Hải Phòng đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến ngày 30/11/2024, Hải Phòng đều đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.

Chú thích ảnh
Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố Hải Phòng dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong quý II năm 2025. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Theo số liệu giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Tài chính, đến 30/11/2024, bình quân cả nước giải ngân đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 54,8% kế hoạch địa phương giao, trong đó Hải Phòng giải ngân đạt khoảng 13.500 tỷ đồng, đạt 79,2% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 64,2% kế hoạch thành phố giao. So sánh về tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và kế hoạch vốn các địa phương giao, Hải Phòng đều đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.

Sát sao của người đứng đầu

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, công tác chỉ đạo điều hành về giải ngân vốn đầu tư công luôn được đặt lên hàng đầu. Tại các thông báo kết luận của các kỳ họp thường kỳ hàng tháng của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Kết luận Hội nghị Thành ủy đều có chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công. Trong tháng 10/2024, ông Lê Tiến Châu, Bí thư  Thành ủy Hải Phòng đã có 2 buổi làm việc với Ban thường vụ Huyện ủy An Dương và Ban thường vụ Quận ủy Hải An và đã có những chỉ đạo, điều hành trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương.

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã thành lập 2 tổ công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng (Tổ trưởng tổ 1) và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Anh Quân (Tổ trưởng tổ 2) để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Với sự chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ đúng nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, đảm bảo sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, trong kế hoạch vốn năm 2024, Hải Phòng đã tập trung để thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng. Cùng với đó, nguồn vốn này bố trí cho công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, hỗ trợ các quận đầu tư công viên cây xanh, bố trí cho các dự án hoàn thành đã được phê duyệt, quyết toán để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách của thành phố.

Cụ thể, thành phố đã tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của thành phố như: đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; Trung tâm Chính trị Hành chính thành phố; Trung tâm Hội nghị biểu diễn thành phố cũng như hạ tầng đồng bộ tại các khu vực này.

Ngoài ra, Hải Phòng đã tập trung tối đa nguồn lực, bố trí vốn và đã khánh thành một số dự án công trình trọng điểm trong năm 2024 như Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh; Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 cùng một dự án trọng điểm, quan trọng khác.

Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của thành phố đã được phân bổ, bổ sung cho huyện Thủy Nguyên và huyện An Dương là 621 tỷ đồng để hai địa phương có nguồn lực thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng đạt các tiêu chí về phát triển đô thị với các khu vực dự kiến thành lập phường, quận, thành phố trực thuộc thành phố.

Chú thích ảnh
Cầu Hoàng Văn Thụ kết nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên), Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tập trung mọi nguồn lực

Huyện An Dương là một trong những địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Dự kiến từ nay đến cuối năm, huyện sẽ giải ngân 100% số vốn đủ điều kiện giải ngân với tổng số tiền là 1.058,571 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch, các đơn vị liên quan đang dốc sức làm việc.

Ông Bùi Văn Xinh, Trưởng ban Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện An Dương cho biết, nguồn vốn đầu tư công triển khai tại huyện tập trung vào các công trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng công viên cây xanh.

Đến thời điểm này, huyện đã tổ chức khánh thành 2 dự án nâng cấp đường giao thông thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Bắc Sơn và xã Tân Tiến; tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nâng cấp tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại 2 xã An Hưng và Đại Bản, đồng thời triển khai thi công các tuyến đường nông thôn mới tại xã Lê Lợi, An Đồng, Nam Sơn. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cùng với đó, huyện cũng đang triển khai 13 dự án xây dựng vườn hoa cây xanh, sân thể thao trung tâm tại 11 xã với tổng diện tích 43,1 ha và 3 Dự án xây dựng sân thể thao trung tâm tại 3 xã khác có tổng diện tích 1,54 ha. Các dự án khi hoàn thành sẽ “khoác” cho An Dương một diện mạo khang trang, văn minh, hiện đại. Để các dự án hoàn thành, cần có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân.

Theo ông Bùi Văn Xinh, một trong những khó khăn rất lớn khi triển khai các dự án đó là giải phóng mặt bằng. Có nhiều hộ dân có diện tích đất bị thu hồi lớn, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, nhất là nhà ở. Một số hộ dân chưa đồng thuận liên quan đến giá đền bù giải phóng mặt bằng. Khi chưa có mặt bằng sạch, các đơn vị liên quan không thể triển khai dự án.

Vì vậy, để người dân đồng thuận, cả hệ thống chính tại huyện đều phải vào cuộc, làm việc không quản giờ giấc, giờ hành chính làm công tác chuyên môn, ngoài giờ hành chính xuống từng hộ dân để làm công tác dân vận để người dân đồng thuận, chia sẻ, hiểu sự đóng góp của mình sẽ góp phần quan trọng trong thay đổi diện mạo địa phương.

Trong quá trình triển khai, hộ dân nào gương mẫu, làm tốt đều được tuyên dương trên hệ thống loa phát thanh của các xã, tạo hiệu ứng lan tỏa. Và quan trọng nhất, khi các dự án hoàn thành, mọi người dân đều được hưởng lợi trong đi lại, giao thương, nâng cao đời sống nên ai cũng phấn khởi trước sự thay đổi của mảnh đất nơi mình sinh sống.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Sơn- một trong 3 xã của huyện An Dương đang dồn sức xây dựng các tuyến đường nông thôn mới cho biết, năm 2024, xã được dành nguồn vốn đầu tư công để nâng cấp 12 tuyến đường. Khi cải tạo, nâng cấp các tuyến đường này, có 681 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có những hộ phải hiến tặng tới 90m2 đất, có hộ bị tháo dỡ một phần các ngôi nhà ở kiên cố.

Xác định công tác dân vận là khâu then chốt trong vận động giải phóng mặt bằng, xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng các đồng chí lãnh đạo huyện tối tối đến vận động nhân dân hiến đất, mở đường. Trong hơn 2 tháng kiên trì vận động, đến thời điểm này, đã có 531 hộ bàn giao mặt bằng. Với 150 hộ còn lại, xã sẽ tiếp tục vận động và quyết tâm hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch trước 31/12/2024 để các nhà thầu thi công các tuyến đường để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Thanh Phức, người dân xã Nam Sơn, huyện An Dương cho biết, từ đầu tư nguồn lực của thành phố, sự vào cuộc của chính quyền huyện, xã, sự đồng thuận của người dân, xã Nam Sơn đã có diện mạo mới với những tuyến đường rộng rãi, sạch sẽ. Người dân địa phương rất phấn khởi, đóng góp sức người, sức của để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Minh Thu (TTXVN)
Chạy đua thời gian giải ngân vốn đầu tư công
Chạy đua thời gian giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công của cả nước tính đến cuối tháng 11 mới chỉ đạt 54,8% kế hoạch. Đây là con số thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và gây ra lo ngại về việc đạt mục tiêu giải ngân 95% vào cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN