Người nghệ sĩ mù và kỷ niệm về Trịnh Công Sơn

Gần 50 năm qua đi, hình ảnh của người anh, người bạn cùng tranh đấu vì hòa bình Trịnh Công Sơn trong lòng ông Nguyễn Văn Sinh vẫn như còn nguyên vẹn. Dù chỉ gặp và giao lưu với nhau một đêm duy nhất, nhưng cái tình người, tình quê hương đất nước vẫn còn đọng mãi trong ông Sinh. Giờ, mỗi khi nhắc về ngày ấy, ông lại rưng rưng...


Hội ngộ trong đêm tranh đấu...


Hai mắt ông giờ đây như đã gần mù hẳn, ông Nguyễn Văn Sinh hằng ngày quanh quẩn trong con hẻm nhà mình ở khối phố Xuân Thuận, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An (Quảng Nam). Rong ruổi khắp đất nước với đời nghệ sĩ làm thơ, viết văn, mãi võ mưu sinh, giờ ngồi một chỗ, nhiều lúc ông cảm thấy đôi chân muốn đi lắm. Có khách đến chơi, ông lại mừng khôn tả. Những câu chuyện về bản thân, về những ngày tranh đấu cho dân tộc được ông khắc như in trong tâm trí.


Ông Nguyễn Văn Sinh hồ hởi nhắc lại kỷ niệm đêm hát cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.


Giữa một tối phố cổ Hội An êm đềm, ông Sinh kể chúng tôi nghe câu chuyện gặp người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Ông vừa vỗ tay làm nhịp, vừa hát lại những bài hát mang âm hưởng yêu nước, yêu hòa bình của nhạc Trịnh. Những bài hát ấy đưa chúng tôi về với không khí sục sôi những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1966, ông mới 19 tuổi, vừa là phật tử vừa nằm trong hội học sinh sinh viên tranh đấu vì dân tộc. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lúc ấy với những chính sách bất hợp lý đã khiến lòng người khắp miền Nam sôi sục khí thế tranh đấu. Cũng như những thanh niên yêu nước lúc bấy giờ, ông Nguyễn Văn Sinh cũng quyết tâm quyết tử vì đất nước, vì dân tộc.


Một ngày tháng 4/1966, nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ về giao lưu tại chùa Tỉnh Hội (nay là chùa Pháp Bảo - Hội An), ông Sinh cũng như nhiều thanh niên khác háo hức vô cùng. Với họ lúc ấy, trong phong trào tranh đấu, Trịnh Công Sơn không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà là một người đàn anh gương mẫu, dám lao vào với những khó khăn nguy hiểm bằng giọng hát yêu hòa bình của mình. Đi khắp nơi trên toàn miền Nam, Trịnh Công Sơn đã cất tiếng ca phản đối những hành động phi nhân tính của những kẻ vì quyền lợi riêng mà đưa dân tộc vào chỗ chết chóc, đau thương.


Ngôi chùa Pháp Bảo, nơi mà năm 1966, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã về, hát lời tranh đấu.


Ông Sinh kể rằng: "Từ ngày hôm trước, mặc dù lính của Nguyễn Văn Thiệu đã tập trung, bao vây chùa Pháp Bảo, chuẩn bị bố ráp, nhưng những thanh niên cảm tử chúng tôi vẫn kiên trì chuẩn bị những thứ cần thiết để đón nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về. Anh em chúng tôi bảo nhau nếu có biến cố gì, cũng phải hết mình bảo vệ phong trào, bảo vệ Trịnh Công Sơn trong đêm. Rồi anh cũng đến, giản dị với đôi kính rất thư sinh trên khuôn mặt. Tiếng reo hò nổi lên khắp nơi. Dù bên ngoài là lính của Nguyễn Văn Thiệu chờ chực bắt người, nhưng không ai hề nao núng...".


Và bước rẽ cuộc đời...


Ít ai biết được rằng cuộc đời ông Nguyễn Văn Sinh (sau này lấy bút danh là Nguyễn Miên Thượng trong các hoạt động thơ, văn) từ đêm tranh đấu cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thay đổi hoàn toàn. Con đường tranh đấu cũng như cuộc sống của ông cũng gặp không ít chông gai.


Sau cái đêm tháng 4/1966 định mệnh ấy, sáng hôm sau, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ở Hội An đã bố ráp, bắt tất cả những người tham gia tranh đấu. Ông Nguyễn Văn Sinh may mắn cùng một người đồng chí chạy ra được đến Đà Nẵng. Nhưng ở đâu, lực lượng khủng bố cũng bao vây, chặn bắt. Cuối cùng, ông phải vào Sài Gòn lánh nạn. Ở đó, ông vừa làm, vừa học và tiếp tục tham gia tranh đấu vì quê hương, vì dân tộc.


Sau ngày hòa bình lập lại (1975), ông Nguyễn Văn Sinh mưu sinh là mãi võ bán thuốc, rong ruổi trên mọi miền đất nước. Lang bạt kỳ hồ qua các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, rồi các tỉnh miền Bắc nhưng trong lòng vẫn đau đáu nghĩ về quê nhà xứ sở. Và rồi, khi sức đã kiệt, mắt đã mờ, ông về lại cố hương với một gia đình hạnh phúc. Người mẹ già bao năm mòn mỏi chờ con vẫn khỏe mạnh đợi ông về. Ông cho đó là niềm hạnh phúc nhất của mình. Cha ông tham gia kháng chiến và hy sinh. Mẹ ông một mình tảo tần nuôi anh em ông ăn học. Và khi ông gặp biến cố vì đấu tranh yêu nước, bà đã khóc rất nhiều...


Sau những nỗi đau của cuộc đời, 67 tuổi, ông về bên vòng tay yêu thương của người vợ thảo, bên dáng hao gầy run rẩy của mẹ già, nhưng lòng cảm thấy bình yên hơn. Ông Sinh cho biết nếu cho ông chọn lựa lại, ông vẫn chọn con đường tranh đấu phản đối Nguyễn Văn Thiệu, dù rằng sau đó suýt chết và phải phiêu dạt xứ người hơn nửa cuộc đời. Trong tâm thức của mình, ông Sinh lúc nào cũng lo cho vận mệnh quê hương, cho dân tộc. Dù đất nước đang từng ngày đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn không ít trên con đường đi lên.


Tiễn chúng tôi, vẫn một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, ông Sinh cho hay: "Ở Hội An, không chỉ tôi mà còn nhiều người nữa đã rất nhớ cái đêm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về, cùng tranh đấu bằng lời ca tiếng hát. Ngôi chùa Pháp Bảo ấy giờ vẫn còn. Nguyện vọng của tôi là mong nó sẽ trở thành một di tích hoặc một điểm tham quan đặc biệt để con cháu đời sau có thể đến. Biết về một thời tranh đấu hào hùng của những thanh niên, những nghệ sĩ hết lòng vì vận mệnh đất nước...".



Bài và ảnh:Thành Giang

Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Nga
Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Nga

Tối 31/3, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga tổ chức “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn” để tưởng nhớ 11 năm ngày mất của Nhạc sĩ (1/4/2001 – 1/4/2012) tại Nhà hàng Hạ Long của người Việt ở thủ đô Mátxcơva.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN