Người mẹ “vẽ” bức tranh nông thôn đổi mới

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hiểu rõ được nỗi vất cả, cực nhọc của nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nên thật dễ hiểu khi chủ đề “Tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm ảnh của tác giả Thanh Hội ngay từ ngày đầu anh cầm máy.


Gần hai chục năm qua, bằng lòng say mê, sự nỗ lực không biết mệt mỏi trong sáng tạo, Thanh Hội có hàng trăm bức ảnh được đăng báo, hàng chục ảnh được chọn đăng bìa các tạp chí và ảnh bìa báo xuân. Tác phẩm “Niềm vui của mẹ” cũng nằm trong chủ đề “Tam nông” mà theo tác giả, có chụp cả đời cũng không thể diễn tả hết được hiện thực hết sức sống động tại các vùng quê đang trên đường đổi mới. Vượt qua cả ngàn tác phẩm, “Niềm vui của mẹ” là một trong 7 tác phẩm đoạt giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2006, được giải Nhì giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến của UBND tỉnh Hà Nam giai đoạn 2006-2010.

 

“Niềm vui của mẹ” - một trong 7 tác phẩm đoạt giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2006.


Tuy vậy, với Thanh Hội, điều quan trọng nhất không phải là ở những giải thưởng mà là sự đón nhận và cảm nhận ấn tượng từ phía đông đảo người xem. Thành công nhất của Thanh Hội trong “Niềm vui của mẹ”, đó là “chộp” được “khoảnh khắc vàng” trong ánh mắt và nụ cười hạnh phúc của người mẹ già vất vả, lam lũ cả đời vì con vì cháu. Trong nhiếp ảnh, phát hiện và lưu giữ được những “khoảnh khắc vàng” đáng nhớ như vậy các tác giả phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức.

Ý tưởng của Thanh Hội là chụp chân dung của mẹ, phải nói lên được cái đẹp vẹn nguyên trong con người mẹ, cái đẹp của người phụ nữ cả đời chân lấm tay bùn chỉ quen với công việc đồng áng, đó là món quà báo hiếu lớn nhất của anh. Chụp xong, xem lại ảnh, anh không hài lòng với bức ảnh đã chụp, anh thấy bức ảnh vẫn “thiếu một cái gì đó”, chưa nói hết được vẻ đẹp của người mẹ, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam vùng chiêm trũng sông Hồng.


Trăn trở suy nghĩ, trăn trở tìm tòi, trăn trở sáng tạo, cuối cùng Thanh Hội đã “lấp đầy” sự thiếu hụt trong bức ảnh bằng sự sáng tạo mang tính hiện thực, thể hiện rõ được tính nhân văn sâu sắc. Sau nhiều lần chụp, Thanh Hội đã nảy sinh ý tưởng mới. Trong ảnh chân dung người mẹ già nơi thôn quê cả đời lam lũ, vất vả với mái tóc “pha sương”, nếp nhăn hằn sâu nơi khóe mắt, đôi bàn tay gầy guộc, thô sần; miệng cười móm mém; khăn chít, áo nâu; quanh miệng còn nhoen đỏ mầu trầu... nhưng hơn cả, đó là ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của mẹ. Cái tài của Thanh Hội là đã chụp được vẹn nguyên khoảnh khắc “thần kỳ” trong ánh mắt và nụ cười đó. Đôi mắt người mẹ già mờ đục vì tuổi tác, vì bao nỗi vất vả, nhọc nhằn vẫn ánh lên niềm hạnh phúc vô biên khi nhận được tin vui từ xa tới. Miệng móm mém, nhoen mầu trầu nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ làm bừng sáng gương mặt. Thanh Hội đã “chớp trọn” được khoảnh khắc “thần kỳ” đó lưu giữ vào trong tác phẩm của mình một cách xuất sắc.


Thêm một yếu tố cực kỳ sáng tạo cho bức ảnh thêm chiều sâu nhân văn và mang tính xã hội cao đó là chiếc điện thoại di động mẹ đang nghe bên tai. Chiếc điện thoại di động trong ảnh của Thanh Hội không chỉ đơn giản là phương tiện liên lạc, mà nó thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của thế hệ cháu con đối với người sinh thành và dưỡng dục. Không chỉ vậy, ở tầm cao và rộng hơn, đó còn là sự đổi thay của quê hương trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; sự đổi thay trong cách nghĩ, cánh làm của những người nông dân khi tiếp cận và tiếp nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong đời sống. Sau tác phẩm “Niềm vui của mẹ” đã có rất nhiều tác giả chụp ảnh điện thoại di động với những chủ đề khác nhau, song vẫn chưa có tác phẩm nào đạt được “độ chín” như tác phẩm ảnh của Thanh Hội.


Về tác phẩm “Niềm vui của mẹ”, tôi không muốn nói nhiều tới những yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật, như: khoảnh khắc bấm máy, cách bố cục chặt chẽ, độ tương phản ánh sáng, hài hòa về sắc màu, nhưng cực kỳ sắc nét và nổi bật mà ở tầm cao, nó hội đủ tính “Chân - thiện - mỹ”. Đặc biệt, tác phẩm đã mang đậm tính nhân văn, tính xã hội sâu sắc mà tác giả đã đem đến cho người xem. Đó là thông điệp giá trị của sự quan tâm, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn thường nhật của cháu con chứ không phải sự quan tâm tới những giá trị vật chất tầm thường. Đó chính là niềm vui giản dị, niềm mong mỏi rất đỗi bình thường nhưng quan trọng và ý nghĩa nhất của mẹ nói chung, những người mẹ ở nông thôn nói riêng. Tôi chắc chắn, với những ai mải bộn bề với công việc mà quên mất việc về thăm và hỏi thăm mẹ ở nơi xa chắc chắn khi xem bức ảnh này sẽ không khỏi giật mình nghĩ lại.


Tác phẩm “Niềm vui của mẹ” của Thanh Hội còn mang đến cho mọi người niềm vui chung khi những giá trị văn hóa tốt đẹp nghìn đời của quê hương với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn được bảo tồn và phát huy trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

 

Phạm Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN