Người 'giữ hồn' cho nhạc cụ Xơ Đăng

Đứng trước nguy cơ bị mai một văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc của dân tộc Xơ Đăng, Nghệ nhân ưu tú A Thu (sinh năm 1976, trú thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã dành nhiều năm nghiên cứu, học hỏi và tìm các nguyên vật liệu để “hồi sinh” những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như Klong but, Đing đă, Đàn đá… và đồng thời xây dựng một đội nghệ nhân trình diễn nhạc cụ.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân ưu tú A Thu hướng dẫn các thanh niên đánh đàn đá. 

“Hồi sinh” nhạc cụ dân tộc

Lớn lên trong một ngôi làng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng, ngay từ nhỏ, cậu bé A Thu đã được tham gia các lễ hội của dân làng như cúng đầu năm, mừng thu hoạch mùa, dựng nhà rông… Ông A Thu vẫn nhớ như in hình ảnh những người lớn tuổi trong làng cùng nhau chơi các loại nhạc cụ như Klong but, T’Rưng, Châp chuê hay Ting ning, bên ánh lửa bập bùng, tạo nên một bức tranh sôi động giữa núi rừng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, theo Nghệ nhân ưu tú A Thu, thời điểm đó, ông chỉ thấy dân làng sử dụng bốn loại nhạc cụ trên để biểu diễn, hòa tấu trong các lễ hội. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho ông về bộ nhạc cụ của người Xơ Đăng.

“Khi đó, tôi thấy bộ nhạc cụ của dân làng dù đã tạo ra những âm thanh sống động nhưng còn khá đơn điệu. Tôi tự hỏi rằng tại sao dân tộc mình lại chỉ có ít nhạc cụ như vậy và liệu người Xơ Đăng có còn những loại nhạc cụ nào không? Khi tôi hỏi những người lớn tuổi, già làng, tôi biết được rằng chúng tôi còn nhiều loại nhạc cụ truyền thống nữa, nhưng vì một số yếu tố nên bị thất truyền. Điều đó thôi thúc tôi tìm lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, Nghệ nhân A Thu nói.

Với niềm đam mê của mình, khi là một thiếu niên 14 tuổi, A Thu đã theo các nghệ nhân lớn tuổi trong làng học chơi nhạc cụ. Đây là dịp để cậu bé tìm hiểu kỹ hơn về các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Năm 1998, A Thu đã hiểu và sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ và đã bắt đầu đến các vùng đất xa hơn, trong tỉnh Kon Tum và cả các tỉnh lân cận để tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi sử dụng các loại nhạc cụ và cách thức chế tác chúng. Đặc biệt, việc được chọn tham gia vào đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum biểu diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) vào các năm 2012 và 2016 đã tạo điều kiện cho A Thu được giao lưu, học hỏi sâu sắc hơn từ các nghệ nhân gạo cội trên cả nước. Đến năm 2017, ông đã chính thức chế tác được những nhạc cụ đầu tiên.

“Ngoài Kló teă (Klong but), Kló tôu (T’Rưng), Pơ xeă (Châp chuê), Ting ning, tôi đã tìm hiểu và biết rằng bộ nhạc cụ của người Xơ Đăng còn có Kló peă (Đinh đă), Đơn hmôu (Đàn đá), Koă (Cồng), Cheng (Chiêng), H’Kâ (Trống). Tôi đã tự tìm các nguyên liệu có sẵn ở địa phương như tre, nứa, đá để tạo ra các loại nhạc cụ. Riêng đối với bộ cồng chiêng thì chúng tôi được ngành Văn hóa tỉnh cấp. Nhờ đó, tôi đã có được một bộ nhạc cụ đầy đủ của dân tộc Xơ Đăng”, Nghệ nhân A Thu cho biết.

Phát huy giá trị văn hóa

Chú thích ảnh
Bên cạnh trình diễn nhạc cụ, Nghệ nhân ưu tú A Thu còn có thể hát dân ca và chỉnh chiêng. 

Sau khi chế tác thành công các loại nhạc cụ, Nghệ nhân ưu tú A Thu đã thành lập một đội nghệ nhân đánh cồng, chiêng, xoang và chơi nhạc cụ tại thôn Đăk Rô Gia với khoảng 30 thành viên. Từ năm 2019 đến nay, đội nghệ nhân của ông đã 14 lần tham gia các hội diễn, hội thi, liên hoan cồng chiêng của người Xơ Đăng trong và ngoài tỉnh. Nhờ phát huy tốt kỹ năng đánh cũng như chỉnh cồng chiêng, trình diễn các nhạc cụ truyền thống, đội nghệ nhân của ông đã giúp công chúng biết về văn hóa cũng như về nhạc cụ, âm nhạc truyền thống của dân tộc Xơ Đăng.

Nghệ nhân ưu tú A Thu cũng trực tiếp dạy đánh cồng, chiêng và chơi nhạc cụ truyền thống cho gần 300 học trò các trường học và cộng đồng thuộc các huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum); đồng thời, truyền dạy cho 8 nghệ nhân trong huyện Đăk Tô về cách chỉnh và thẩm âm cồng chiêng.

“Năm 2019, tôi được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Đây vừa là một niềm vinh dự lớn lao với cá nhân tôi, nhưng cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng và các loại nhạc cụ. Tôi luôn ý thức rằng, mình phải không ngừng nghiên cứu và truyền dạy đánh cồng chiêng, chơi các loại nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Những thanh, thiếu niên ở địa phương, ai thích đến học, tôi đều hoan nghênh và không thu học phí. Chỉ cần văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy, với tôi, như thế là hạnh phúc lắm rồi”, Nghệ nhân ưu tú A Thu vui vẻ nói.

Em A Đạt (sinh năm 2008, trú thôn Đăk Rô Gia) cho biết, em đã đến học đánh cồng chiêng, chơi các loại nhạc cụ của Nghệ nhân ưu tú A Thu từ năm 2020. Xuất phát từ niềm yêu thích âm nhạc dân tộc cùng sự chỉ bảo tận tình của “thầy” A Thu, em đã vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, dần hiểu được các loại âm thanh và hiện đã có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ.

“Sau khi chơi được những bài nhạc cơ bản, em đã được Nghệ nhân ưu tú A Thu đưa vào đội nghệ nhân của thôn và đi trình diễn tại các hội thi, hội diễn. Nhờ đó, em cũng tiếp xúc được nhiều hơn với các nghệ nhân gạo cội khác, được học hỏi và dần dần biết chơi nhiều bài nhạc khó hơn. Em rất vui vì đã góp sức mình vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, A Đạt bộc bạch.

Còn em A Đức Khang (sinh năm 2013, trú thôn Đăk Rô Gia) là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội nghệ nhân của thôn Đăk Rô Gia chia sẻ, em tham gia học chơi nhạc cụ của Nghệ nhân ưu tú A Thu từ đầu năm 2024. Sau một năm, em đã có thể chơi được Châp chuê và thường xuyên được “thầy” A Thu giao biểu diễn loại nhạc cụ này tại các lễ hội. A Đức Khang cho biết, em rất yêu thích các loại nhạc cụ truyền thống, nên ngoài giờ học trên lớp, em luôn đến nhà của Nghệ nhân ưu tú A Thu học chơi các loại nhạc cụ; đồng thời mong muốn sẽ chơi được nhiều loại nhạc cụ hơn trong tương lai.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Tô đánh giá, trong thời đại công nghệ như hiện nay, việc Nghệ nhân ưu tú A Thu luôn nêu cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng có giá trị và ý nghĩa to lớn. Điều đó không chỉ thể hiện tinh thần yêu văn hóa, âm nhạc dân tộc, mà còn giúp xây dựng một đội ngũ, thế hệ kế cận tiếp nối, quảng bá hình ảnh của dân tộc Xơ Đăng đến với đồng bào các dân tộc trên cả nước.

“Nghệ nhân ưu tú A Thu có một tình yêu rất lớn đối với văn hóa nói chung, nhạc cụ dân tộc nói riêng. Qua đó, giúp văn hóa, âm nhạc của người Xơ Đăng không bị mai một trong thế giới phẳng hiện nay, cùng hòa chung vào “dòng chảy” văn hóa của 54 dân tộc anh em trên cả nước. Ngành Văn hóa huyện Đăk Tô đang hoàn tất hồ sơ trình tỉnh đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể cho Nghệ nhân ưu tú A Thu”, ông Nguyễn Nhật Quang khẳng định.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Bảo tồn văn hóa cồng chiêng, xoang của dân tộc Xơ Đăng
Bảo tồn văn hóa cồng chiêng, xoang của dân tộc Xơ Đăng

Ngày 28/11, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tổ chức khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng lần thứ II năm 2024. Hội thi là một trong 5 sự kiện do huyện Tu Mơ Rông tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024. Hội thi diễn ra trong 2 ngày từ 28-29/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN