tổ chức các cuộc thi thiết kế biểu tượng thành phố, đến tháng 1/2024, mẫu thiết kế NTM 787 với cánh hoa phượng đỏ, sóng biển đã được lựa chọn. Tổng thể logo tạo thành con tàu vượt biển vươn khơi, chở các giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa phát triển, hiện đại, năng động, sáng tạo và nghĩa tình trong ánh bình minh, bà Trần Thị Hoàng Mai nhấn mạnh.
Song song với các sự kiện này, ngành Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tiêu biểu, nổi bật khác, trong đó có "Đề án Sân khấu truyền hình". Tại nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Hải Phòng, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam...đều đánh giá, hoạt động sân khấu của Hải Phòng là điểm sáng của cả nước, có đóng góp vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Theo ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Đoàn Kịch nói Hải Phòng, trong năm qua, Đoàn Kịch nói Hải Phòng tiếp tục khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong duy trì, phát triển nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch nói Hải Phòng nói riêng. Trong năm 2024, Đoàn dàn dựng thành công các chương trình nghệ thuật trong đó có vở "Macbeth" của Đại thi hào William Shakespeare.
Đặc biệt, Đoàn Kịch nói Hải Phòng tham gia "Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu dành cho Thiếu niên - Nhi đồng lần thứ nhất năm 2024" do Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng với vở diễn "Mặt trời quê hương" đạt được thành tích đáng khích lệ là 1 Huy chương Bạc cho vở diễn, 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cá nhân, 1 Giải Thiết kế ánh sáng xuất sắc. Đoàn còn tham gia "Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024" do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức với vở diễn "Bắt quỷ" và giành 1 Huy chương Vàng cho vở diễn, 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cá nhân.
"Quả ngọt" từ ưu tiên nguồn lực
Những kết quả ngành Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đạt được đến từ sự nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo ngành, các đơn vị chuyên môn, đoàn nghệ thuật và không thể không kể đến sự ưu tiên đầu tư nguồn lực của thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Trong một số buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, Hải Phòng luôn ưu tiên nguồn lực vượt trội dành cho lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, mỗi năm thành phố dành trên 40 tỷ đồng cho "Đề án Sân khấu Truyền hình" cùng nguồn lực để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật khác của Trung ương và thành phố. Đây là điều kiện quan trọng tạo môi trường để các nghệ sĩ phát triển tài năng và cống hiến cho sự phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Hải Phòng.
Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc cũng chia sẻ, thành công của Hải Phòng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đến từ sự đầu tư bài bản, dài hơi. Qua những minh chứng trên, có thể khẳng định, đời sống văn hóa, nghệ thuật tại Hải Phòng đang phát triển rực rỡ, với những kỳ vọng mới. Hay nói như Nhạc sĩ Đức Trịnh, "Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố âm nhạc của cả nước", bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng: “Hải Phòng đã công diễn những tác phẩm kinh điển mà bất cứ nhà hát nào trên thế giới và Việt Nam đều mong muốn biểu diễn".
Hải Phòng đang là một trong những đơn vị hiện thực hóa những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, phát triển, ươm tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu của cả nước vừa diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, chiều 30/12.
Văn hóa nghệ thuật không chỉ nuôi dưỡng đời sống tinh thần của nhân dân mà còn trở thành cầu nối gắn kết tình cảm của bạn bè quốc tế với Hải Phòng.
Chị Fatima Zahra, thành phố Casablanca, Maroc đang là giáo viên ngoại ngữ tại Hải Phòng. Chị đã từng được bạn bè mời xem các vở "Những người khốn khổ", "Romeo và Juliet", "Bỉ vỏ"... công diễn trong các số thuộc "Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng". Chị cho biết, không gian trong Nhà hát thành phố Hải Phòng, sự xuất hiện của một số diễn viên người nước ngoài, âm nhạc trong các vở kịch đem lại cho chị cảm xúc như đang ở giữa châu Âu. Hải Phòng gần gũi, thân thuộc và trở thành quê hương thứ hai của chị.