Người sưu tầm cổ vật trên đảo Lý Sơn

Hơn 40 năm miệt mài tìm kiếm, sưu tầm những cổ vật, đến nay ông Phạm Thoại Tuyền (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã có trong tay hàng nghìn cổ vật, từ đĩa, bát, tiền xu… đến các sắc phong, ấn tín của nhiều đời vua. Trong số đó, có nhiều cổ vật liên quan đến Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.

 

Bước chân vào ngôi nhà cổ của ông Phạm Thoại Tuyền, nhiều người ngỡ như lạc vào một bảo tàng cổ vật. Những cổ vật được ông sắp xếp ngăn nắp trong tủ theo từng nền văn hóa khác nhau: Ngăn tủ này lưu giữ những cổ vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, ngăn kia là những cổ vật thuộc văn hóa Chăm Pa, những chiếc đĩa, chiếc bát gốm sứ thời Nguyễn, các loại tiền cổ… Trên tường nhà treo tấm bản đồ “An Nam Đại Quốc họa đồ” của Giám mục Jean Louis Taberd được xuất bản năm 1838, trong bản đồ có ghi rõ ràng địa lý của nước ta, trong đó có “Paracels Seu Cát Vàng” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Những tờ lệnh có con dấu của quan tuần bổ án sát, tờ lệnh bảo vệ công ích các đảo của Việt Nam ghi chép về việc cử người nào, dòng tộc nào đi Hoàng Sa cắm cột mốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo…

 

Ông Phạm Thoại Tuyền đang giới thiệu về tấm bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ”.


Chia sẻ về thú sưu tầm cổ vật của mình, ông Phạm Thoại Tuyền cho biết, ông là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Phạm Hữu Nhật, Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Hoàng Sa, một trong những người “cắm mốc” khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước. Vốn sinh ra trong một gia đình gia giáo, có truyền thống lưu giữ những cổ vật, nên ông sớm “lây” thú sưu tầm cổ vật của các bậc tiền nhân. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm những hiện vật cổ trên đảo Lý Sơn. Hễ nghe thấy ở đâu có người phát hiện ra cổ vật, hoặc có ai đang lưu giữ tài liệu quý… ông lại lặn lội tìm đến để xin hoặc mua lại, rồi mang về nhà cất giữ cẩn thận. Hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, đến nay ông đã có trong tay hàng nghìn món cổ vật, từ đĩa, bát, tiền xu… đến các sắc phong, ấn tín của nhiều đời vua.


“Trong số các cổ vật tôi lưu giữ, có nhiều nhiều cổ vật liên quan đến Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn như tờ lệnh có con dấu của quan tuần bổ án sát, tờ lệnh bảo vệ công ích các đảo của Việt Nam, những tư liệu liên quan đến cụ Phạm Hữu Nhật…”, ông Tuyền cho biết.
Ông Tuyền kể, khi xưa, dòng họ Phạm ở Lý Sơn có người làm công việc liên quan đến đình làng ở địa phương, được giao giữ nhiều giấy tờ quan trọng, trong đó có những tờ lệnh liên quan đến đội hùng binh được giao đi bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.

 

Nhưng trải qua thời gian, do chiến tranh, thiên tai… nên nhiều tư liệu bị hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sưu tầm. Chia sẻ với chúng tôi về những cổ vật mà mình đang lưu giữ, ông Tuyền tâm sự: “Đối với tôi, những cổ vật này là tài sản vô giá, bởi sự hiện diện của chúng nhắc nhở tôi luôn ghi nhớ và biết ơn công lao của cha ông mình. Tôi cố gắng gìn giữ thật tốt những cổ vật này để cho con cháu đời sau ở Lý Sơn nói riêng, ở Việt Nam nói chung biết về lịch sử cha ông ta, để con cháu biết trân trọng, gìn giữ và tiếp tục kế thừa những giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất mình đang sống...”.


Không chỉ sưu tầm cổ vật, ông Phạm Thoại Tuyền còn là người rất am hiểu về lịch sử Lý Sơn. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông rất tự hào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những hùng binh tham gia hải đội Hoàng Sa đi cắm cột mốc, bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa khi xưa. Ông cũng nhiệt tình giảng giải cho chúng tôi nghe về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, về nguồn gốc và trình tự nặn hình nhân bằng đất sét đặt trong những ngôi mộ chiêu hồn những người đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa không trở về trên đảo Lý Sơn… Ông bảo: “Muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, thì chúng ta phải hiểu rõ và bảo vệ, giữ gìn thật tốt những giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại…”.


Ông Phạm Thoại Tuyền cho biết, ông đã từng hiến tặng nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian qua, có rất nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu đã không quản ngại đường sá xa xôi đến gặp ông để chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những tư liệu quan trọng mà ông đang cất giữ. Mỗi người đến gặp ông, sau khi ra về đều để lại những dòng lưu bút ghi lại cảm tưởng của mình. Những cuốn sổ ghi chép đó được ông đóng gáy, lưu giữ rất cẩn thận, bởi theo ông, đó là những tình cảm đặc biệt mà du khách, những nhà nghiên cứu đã dành cho ông.


Bài và ảnh: Phương Lan

Phát hiện hàng nghìn cổ vật 1.500 năm tuổi
Phát hiện hàng nghìn cổ vật 1.500 năm tuổi

Trong cuộc thám hiểm lòng hồ Titicaca của Bolivia mới đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng nghìn mảnh xương, gốm cùng nhiều mảnh kim loại vàng, bạc có niên đại khoảng 1.500 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN