Những khách tham quan, những người về viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) rất chú ý đến một cụ già râu tóc bạc phơ luôn túc trực nơi này cả ngày. Bao năm qua, ông Nguyễn Tạo (80 tuổi) vẫn cần cù, tỉ mẩn nhổ từng cây cỏ trên mộ, thắp từng nén hương cho những người khách về đây.
Tài thuyết trình
Chuyện ông Nguyễn Tạo tự nguyện đến chăm sóc phần mộ cụ Huỳnh có lẽ đã trở nên không lạ với nhiều người dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ông không chỉ thuần túy quét dọn, nhổ cỏ, thắp hương trên mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng mà còn có tài thuyết trình về thân thế và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Ông Nguyễn Tạo đang đưa hương mà ông đã đốt để khách thắp ở mộ cụ Huỳnh.
|
Đoàn chúng tôi vừa vào đến mộ cụ Huỳnh, đã thấy ông Tạo nhanh nhẹn từ quán nước trước chùa Thiên Ấn theo sau đến nơi. Sau những lời chào, hỏi thăm, ông nói: "Thưa quý anh quý chị, giờ, cho tôi xin phép vài phút được chia sẻ đôi điều về thân thế và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng". Vậy là, trong sự chú ý lắng nghe của những người khách mới, ông Tạo kể một cách vắn tắt, nhanh nhưng rất tường tận những gì bao quát nhất. Một ông già 80 tuổi mà có thể nhớ tất cả các sự kiện từ ngày, tháng năm đến địa điểm cơ bản mà cụ Huỳnh đã đi qua trên con đường vì dân vì nước của mình thì quả thật rất hiếm.
Ngay cả chúng tôi, những người dân Quảng Nam, sống cách quê nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng không xa, mà những kiến thức về cụ chúng tôi vẫn chưa thể tìm hiểu hết, càng không thể nhớ để có thể đọc ra cùng một lúc cho người khác nghe. Càng nghe ông Tạo thuyết trình, chúng tôi vừa tự hào về quê hương sông núi đã sinh ra một người anh hùng đúng nghĩa, nhưng cũng thấy xấu hổ vì chưa thể có điều kiện để nắm rõ hơn tiểu sử cụ Huỳnh và những tâm sự từ tận đáy lòng của cụ khi sinh thời.
Bài thuyết trình của ông Tạo chỉ hơn 5 phút một chút thôi nhưng chúng tôi biết thêm rất nhiều điều. Trong lúc thắp hương cho cụ Huỳnh, chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện với ông Tạo. Ông khiêm tốn bảo rằng ông cũng chẳng giỏi giang gì đâu. Ngày trước, mới lên đây, ông cũng nghĩ là dọn dẹp, quét sửa và dẫn khách vào mộ thôi. Nhưng sau nhiều lần suy nghĩ, ông thấy rằng phải tìm hiểu để cho du khách biết được phần nào đó về cụ Huỳnh Thúc Kháng. Bởi vì hiện tại, không phải ai cũng có điều kiện để tìm hiểu về quá khứ, về tiểu sử của các anh hùng, các danh nhân của đất nước mình.
Nghĩ là làm. Ban ngày ra mộ, ban đêm ông Tạo tranh thủ thời gian, mua và mượn những sách có tư liệu chính thống về cụ Huỳnh Thúc Kháng để đọc và nhớ. Dần dần, ông chia sẻ với khách đến đây cũng trở thành quen miệng. Bởi vậy, bây giờ cứ khách đến là ông có thể nói một hơi đến gần 10 phút mà không sai, không bỏ sót một chi tiết nào cả. Ông còn có cách nói làm sao mà người lớn cũng hiểu, trẻ con cũng hiểu. Những đoàn học sinh vào đây, ông có cách kể đơn giản, gần gũi để các cháu có thể nắm một cách đầy đủ và vẫn hiểu đúng về cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Nguyện canh giữ mộ cụ đến khi không còn sức nữa...
Nhà ông Nguyễn Tạo ở cách Thiên Ấn khá xa, tại thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Gần 3 năm trước, ông quyết định làm cái việc mà lúc ấy ai cũng cho là "gàn". Đó là đến chăm sóc, dọn dẹp mộ chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Họ bảo ông "gàn" vì già rồi không chịu nghỉ ngơi, không để con cháu phụng dưỡng mà lại hằng ngày đạp xe cực nhọc hàng chục cây số cả đi cả về. Chuyện dọn dẹp mộ Cụ Huỳnh thì vẫn có những khách tới thăm lâu lâu họ làm, lo gì... Những lúc nghe vậy, ông mỉm cười và bỏ ngoài tai.
Ông Tạo bảo: "Ngay từ lúc nhỏ, tôi đã rất kính phục cụ Huỳnh bởi cụ đã hiến trọn một đời vì dân vì nước. Trong cuộc sống bộn bề của chiến tranh và những lo toan thường nhật khi hòa bình lập lại, trong lòng tôi vẫn không lúc nào nguôi mong ước một ngày nào đó có thể làm được chút gì để thỏa tấm lòng mình với cụ. Rồi ngày ấy cũng đến. Con cái tôi 5 đứa đều ổn định cuộc sống, trong đó 4 đứa đã yên bề gia thất. Tôi bắt đầu nghĩ, ở nhà cũng không làm được gì nhiều, thôi thì ra mộ cụ Huỳnh chăm mộ và hướng dẫn khách có khi lại vui và hay hơn. Vậy là chuẩn bị nước, võng, bút giấy và thức ăn cho bữa trưa, tôi đạp xe lên đường..."
Các con của ông Tạo ban đầu cũng không muốn ông cả ngày ở ngoài mộ cụ Huỳnh với mưa nắng thất thường, vì sợ sức khỏe ông đã yếu, giờ sẽ càng yếu hơn. Nhưng sau khi nghe ông nói ý định của mình vài lần, họ cũng vui vẻ đồng ý. Họ biết rằng cha mình đang làm một điều đẹp và có ý nghĩa cho xã hội. Một điều có lẽ ít ai làm được. Có sự ủng hộ của gia đình, ông Tạo càng vững tin hơn với con đường mình đã chọn cho những ngày cuối đời.
Vậy là từ hôm đó, hằng ngày, người viếng mộ cụ Huỳnh thấy thấp thoáng trong khu mộ cụ bóng dáng một ông già tóc bạc, đội mũ và mặc bộ quần áo đã cũ sờn. Ông cứ làm không ngơi tay. Hết nhổ cỏ, quét dọn lại giúp khách đốt hương thắp cho cụ Huỳnh. Xen lẫn đó là những lời thuyết trình làm lòng người cũng bị thu hút một cách kỳ lạ. Đúng 7 giờ 30 sáng có mặt, rồi khoảng hơn 6 giờ tối lại một mình đạp xe về nhà. Công việc của ông Tạo cứ như vậy suốt gần 3 năm qua. Chỉ gián đoạn những ngày ông ốm nặng hoặc trong gia đình có việc gì cần thiết lắm. Nơi đây đã như một ngôi nhà thứ hai của ông.
Ông Nguyễn Tạo bảo rằng cụ Huỳnh Thúc Kháng và những chí sỹ yêu nước khác là những người rất đáng để đời đời nhân dân ngợi ca bởi họ đã đặt những viên gạch đầu tiên để phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đi từng bước đến ngày hoàn toàn thắng lợi. Là hậu sinh, biết ơn các tiền nhân đi trước, theo ông Tạo thì nên làm những việc thiết thực nhất tùy theo sức của mình. Ông thì già, còn chút sức cuối cùng, nguyện dọn dẹp, giữ mộ cụ Huỳnh và đem tiểu sử của cụ chia sẻ với càng nhiều người về đây càng tốt. Theo ông, làm được như vậy, ông cảm thấy lòng thanh thản hẳn. Và ông bảo khi nào kiệt sức, không còn đạp xe đi được nữa thì ông mới rời khu mộ cụ Huỳnh...
Và vui hơn đối với ông là khi thuyết trình về cụ Huỳnh được rất nhiều khách hoan nghênh, lắng nghe. Có nhiều đoàn về đây cứ muốn ông Tạo kể đi kể lại không biết chán. Dù mệt nhưng ông rất vui vì có những người vẫn muốn tìm hiểu thêm về sự nghiệp của cụ Huỳnh. Có những ngày ông không kịp ăn trưa, tối thì đến 7 hoặc 8 giờ mới về tới nhà bởi khách quá đông, lại thích ông nói chuyện. Về tới nhà là nằm vật ra, cổ họng rát bỏng, tay chân bủn rủn. Nhưng rồi, niềm vui đã vực ông dậy. Sáng hôm sau lại đúng 7 giờ 30 là có mặt tại khu mộ.
Miệt mài với công việc mà nhiều người gọi là "gàn", ông Nguyễn Tạo đã làm nên một nét đẹp giữa đời thường. Vẫn cái mũ cũ và bộ quần áo sờn rách. Vẫn đôi chân nhanh nhẹn khi có khách vào. Vẫn những lời thuyết trình rõ ràng, mạch lạc, đầy đủ, ông đã khiến không ít người về đây tham quan thật sự thấy cảm phục. Làm suốt ngày như thế nhưng ông chưa bao giờ mở miệng ra xin ai một đồng. Có khách vào thấy ông nhiệt tình quá, biếu ông vài trăm nghìn. Nói mãi, ông chỉ cầm vài chục nghìn để khách vui lòng...
Thành Giang